Năm 2007, ông Thẩm được Chi hội CCB xóm Hà cử tham gia Hội thi "Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" của phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy và đoạt giải nhất. Tiếp tục thi các vòng sau, ông đoạt giải nhất cấp quận Cầu Giấy, giải ba cấp TP Hà Nội và được dự thi cấp khu vực phía Bắc.

Ông Phạm Văn Thẩm nguyên là thành viên Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt, chiến sĩ Trung đoàn 102-Trung đoàn Thủ đô thuộc Đại đoàn 308. Năm 1957, sau khi xuất ngũ, ông có thời gian công tác tại cơ quan 3 văn phòng (Trung ương Đảng, Phủ Chủ tịch, Phủ Thủ tướng) trong 3 năm, trước khi chuyển sang ngành giáo dục. Trong thời gian này, ông may mắn nhiều lần được gặp và chứng kiến những việc làm, cuộc sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà theo ông, sự vĩ đại của Người trước hết là ở cuộc sống giản dị, khiêm tốn, bắt nguồn từ phẩm chất đạo đức của Người. Đạo đức ấy khởi nguồn từ lòng yêu nước, thương dân, tạo thành lẽ sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Hình ảnh Bác giản dị trong bộ quần áo ka ki, đôi dép cao su, chiếc mũ cát khắc sâu trong trái tim người Việt Nam và bạn bè quốc tế.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Phạm Văn Thẩm và vợ.

Cuối thập niên 1950, đất nước tạm chia hai miền Nam-Bắc. Đồng bào miền Nam anh dũng đấu tranh với địch, giành lại hòa bình; nhân dân miền Bắc ra sức sản xuất, thực thành hiện tiết kiệm, thực hiện Phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” với phương châm “sống trong sạch, rách vá lành” theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Và Bác Hồ đã thực hành tiết kiệm nêu gương cho toàn dân noi theo. Trong Hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông Phạm Văn Thẩm đã làm sáng tỏ thêm về đạo đức, lối sống giản dị của Bác Hồ bằng những câu chuyện thực tế.

 Với câu chuyện bộ ka ki của Bác hai lần xuống gấu, ông Thẩm kể rằng:

Tôi còn nhớ năm 1959, Chi bộ đảng khu vực Văn phòng Trung ương????? do đồng chí Tô Công làm Bí thư. Trong chi bộ có đồng chí Nguyễn Thị Toán, tuổi chưa đến 30, là vợ liệt sĩ nuôi con trai 4 tuổi. Trong một lần sinh hoạt chi bộ, chị Toán báo cáo thủ thỉ như lời tâm sự:

 - Tôi thật thà báo cáo và hỏi các đồng chí, tại sao Bác Hồ phải khổ như thế? Các đồng chí tự mình nhìn xem, có ai mặc áo vá và mặc quần xuống gấu? Vậy mà Bác Hồ có đấy! Tuần trước anh Vũ Kỳ bảo tôi mạng miếng rách ở vai chiếc vỏ áo bông vải xanh chéo Trung Quốc, vì Bác không cho mua áo mới. Vừa mới hôm kia tôi lại phải xuống gấu chiếc quần ka ki và cạp lại gấu chiếc áo, mà hình như bộ đồ cũ này Bác mặc từ hồi Việt Bắc kháng chiến. Vì sao Bác phải khổ thế, Bác ơi? Vì sao chúng ta lại để cho Bác chịu cảnh thiếu quần áo lành để mặc?

Nói rồi chị Toán khóc nấc lên khiến cả chi bộ bàng hoàng xúc động. Im lặng hồi lâu, rồi đồng chí Tô Công nói:

- Tiết kiệm, chống lãng phí đã trở thành lẽ sống mỗi ngày của Bác mất rồi, không ai ngăn cản được. Bác thường bảo, nước còn nghèo, dân còn khổ, làm sao bác cháu ta đòi hỏi đầy đủ, sung sướng được. Tôi biết có lần đồng chí Tô (tức Thủ tướng Phạm Văn Đồng) đề nghị Bác cho thay vỏ áo bông mới. Bác vỗ vai đồng chí Tô, thân mật nói: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ mặc áo vá lúc này là hạnh phúc cho nhân dân, là hồng phúc của đất nước đang nghèo khó...”.

Sau này, khi ông Thẩm làm việc ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác, thầy trò ông đến thăm nhà sàn Bác Hồ, được nghe đồng chí Vũ Kỳ kể lại câu chuyện Bác tiết kiệm điện để dành cho sản xuất:

Năm 1964, Chủ tịch Mao Trạch Đông gửi tặng Bác chiếc quạt bàn nhãn hiệu Đông Phong, một sản phẩm của ngành công nghiệp nhẹ Thượng Hải (Trung Quốc). Bác gọi mấy đồng chí cảnh vệ lên nhà sàn rồi cho mở quạt. Mấy bác cháu vừa xem vừa bình phẩm, nhận xét về kiểu dáng, tính năng của quạt. Được dăm phút, Người bảo tắt quạt đi rồi nói: "Trên này thoáng mát, khi cần dùng quạt giấy cũng đủ. Dùng quạt máy làm gì cho tốn điện, để dành điện cho sản xuất". Từ đó đến ngày qua đời, Bác Hồ không dùng quạt máy ấy mà chỉ lưu giữ trân trọng như món quà kỷ niệm.

Đồng chí Vũ Kỳ còn kể thêm, chiếc quạt giấy Bác dùng là của đồng chí mua cho Bác từ năm 1955, năm đầu tiên Bác về lại Thủ đô Hà Nội. Bác giữ gìn cẩn thận và dùng suốt 4, 5 vụ hè nên đã sờn rách. Đồng chí Vũ Kỳ định mua chiếc khác, Bác liền ngăn lại: "Mua làm gì cho tốn tiền, chú xin chú y sĩ cho bác một mẩu băng keo y tế…". Người đã dán lại chiếc quạt rách và sử dụng nó suốt 15 mùa hè oi bức ở miền Bắc.

Đó chỉ là hai trong số muôn vàn câu chuyện về sự tiết kiệm của Bác Hồ được CCB Phạm Văn Thẩm kể lại. Bác đã đi xa nhiều năm, nhưng mỗi lần nhớ lại ông Thẩm vẫn vẹn nguyên cảm xúc: “Ở cương vị Chủ tịch nước, Bác có quyền được hưởng những ưu đãi tốt nhất, song Người đã từ chối những điều đó bởi Người luôn muốn dành những gì tốt nhất cho nhân dân. Con người của Bác, đạo đức của Bác là động lực, tấm gương để tôi phấn đấu noi theo cho đến hết cuộc đời.”

MINH VŨ