 |
Bà Rơ Lan Hsứ thường xuyên kể chuyện về Bác Hồ và căn dặn con cháu học tập, noi gương Bác. |
Căn nhà nhỏ của bà Rơ Lan Hsứ nằm sâu trong một con hẻm của làng Ốp, phường Hoa Lư, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai nhưng rất ấm cúng và thiêng liêng. Bà dành nơi trang trọng nhất trong nhà để đặt bàn thờ Bác Hồ và lưu giữ những kỷ vật thời kháng chiến mà theo bà, đó là tài sản quý giá nhất của cuộc đời. Bà không nhớ mình đến với cách mạng từ lúc nào, chỉ biết khi đó còn nhỏ, bà đã cùng với người dân trong làng tin theo Bác Hồ, nuôi giấu bộ đội để cùng nhau đánh giặc bảo vệ buôn làng. Đầu năm 1963, bà nhập ngũ với mong muốn góp phần đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước để đón Bác Hồ vào thăm.
Niềm mong mỏi được gặp Bác chưa thành hiện thực thì Rơ Lan Hsứ nghe tin Bác mất, khi đó bà đang được Mặt trận Tây Nguyên cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân. Bà Rơ Lan Hsứ xúc động kể lại: “Chị em chúng tôi không ai còn tâm trạng để học và ai cũng muốn có mặt trong lễ truy điệu Bác. Với những thành tích trong chiến đấu, tôi may mắn được chọn cùng với 14 chị em khác đại diện cho khu vực Tây Nguyên dự lễ truy điệu Bác. Đến Hà Nội, chúng tôi đi trong dòng người viếng Bác, các anh thương binh đi trước, đoàn nữ bộ đội Tây Nguyên đi sau. Có người chưa tới gần linh cữu của Bác thì đã bị ngất, phải có đồng đội dìu mới bước tiếp được. Mắt tôi đỏ hoe nhưng cũng kịp lưu giữ những giây phút được về bên Bác và đó là sức mạnh giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để chiến đấu cho mục tiêu, lý tưởng, con đường Bác đã chọn”.
Sau ngày đó, bà Rơ Lan Hsứ cùng đồng đội không ai bảo ai nhưng đều có chung một quyết tâm biến đau thương thành hành động, ra sức học tập, rèn luyện để sớm trở lại Tây Nguyên tham gia chiến đấu giữ làng, giữ nước. Lời bà hào sảng như nhắn nhủ, nhắc nhở những người trẻ chúng tôi: “Già cùng với đồng đội và nhân dân đã làm tròn nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Đất nước được hòa bình, thống nhất, bà gương mẫu, đi đầu trong việc góp sức xây dựng quê hương, vận động con cháu, đồng bào các dân tộc anh em đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.
Lúc chia tay, bà Rơ Lan Hsứ nắm chặt tay tôi rưng rưng: “Giặc ngoại xâm không còn, nhưng vẫn còn đó giặc nội xâm, giặc đói, giặc dốt. Các cháu phải tích cực học tập và làm theo Bác Hồ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để xây dựng quê hương, đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, như mong muốn của Người".
Bài và ảnh: LỮ HỒNG