Ông cũng chính là người khởi xướng Phong trào “Nghìn việc tốt” cách đây 56 năm, là “Anh phụ trách thiếu nhi mang khăn quàng đỏ Bác trao/Màu cờ cách mạng thấm vào tim”. Ông vinh dự được nhà nước tặng thưởng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động.

Ngày 24-3-1963, Phong trào “Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, giành danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ”, gọi tắt là Phong trào “Nghìn việc tốt” được phát động tại Trường THCS Liên Sơn (nay là Trường THCS Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh), bắt nguồn từ sáng kiến của thầy giáo trẻ đầy nhiệt huyết Nguyễn Đức Thìn (khi ấy là Tổng phụ trách Đội của trường). Chỉ sau hơn hai tháng phát động, phong trào nhanh chóng lan rộng ra toàn miền Bắc, được đông đảo các em học sinh hưởng ứng nhiệt tình. Càng hạnh phúc hơn khi vào dịp Tết Đinh Mùi năm 1967, Bác Hồ về thăm ngôi trường nơi thầy giáo Nguyễn Đức Thìn công tác. Nhà giáo Nguyễn Đức Thìn nhớ lại: “Bác khen các đồng chí làm “Nghìn việc tốt” thế là rất tốt. Cần làm “Nghìn việc tốt” góp sức cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Từ đó xuất hiện nhiều gương sáng “Nghìn việc tốt”, dũng sĩ “Nghìn việc tốt”…”.

Chúng tôi thực sự xúc động nghe nhà giáo Nguyễn Đức Thìn kể lại quãng thời gian đầy khó khăn của ông khi bị mắc bệnh phong và phải điều trị cách ly hơn 4 năm. Di chứng bệnh để lại khiến đôi bàn tay bị co rút, mất hết cảm giác, nhưng trong trái tim của người thầy giàu nhiệt huyết ấy vẫn luôn khát khao cống hiến, khát khao truyền lửa yêu thương, nhân ái. Ông đã “vịn” vào chính khát vọng, ước mơ của mình để “đứng lên” học tập, rèn luyện, trở thành con người có nhân cách, trí tuệ, vì nhân dân phục vụ.

Nhà giáo Nguyễn Đức Thìn chia sẻ: “Những người khác có sức khỏe làm ra vật chất, giúp đồng bào, đồng chí. Tôi khuyết tật, mất cảm giác trên da thịt, nhưng cảm hứng cuộc đời vẫn sâu mãi trong tim”. Bởi thế, dù ở tuổi 79, nhưng ngày ngày, trên bàn phím máy tính, ông vẫn kẹp bút vào tay, viết và đánh từng con chữ. Ông viết văn, viết báo, viết về những người xung quanh, những gương mặt thân thiện, những tia nắng, hạt mưa làm cho đất quê hương mình phát triển. Với ông, những con chữ chính là bài ca cuộc sống. Ông thích như thế, để truyền tới mọi người cảm hứng về lòng nhân ái. Mấy chục năm về trước, ông đã là người thắp lửa cho Phong trào ‘Nghìn việc tốt”, giờ đây, ông vẫn tiếp tục là người thắp lửa niềm tin vào cuộc sống.

Nhà giáo Nguyễn Đức Thìn luôn tự nhắc nhở bản thân phải thía đua với chính mình đề ngày hôm nay làm việc đã tốt, ngày mai phải làm việc tốt hơn. Ở tuổi 79, ông là người viết sử của quê hương và phụ trách hướng dẫn viên của Đền Đo (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) – Di tích Quốc gia đặc biệt, nơi Bác Hồ về thăm lần đầu ngày 13-9-1945. Với ông, “Mất cảm giác chỉ là trên da thịt/cảm hứng cuộc đời sâu mãi trong tim/Mong sống đẹp, tôi là thi sĩ/Là anh hùng chiến thắng chính tôi…”.

ĐÔNG HẢI