Lịch sử Việt Nam và Bác Hồ
Là người dân Việt Nam, chúng ta nên tự hào vì được nhiều bè bạn quốc tế biết tới. Đặc biệt, trong lĩnh vực nghiên cứu, học thuật mang tính chính thống, bạn bè hiểu ta khá rõ, như Hàn Quốc là một ví dụ. Môn Lịch sử là một môn học quan trọng ở Hàn Quốc. Ở cấp trung học, học sinh Hàn Quốc được học 3 nội dung chính: Lịch sử thế giới, lịch sử Đông Á và lịch sử Hàn Quốc. Trong phần lịch sử Đông Á, học sinh được học lịch sử của 3 nước chính là: Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Riêng đối với lịch sử Việt Nam, học sinh được học từ thời văn hóa Hòa Bình cho tới lịch sử cận đại Việt Nam. Chúng ta biết chương trình giáo dục của Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với Nhật Bản nên có thể nói rằng lịch sử Việt Nam được hai nước này rất chú ý.
 |
Trung tướng Hồng Cư xúc động khi thấy lại bút tích Bác Hồ. |
Ông Chung Hoan Sang, một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho biết: “Có thể nói, học sinh Hàn Quốc hiểu khá rõ những nhân vật lịch sử của Việt Nam, như Trưng Trắc, Trưng Nhị, cho đến Hồ Chí Minh. Trong đó, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là phần hấp dẫn nhất, bởi đó là phần gắn với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”. Ông Chung Hoan Sang có nhiều năm sinh sống tại Việt Nam. Là cán bộ ngoại giao đã nghỉ hưu, nhiều năm qua, ông đã nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông cho rằng, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị ứng dụng rất cao đối với không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước, trong đó những vấn đề như đoàn kết trong đảng cầm quyền, chăm lo tới đời sống nhân dân, bồi dưỡng nhân tài… là những vấn đề được quan tâm nghiên cứu.
Bên cạnh Di chúc, cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương về sự mẫu mực khiến bạn bè vô cùng ngưỡng mộ và cảm phục. Ngay tại Triển lãm “Di chúc của Bác-Nguồn sáng dẫn đường”, nhiều khách tham quan đã bồi hồi đứng lặng trước tấm áo, đôi dép, chiếc máy chữ của Bác… Những hiện vật ấy góp phần minh chứng cho cuộc đời phi thường, cao cả của Bác, góp phần giúp những giá trị trong Di chúc của Người tỏa sáng.
 |
Khách tham quan Triển lãm “Di chúc của Bác-Nguồn sáng dẫn đường”. |
Vận dụng Di chúc của Bác trong thực tiễn
Sau ngày Bác đi xa, đã có nhiều đợt thi đua học tập, làm theo Di chúc của Người (đợt học tập sớm nhất được tiến hành vào ngày 20-9-1969 theo Chỉ thị số 173-CT/TW về “Học tập và làm theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”). Đã có hàng trăm cuộc hội thảo khoa học được tiến hành và càng ngày chúng ta lại càng tìm thấy thêm nhiều điều mới mẻ. Chính bởi những giá trị mang tính trường tồn như vậy nên Di chúc của Bác Hồ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là “Bảo vật quốc gia” ngay trong đợt đầu.
PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết, ông vừa tham dự hội thảo khoa học mang tên “Di chúc Hồ Chí Minh-giá trị lý luận và thực tiễn” do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức nên rất vui khi được dự Triển lãm "Di chúc của Bác-nguồn sáng dẫn đường" do Bảo tàng LSQS Việt Nam tổ chức. Bởi qua triển lãm, với tư cách là một nhà nghiên cứu, ông thấy rõ hơn việc vận dụng tư tưởng của Bác vào thực tiễn. Dù cho triển lãm này mới chỉ nêu lên được những tấm gương điển hình, đề tài, sáng kiến xuất sắc trong quân đội nhưng qua đó cũng có thể phản ánh phong trào Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo ra những chuyển biến tiến bộ trong thực tiễn.
PGS, TS Đỗ Văn Trụ nói: “Chỉ có vận dụng tư tưởng, vận dụng những điều Bác căn dặn trong Di chúc vào thực tiễn mới làm nên sức sống của bản Di chúc này. 50 năm qua, với nhiều biến thiên lịch sử, ngày nay đất nước đang đứng trước nhiều thuận lợi và thách thức nên việc vận dụng Di chúc của Bác đòi hỏi chúng ta phải hết sức cụ thể, từ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng cho tới việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên cần phải có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa”.
Thăm không gian triển lãm dành riêng để giới thiệu những điển hình tiên tiến, những đề tài, sáng kiến xuất sắc trong quân đội, kết quả thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, chúng ta có thêm niềm tự hào về những thành tích vẻ vang của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta. Tất cả đã làm nên một sự kết nối giữa Di chúc của Bác với thực tiễn sinh động Quân đội ta đang trong đà tiến lên chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Được biết, Bảo tàng LSQS Việt Nam đã có kế hoạch đưa Triển lãm “Di chúc của Bác-Nguồn sáng dẫn đường” đến nhiều đơn vị trong toàn quân để trưng bày phục vụ bộ đội, qua đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở đơn vị.
Bài và ảnh: ĐÔNG ANH