Trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng về Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng Đảng TSVM là nội dung quan trọng đặc biệt. Xuyên suốt từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị những tiền đề cho việc thành lập Đảng cho đến trước lúc đi xa, đặc biệt trong bản Di chúc lịch sử, Người để lại những chỉ dẫn quý báu về nhiều mặt, hệ trọng trước mắt và lâu dài. Đó là việc giáo dục, rèn luyện đảng viên, nâng cao trình độ lý luận, nhận thức, năng lực trí tuệ của đội ngũ; chống giáo điều, chủ nghĩa cá nhân; tuân thủ triệt để và vận dụng sáng tạo nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Đặc biệt, trong Di chúc, Người căn dặn rất ân cần, sâu sắc và chỉ rõ: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.
 |
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn cán bộ, đảng viên phải gần gũi, gắn bó với nhân dân, hết lòng chăm lo cho nhân dân. Trong ảnh: Bác Hồ thăm HTX Tân Lập, Quốc Oai, Hà Tây (thánh 7-1957). Ảnh tư liệu.
|
Một trong những điều căn dặn tâm huyết nhất của Bác đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, được thể hiện trong Di chúc là “đoàn kết”. Khi đề cập: “Trước hết nói về Đảng”, Bác nhấn mạnh “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết thống nhất trong Đảng chính là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đi đến gắn bó với cách mạng thế giới, mở rộng tình đoàn kết quốc tế. Để giữ gìn sự đoàn kết thống nhất ấy, Người yêu cầu: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Đó cũng chính là những vấn đề cơ bản thuộc về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quy luật phát triển của Đảng và là yêu cầu rèn luyện cán bộ, đảng viên. Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Qua đó cho thấy sự nung nấu, suy tính của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều năm, chứa đựng chiều sâu của tư tưởng, tình cảm, tầm cao trí tuệ của Người. Nhìn bút tích bằng mực đỏ của Bác trên bản Di chúc, chúng ta càng bồi hồi xúc động. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, đồng thời suốt đời Người quan tâm chăm lo cho sự vững mạnh của Đảng. Những dòng Bác viết về Đảng trong Di chúc thực sự là những áng văn thể hiện tư tưởng, cốt cách Hồ Chí Minh. Cũng ở đoạn này, năm 1966, tức là sau một năm khởi thảo Di chúc, Bác ghi thêm liền sau đó: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Chỉ một câu đó, nhưng suy cho cùng đó là điểm cơ bản nhất của vấn đề đoàn kết, bởi nếu không xuất phát từ "tình đồng chí thương yêu lẫn nhau" thì dù có tự phê bình và phê bình đến mấy, dù được gọi là "có tinh thần đấu tranh thẳng thắn" đến mấy, hiệu quả cũng sẽ không cao…
Chủ tịch Hồ Chí Minh không những chỉ ra khả năng cách mạng to lớn của tuổi trẻ mà Người còn chỉ ra tiềm năng to lớn của tuổi trẻ trong công cuộc kiến thiết xây dựng nước nhà. Trong Di chúc, cùng với công tác xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Đây cũng chính là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của một Đảng Cộng sản cầm quyền. Người nhắc nhở: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng" vừa “chuyên”.
Để gìn giữ, củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, để được nhân dân tin tưởng, nhiệm vụ của Đảng là phải chăm lo mọi mặt đời sống cho nhân dân. Người viết trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền, thực hiện chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, trong quá trình lãnh đạo xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn đặc biệt coi trọng xây dựng Đảng TSVM, được thể hiện rõ, nhất quán qua các kỳ đại hội, xác định đây là nhiệm vụ then chốt. Tổng kết 30 năm đổi mới, Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ sống còn trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng; Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, coi đây là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Đảng ta luôn nhấn mạnh vấn đề giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; có phương thức lãnh đạo khoa học”.
Đại hội XII của Đảng chú trọng, nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Đây là điểm mới rất quan trọng, cho thấy Đảng đã nhìn thẳng vào tình hình thực tế; đưa nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức ngang tầm với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; qua đó nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của toàn Đảng, toàn dân.
Để Đảng ta thực sự TSVM, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong Di chúc của Người là hết sức cần thiết; đặc biệt là giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng; tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.
Cùng với tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tình trạng tham nhũng, lãng phí, cần đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ từ khâu phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất; thường xuyên gần gũi quần chúng nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân; phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực, bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân.
Cần tránh các biểu hiện hình thức trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Trong tình hình hiện nay, đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt càng phải nêu gương thực hành đạo đức, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII, về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), đồng thời, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
NGUYỄN VĂN CÔNG, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch