“Trước hết nói về Đảng”-đó là việc đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến trong Di chúc. Đảng còn được nói đến trong tất cả các phần của Di chúc. Trong 3 bản thảo Di chúc viết các năm 1965, 1968 và 1969, Người đã nhắc đến từ “Đảng” 21 lần. “Đảng” là từ có tần suất xuất hiện nhiều nhất trong Di chúc. Trong tất cả công việc được nói đến trong Di chúc, từ giáo dục thanh niên, thiếu niên, chăm lo đời sống nhân dân, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước to đẹp, đàng hoàng, quan hệ với các đảng anh em... Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhắc đến vai trò, trách nhiệm hay công việc cụ thể mà Đảng phải làm. Sự quan tâm đặc biệt của Người đến Đảng, nói đến Đảng đầu tiên và nhiều nhất trong Di chúc chính là thể hiện vai trò vô cùng to lớn của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng, như Cương lĩnh 2011 đã khẳng định: “Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

Người nhấn mạnh đến truyền thống, cũng là bài học thành công của Đảng là “đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”, “phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Sự đoàn kết trong Đảng được Người nói đến là đoàn kết có nguyên tắc, đoàn kết trên cơ sở một mục đích cao cả, một lý tưởng cách mạng nhân văn, đó là đoàn kết vì nhân dân, vì dân tộc, để “phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”. Chính mục đích cao cả, lý tưởng cách mạng nhân văn đó làm nên bản chất tốt đẹp của Đảng, như Người đã từng nói: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”; và “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trao thưởng các điển hình tiên tiến toàn quân tại Hội nghị sơ kết và tôn vinh điển hình tiên tiến 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” (2014-2019).  Ảnh: MINH TRƯỜNG

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “cách tốt nhất”, hay là phương thức, giải pháp cần thiết, đúng đắn để giữ gìn, củng cố, phát triển sự đoàn kết trong Đảng, đó là: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Chỉ ra tính chất của Đảng ta “là một đảng cầm quyền”, Người nhấn mạnh yêu cầu xây dựng Đảng: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Trách nhiệm, những công việc quan trọng mà Đảng phải làm được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra, gồm: Thứ nhất, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, cụ thể là chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”; thứ hai, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”; thứ ba, về trách nhiệm đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Người mong rằng: “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”.

  Tháng 5-1968, khi xem lại nội dung đã viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh “thấy cần phải viết thêm mấy điểm không đi sâu vào chi tiết”. Trong mấy điểm viết thêm ấy, Người dành riêng chỉ để nói về việc “mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man” mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần phải làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành được thắng lợi hoàn toàn. Để có thể hoàn thành “một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn” như thế, yêu cầu, điều kiện, đòi hỏi “trước tiên” mà Người nói đến là “chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”. Người nhấn mạnh: “Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên lượng được những khó khăn, phức tạp của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước sau chiến tranh. Vì thế, Người muốn Đảng phải tự chỉnh đốn, tự xây dựng để vững mạnh, trong sạch, đủ năng lực lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ khó khăn, “khổng lồ” đó. Trở lại thời kỳ đầu gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Người cũng đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, trong đó dành phần lớn nội dung cho công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn phương thức, tác phong lãnh đạo, phê bình những “bệnh”-sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên... Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đã là cẩm nang của cán bộ, đảng viên, chuẩn bị tư thế, tổ chức cho Đảng khi thực hiện một nhiệm vụ khó khăn, ác liệt-kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Phần kết cho những nội dung viết năm 1968, Người trở lại một nhân tố vô cùng quan trọng, có ý nghĩa căn cốt, bảo đảm thành công của mọi cuộc cách mạng xã hội, đó là vai trò của nhân dân. Theo Người, công cuộc khắc phục các vết thương và xây dựng, phát triển đất nước sau chiến tranh là “cuộc chiến đấu khổng lồ”, “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Để có thể giành lấy thắng lợi trong cuộc “chiến đấu” đó, “phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Trọng dân, phục vụ nhân dân, dựa vào sức mạnh của nhân dân là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi Người đi tìm đường cứu nước đến lúc viết Di chúc, gửi lại cho mai sau những lời dặn dò tâm huyết.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những yêu cầu, nội dung căn bản nhất, thực sự là cẩm nang quý, là kim chỉ nam cho công tác xây dựng Đảng. Làm theo Di chúc của Người, 50 năm qua, Đảng ta đã không ngừng phấn đấu, xây dựng Đảng vững mạnh, trong sạch cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ; dựa vào nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Vượt qua những khó khăn, phức tạp sau chiến tranh, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi những kẻ xâm lược ở biên giới phía Nam, biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; tiến hành công cuộc đổi mới thu được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, xây dựng đất nước ngày càng to đẹp, đàng hoàng hơn.

Ngày nay, bối cảnh và các điều kiện trong nước, trên thế giới đã có nhiều thay đổi to lớn. Cơ chế kinh tế thị trường cùng quá trình hội nhập quốc tế sâu sắc, toàn diện của đất nước đã tác động mạnh mẽ, làm thay đổi nhiều mối quan hệ xã hội, nhiều ý nghĩa trong thang giá trị của cuộc sống. Trên thế giới, phe xã hội chủ nghĩa đã tan rã, chủ nghĩa quốc tế vô sản không còn chi phối mối quan hệ giữa các đảng cộng sản và công nhân; chủ nghĩa dân tộc nổi lên làm đảo lộn mối quan hệ giữa các quốc gia. Cho dù bối cảnh, tình hình có những biến đổi to lớn và phức tạp nhưng về bản chất, mục tiêu của cách mạng, mục tiêu phấn đấu của Đảng trước sau như một, vẫn không thay đổi. Đó là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là sự tiếp nối, phát huy “mong muốn cuối cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Trong điều kiện ấy, những chỉ dẫn trong Di chúc của Người vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa thời sự, vẫn là những nguyên lý cơ bản, là kim chỉ nam cho Đảng ta về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

GS, TS TẠ NGỌC TẤN (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương)