Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9; kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài của Người. Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) dự và phát biểu chỉ đạo.

Dự tọa đàm có các đồng chí: Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm TCCT; Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; GS, TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Thiếu tướng Trần Quang Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị; đại biểu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, TCCT; đại diện các ban, ngành, đoàn thể Trung ương, TP Hà Nội và một số địa phương; cán bộ, đoàn viên, thanh niên tiêu biểu trong và ngoài quân đội...

Các đồng chí đồng chủ trì tọa đàm. Ảnh: NGUYỄN TUẤN HUY.

Các đồng chí: Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (QĐND); Thượng tá Trần Viết Năng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội; Đại tá Vũ Văn Đăng, Phó giám đốc Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội đồng chủ trì tọa đàm.

Hòa chung tình cảm về Bác Hồ kính yêu

Đầu giờ sáng, các đồng chí trong ban tổ chức tọa đàm đã có mặt, một lần nữa tranh thủ trao đổi, phân công nội dung điều hành, nhằm bảo đảm đạt kết quả cao nhất.

Đại tá Nguyễn Thanh Huống, Phó chủ nhiệm Chính trị BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ, những ngày này, khối lượng công việc của đơn vị nhiều, nhất là các nội dung phục vụ hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó, dịp này, đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài, khách quốc tế về thăm Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Bác cũng rất đông, có ngày lên đến hơn 30.000 lượt người. Tuy nhiên, để tổ chức cuộc tọa đàm này, từ các đồng chí trong Đảng ủy, BTL, lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đến cán bộ, chiến sĩ đều rất phấn khởi. Đây là dịp để đại biểu các cơ quan, đơn vị trao đổi kinh nghiệm học tập và làm theo Bác; được gặp gỡ, tiếp thu những thông tin quý báu từ các nhà khoa học, nhà quản lý để hiểu sâu sắc hơn về sự nghiệp vĩ đại, công lao to lớn của Bác Hồ đối với dân tộc; góp phần làm lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta về giá trị to lớn bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều đại biểu ở xa, nhất là những sĩ quan trẻ, các bạn đoàn viên, thanh niên, cũng chủ động sắp xếp thời gian về dự tọa đàm, với tâm nguyện được bày tỏ lòng tôn kính đối với Người và chia sẻ kinh nghiệm học tập, làm theo Bác.

Với tình cảm đó, phát biểu khai mạc và chỉ đạo tọa đàm, Trung tướng Lê Hiền Vân khẳng định: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm sâu sắc đối với thanh niên và bộ đội. Những lời chỉ dạy sâu sắc, sự chăm lo tận tình của Bác là nguồn động lực to lớn để tuổi trẻ Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam không ngừng rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành. Bác đã đi xa, nhưng Người để lại cho dân tộc ta một di sản vô giá. Đó là thời đại Hồ Chí Minh, là bản Di chúc lịch sử, bảo vật quốc gia, là ngọn đuốc soi đường cho toàn dân tộc. Đặc biệt, với tầm nhìn chiến lược, tư duy khoa học, tình cảm, trách nhiệm cao cả với sự nghiệp cách mạng, Bác căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Di chúc thiêng liêng - Ngọn đuốc soi đường

Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người Cha thân yêu của các LLVT nhân dân ta đã đi xa, nhưng Bác để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, đó là cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người, đặc biệt là bản Di chúc lịch sử. Di chúc của Bác là “Bảo vật quốc gia”, là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam, trong đó có thanh niên và quân đội.

Các đại biểu dự tọa đàm được GS, TS Hoàng Chí Bảo, kể cho nghe những câu chuyện cảm động về Bác, về giá trị lịch sử to lớn về bản Di chúc của Bác. Chỉ với hơn 1.000 từ và được viết trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra ác liệt, Di chúc của Bác đã khái quát đầy đủ những tư tưởng lớn, có giá trị vượt thời đại, thể hiện rõ trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của bậc “hiền triết”, suốt cuộc đời hết lòng, hết sức phục sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Những nội dung trong Di chúc là sự kết tinh của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành những chuẩn mực, giá trị vĩnh hằng đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam học tập, noi theo. Đồng chí mong tuổi trẻ cả nước nói chung, tuổi trẻ quân đội nói riêng mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Bác.

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: NGUYỄN TUẤN HUY.

Theo thông tin từ ban tổ chức, 60 tham luận của các đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, đại biểu tuổi trẻ các cơ quan, đơn vị, địa phương gửi về Tọa đàm "Trung hiếu bên Người", mặc dù được thể hiện bằng những cách nhìn khác nhau, phương pháp tiếp cận khác nhau khi nghiên cứu, tìm hiểu về Bác Hồ, nhưng tựu trung lại đều thể hiện rõ tình cảm, lòng biết ơn, thành kính sâu sắc đối với Người. Các tham luận đều có sự đầu tư công phu, đúc rút những bài học hay, kinh nghiệm quý về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là tài liệu bổ ích, góp phần lan tỏa sâu rộng hình ảnh, tên tuổi, sự nghiệp vĩ đại và đạo đức sáng ngời của Bác.

Gặp chúng tôi trước tọa đàm, Thiếu tá Trần Văn Phương, Phó thuyền trưởng quân sự, Tàu 184, Lữ đoàn 189 Hải quân không giấu được niềm vui. Anh cho biết, đã xin phép đơn vị ra Thủ đô Hà Nội từ hai ngày trước để được vào Lăng viếng Bác, chiêm ngưỡng Người, gửi gắm tới Bác những tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam, hứa với Người sẽ luôn vững vàng tư tưởng, chắc tay súng, bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Anh Phương tiết lộ, ra dự Tọa đàm "Trung hiếu bên Người" lần này, anh muốn giao lưu, học hỏi thêm các đơn vị trong toàn quân những cách làm sáng tạo trong học tập và làm theo gương Bác.

Chị Nguyễn Thị Thơm, Quyền Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An chia sẻ: Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đoàn viên, thanh niên quê hương Bác cũng đã có nhiều phương pháp, cách làm sáng tạo trong hoạt động đoàn và công tác thanh niên; trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và học tập. Tuy nhiên, việc được tham dự cuộc tọa đàm giàu ý nghĩa này, là cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc với các đại biểu từ khắp mọi miền Tổ quốc sẽ giúp chị có thêm kiến thức, kinh nghiệm để phổ biến cho tuổi trẻ tỉnh nhà, để việc học tập và làm theo Bác hiệu quả hơn.

Quả đúng như chia sẻ của nhiều đại biểu, cuộc tọa đàm là diễn đàn bổ ích, là tập hợp của tâm huyết, trí tuệ, tình cảm đối với Bác Hồ kính yêu. Các đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị LLVT đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, giáo dục rèn luyện bộ đội; các đại biểu công tác ở các cơ quan Nhà nước thì chia sẻ phương pháp, cách làm, kinh nghiệm đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước ở địa phương theo di huấn của Bác.

 Qua các ý kiến tại tọa đàm cho thấy, càng nghiên cứu, học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấy sự kết tinh của tấm gương đạo đức, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Với phong thái ung dung, Bác Hồ đã chuẩn bị cho việc ra đi rất nhẹ nhàng, thanh thản, nhưng Bác vẫn trăn trở: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa…”.

Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi

Với giá trị bất hủ, 50 năm qua, Di chúc của Bác luôn là ngọn đuốc soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống xâm lược, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được thế hệ trẻ hôm nay cụ thể hóa bằng những việc làm, hành động thiết thực. Đó là các mô hình thiết thực của Bộ đội Biên phòng, như: “Mái ấm và bò giống cho người nghèo biên giới”; “Thầy giáo quân hàm xanh nâng bước em tới trường”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” và cả những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các anh trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; phòng, chống tội phạm, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng thế hệ trẻ và nhân dân cả nước… Hay mô hình “Mỗi ngày học một lời Bác dạy”; “Mỗi ngày làm một việc tốt”; thực hiện tốt 4 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả” của Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân; là những công trình khoa học, ứng dụng hiệu quả trong giữ gìn thi hài Bác của tuổi trẻ Viện 69, BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Tọa đàm “Trung hiếu bên Người” với nhiều tham luận được chuẩn bị công phu, những câu chuyện cảm động, ý kiến tâm huyết… thể hiện tình cảm, lòng tôn kính sâu sắc của tuổi trẻ cả nước đối với Bác Hồ kính yêu. Đặc biệt, ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm TCCT gợi mở cho các đại biểu 3 vấn đề cơ bản cần làm rõ tại buổi tọa đàm. Đó là tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho tuổi trẻ LLVT; giá trị lịch sử và việc thực hiện Di chúc của Bác trong 50 năm qua; việc rèn luyện, phấn đấu của tuổi trẻ cả nước nói chung, QĐND Việt Nam nói riêng với việc thực hiện Di chúc cũng như học tập theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách của Bác.

Cuộc tọa đàm là dịp để ôn lại và khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ đó củng cố, bồi đắp niềm tin, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với Bác kính yêu.

Kết luận tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nhấn mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập QĐND Việt Nam, là người Cha thân yêu của các LLVT. Người cũng quan tâm đặc biệt đối với việc giáo dục, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Điều đó được thể hiện trong Di chúc của Bác: “Cuối cùng, tôi dành muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng…”. Đó cũng là động lực, thôi thúc chúng ta, nhất là thế hệ trẻ rèn luyện, phấn đấu, luôn “trung hiếu bên Người”. Học tập và làm theo Bác là trách nhiệm, tình cảm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là của thế hệ trẻ. Toàn quân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, quyết tâm thực hiện thắng lợi Di chúc của Người, xứng đáng với lời khen tặng của Bác: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

NGUYỄN HỒNG SÁNG