Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dự và phát biểu chỉ đạo tọa đàm.
Các đồng chí: Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân; Thượng tá Trần Viết Năng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội; Đại tá Vũ Văn Đăng, Phó giám đốc Trung tâm PT-TH Quân đội đồng chủ trì tọa đàm.
 |
Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu đề dẫn tọa đàm. |
Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Thượng tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị QG Hồ Chí Minh; GS, TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và các chuyên gia, nhà khoa học, cựu chiến binh....
Người Cha thân yêu của Lực lượng vũ trang nhân dân
Thay mặt thủ trưởng Tổng cục Chính trị phát biểu tại tọa đàm, Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của buổi tọa đàm và nhấn mạnh: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm chu đáo tới thanh niên và bộ đội. Những lời dạy sâu sắc, sự chăm lo tận tình của Bác chính là nguồn động lực to lớn để tuổi trẻ Việt Nam, Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam không ngừng rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành.
 |
Trung tướng Lê Hiền Vân phát biểu chỉ đạo tọa đàm. |
Thấm nhuần tư tưởng và thực hiện những chỉ dẫn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của thanh niên trong các giai đoạn cách mạng. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là tình cảm, trách nhiệm, vừa là mục tiêu, động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước, của Đảng.
Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn là nguồn sáng dẫn đường cho tuổi trẻ Việt Nam, QĐND Việt Nam và dân tộc Việt Nam vững vàng tiến lên trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đồng chí Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khẳng định.
 |
Các đại biểu dự tọa đàm. |
Kể lại tình cảm của Bác Hồ dành cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Phòng không 361- Sư đoàn Phòng không Hà Nội, Đại tá Nguyễn Hữu Toàn, Chính ủy Sư đoàn 361, Quân chủng PK-KQ chia sẻ: Sư đoàn 361 - Sư đoàn Phòng không Hà Nội anh hùng ra đời xuất phát từ tầm nhìn chiến lược của chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã khẳng định: “Hà Nội chưa có pháo cao xạ như nhà chưa có nóc”.
Cả hội trường đã lặng đi khi nghe Đại tá Nguyễn Hữu Toàn kể về những ngày tháng 7 năm 1967, khi đó trời Hà Nội nắng như đổ lửa. Sau rất nhiều buổi trưa Bác không ngủ, cứ đi đi lại lại, mắt vẫn luôn dõi về nóc Hội trường Ba Đình, nơi có nhiều chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh trực phòng không. Bác gọi và giao cho đồng chí Vũ Kỳ là thư ký riêng của Bác lên kiểm tra. Sau khi lắng nghe tình hình, Bác đã rút hết toàn bộ số tiền tiết kiệm 25.000 đồng gồm tiền lương và tiền nhuận bút của mình (tương đương khoảng 60 lượng vàng lúc đó) để mua nước uống cho bộ đội. Bác còn dặn: “Đó là quà của Bác tặng để mua nước ngọt cho anh em chiến sĩ trực phòng không. Không chỉ với những chiến sĩ Ba Đình mà tất cả chiến sĩ đang trực trên mâm pháo toàn miền Bắc. Nếu số tiền đó không đủ thì đề nghị các địa phương có bộ đội phòng không trực chiến phải góp sức vào cùng lo”.
 |
Đại tá Nguyễn Hữu Toàn chia sẻ câu chuyện về Bác Hồ. |
Tiếp mạch nguồn về tình yêu thương vô bờ bến của Bác dành cho bộ đội không chỉ trong cử chỉ, suy nghĩ mà còn bằng những hành động, việc làm rất thiết thực cụ thể, đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đã chia sẻ về những lần được nghe lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những lời dạy của Bác đối với bộ đội hết sức nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, như “tình cảm cha với con”.
“Ngọn đuốc soi đường” cho cách mạng Việt Nam
Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc một di sản vô giá, đó là cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người, trong đó có bản Di chúc lịch sử. Di chúc của Người là “Bảo vật Quốc gia”, là “Ngọn đuốc soi đường” cho cách mạng Việt Nam.
Khẳng định giá trị lịch sử và thời đại của bản Di chúc và tâm nguyện "trung hiếu bên Người" của các thế hệ thanh niên Việt Nam, GS, TS Hoàng Chí Bảo đưa ra những lý giải vì sao Bác dành nhiều tình yêu thương, niềm tin cho thế hệ thanh niên.
 |
Đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham dự buổi tọa đàm. |
Người ra đi tìm đường cứu nước khi mới là một cậu thanh niên 21 tuổi và 10 năm sau đã đi vào lịch sử khi chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến Hội nghị Versailles Bản yêu sách của nhân dân An Nam. Lý tưởng dân quyền, việc thực thi quyền lực của nhân dân, thực thi tổ chức và điều hành xã hội bằng pháp luật do Nguyễn Ái Quốc trình bày đã phản ánh nguyện vọng và yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng của con người ở các thuộc địa, trong đó có xứ Đông Dương thuộc Pháp, GS, TS Hoàng Chí Bảo kể.
Tròn nửa thế kỷ thực hiện Di chúc của Người không chỉ là thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc mà còn là sự thể hiện tình cảm, lòng biết ơn và kính yêu đối với Bác. Thiếu tướng Trần Quang Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị chia sẻ: Trong Di chúc, Người nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải luôn ghi nhớ rằng, “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Luận điểm đó chứa đựng thế giới quan khoa học của một lãnh tụ cách mạng, phản ánh tầm nhìn xa trông rộng của một nhà hiền triết, một nhà văn hóa lớn và nó đã trở thành một chân lý của cách mạng.
Ngược dòng thời gian trở về 50 năm về trước, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ những kỷ niệm hết sức cảm động về ngày được tin Bác mất đã khiến các đại biểu có mặt tại buổi tọa đàm hiểu hơn về tình cảm và sự biết ơn mà nhân dân, thế hệ trẻ dành cho Người.
 |
PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc xúc động kể lại kỷ niệm về Bác Hồ. |
“Tôi vẫn giữ chiếc băng tang đã dùng để tang Bác. Sợ rơi mất, tôi lấy kim chỉ khâu băng tang vào giữa cuốn sách giữ như báu vật. Khi Hà Nội bị ném bom, nhà tôi chỉ còn là một hố bom. Nhưng như có linh cảm, tôi bới tìm và bật khóc khi tìm thấy cuốn sổ. Sau này, tôi đã tặng cả băng tang và cuốn sổ cho bảo tàng. Tôi đã khóc vì coi đó như vật thiêng liêng của cuộc đời mình với Bác Hồ”, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc rưng rưng nhớ lại.
Trung hiếu bên Người
Cuộc tọa đàm “Trung hiếu bên Người”, được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác là diễn đàn bổ ích đối với cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.
Tọa đàm đã ghi nhận nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, những tấm gương tuổi trẻ, dũng cảm quên mình vì nước, vì dân, những cán bộ, sĩ quan, đoàn viên, thanh niên có nhiều đóng góp, cống hiến vượt bậc cho quân đội, cho đất nước. Những cống hiến ấy là sự thể hiện lòng tôn kính, trung hiếu của cán bộ, chiến sĩ đối với Bác Hồ kính yêu. Những lời dạy của Bác Hồ dành cho thế hệ trẻ trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động.
 |
Thượng tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Thanh Ngân chia sẻ những kỷ niệm về Hồ Chủ tịch. |
Chia sẻ về kết quả, cũng như những bài học kinh nghiệm trong 50 năm giữ gìn an toàn tuyệt đối thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thiếu tướng, Cao Đình Kiếm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Theo đánh giá của Hội đồng Khoa học Y tế cấp Nhà nước về trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (bao gồm 4 nhà khoc học Liên bang Nga, 7 nhà khoa học Việt Nam), thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh qua 50 năm giữ gìn vẫn được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất, không phát hiện thấy bất cứ biểu hiện thay đổi nào so với các cuộc đánh giá trước đây.
 |
Các chiến sĩ trẻ tham gia tọa đàm. |
Trung tá, TS Tưởng Phi Vương, Phó chủ nhiệm Khoa Hình thái, Viện 69, BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Hiện Viện 69 đã có một đội ngũ cán bộ trẻ được tuyển chọn kỹ càng về năng lực và phẩm chất đạo đức. Trong thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, các bác sĩ trẻ của đơn vị luôn bảo đảm tính nghiêm cách, thận trọng, tỉ mỉ, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Còn nhiều nữa những công trình sáng tạo, sự cống hiến hết mình trong học tập, công tác của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, tất cả đều xuất phát từ sự tôn kính, lòng hiếu trung của tuổi trẻ đối với Bác Hồ kính yêu. Tinh thần ấy thường xuyên túc trực trong suy nghĩ, hành động của mỗi người...
Bên cạnh những tham luận trực tiếp tại tọa đàm, Ban tổ chức đã nhận được 60 bài tham luận của các vị học giả, tướng lĩnh, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong cả nước.
 |
Chị Lương Thị Chon, vợ Thiếu tá, liệt sĩ Vi Văn Nhất, BĐBP tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại tọa đàm.
|
 |
Các chiến sĩ xem những tài liệu về Bác Hồ trước buổi tọa đàm. |
 |
Các đại biểu trao đổi bên lề tọa đàm. Ảnh: TUẤN HUY |
Thay mặt Ban tổ chức, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo QĐND đã cảm ơn và ghi nhận những đóng góp quý báu của các đại biểu và khẳng định: Thông qua tọa đàm cho thấy tình cảm, sự tôn kính sâu sắc của nhân dân, tuổi trẻ cả nước và Quân đội dành cho Bác Hồ kính yêu, cũng như làm rõ hơn những tình cảm của Bác dành cho thanh niên, cho quân đội. Tọa đàm cũng làm rõ hơn giá trị lịch sử Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; việc rèn luyện, phấn đấu của tuổi trẻ cả nước nói chung, QĐND Việt Nam nói riêng trong việc thực hiện Di chúc cũng như học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, qua đó củng cố, bồi đắp niềm tin, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tuổi trẻ toàn quân và đồng bào, chiến sĩ cả nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay...
Bài, ảnh: THU HÀ