Vinh dự và trách nhiệm của một đạo diễn trẻ

Nội dung bộ phim thể hiện khái quát mối quan hệ nghĩa tình giữa 3 đất nước Việt Nam-Lào-Campuchia mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp.

Bộ phim được xây dựng dựa trên kịch bản văn học cùng tên của NSƯT Sỹ Chung. Kịch bản được lãnh đạo của Điện ảnh Quân đội nhân dân lựa chọn và giao cho Thượng úy Vũ Anh Nhất làm đạo diễn.

Khi nhận nhiệm vụ này, đạo diễn Vũ Anh Nhất coi việc thực hiện bộ phim là niềm vinh dự và cũng là trách niệm lớn lao của một đạo diễn trẻ.

Cảnh trong phim "Chủ tịch Hồ Chí Minh với ba nước Đông Dương".

Thượng úy Vũ Anh Nhất chia sẻ: Tôi nghĩ rằng, đây là không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm tin của lãnh đạo đơn vị giao cho mình. Tôi bắt tay vào việc nghiên cứu trong và ngoài kịch bản, nguồn tư liệu hình ảnh để làm sao xây dựng bộ phim tốt nhất. Câu chuyện phim “Chủ tịch Hồ Chí Minh với ba nước Đông Dương” được kể trải dài từ những năm 1858 khi thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên tấn công cảng Đà Nẵng mở màn cho cuộc xâm lược Đông Dương. Để làm toát lên tinh thần, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với mối đại đoàn kết giữa 3 nước trong bộ phim này, tôi đã cố gắng thể hiện bộ phim với lối kể đan xen để nội dung phim tập trung nhất và người xem cảm nhận được hết tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mối đoàn kết của 3 nước.

“Chủ tịch Hồ Chí Minh với 3 nước Đông Dương” là một bộ phim tài liệu lịch sử, phần lớn câu chuyện được kể bằng những tư liệu, hình ảnh quý. Đạo diễn Vũ Anh Nhất luôn suy nghĩ làm thế nào để bộ phim có sự mới mẻ, không đi theo lối mòn của những tác phẩm cùng đề tài trước đó.

Vấn đề tư liệu hình ảnh là một thách thức đối với đoàn làm phim, nhất là bộ phim lịch sử này có bối cảnh khá xa đối với thời điểm hiện tại, có những cảnh phim từ đầu thế kỷ 18. Vì thế, đoàn làm phim đã cố gắng tìm kiếm các nguồn tư liệu hoặc cách kể gần gũi, dễ hiểu để người xem cảm nhận được bối cảnh, thời gian, hoàn cảnh của câu chuyện phim.

Cách thể hiện gần gũi, dễ hiểu

Trong những năm kháng chiến, Điện ảnh Việt Nam tuy còn non trẻ và thiếu thốn nhưng vẫn có những bộ phim tư liệu về Bác Hồ, đó là những thước phim vô cùng quý giá về mặt tư liệu lịch sử và cũng thật may mắn cho đạo diễn Vũ Anh Nhất khi có cơ hội tiếp cận nguồn tư liệu phong phú như vậy. Đây cũng là một thuận lợi lớn đối với đoàn làm phim.

Đạo diễn Vũ Anh Nhất (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng nghiệp đang bàn bạc thực hiện bộ phim.

Đã có rất nhiều tác phẩm điện ảnh, truyền hình thành công về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi nhà làm phim đều chọn một cột mốc hoặc một chuỗi sự kiện dẫn chứng về Bác Hồ để tập trung đi sâu, thể hiện tư tưởng, phong cách về Người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Bộ phim “Chủ tịch Hồ Chí Minh với ba nước Đông Dương” lại đi sâu vào tình cảm, mối quan hệ của Bác Hồ, của dân tộc Việt Nam với hai đất nước Lào và Campuchia. Là một đạo diễn trẻ, đã từng thực hiện các bộ phim tài liệu lịch sử nhưng khi nhận nhiệm vụ đạo diễn bộ phim tài liệu này, đạo diễn Vũ Anh Nhất luôn trăn trở để tìm ra cách thể hiện gần gũi, dễ hiểu.

Đạo diễn Vũ Anh Nhất cho biết: “Khi làm việc, bàn bạc với ê kíp thực hiện bộ phim, tôi đề xuất cách kể của bộ phim này không theo lối biên niên mà theo lối tùy bút để làm sao toát lên tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh với mối đoàn kết giữa 3 dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia. Có những giai đoạn lịch sử chỉ kể lướt qua, có những giai đoạn lịch sử được nhấn sâu để gắn kết, toát lên tinh thần đoàn kết của 3 nước”.

Đạo diễn Vũ Anh Nhất cho biết: Để toát lên tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ba nước Đông Dương, tôi đã bám vào các dấu mốc về mặt tư tưởng, địa lý, đấu tranh giữa 3 nước chúng ta; đã có thời điểm cùng chung một Đảng là Đảng cộng sản Đông Dương, cùng chung một kẻ thù trong các cuộc chiến tranh để dành độc lập. Về mặt địa lý thì ba nước cùng chung dãy Trường Sơn, cùng chung dòng Mê Kông và hiện nay giữa 3 nước vẫn giữ vững mối quan hệ đoàn kết gắn bó để phát triển. Tôi bám vào các dấu mốc ấy để xây dựng bộ phim đúng hướng về lịch sử nhưng người xem vẫn cảm thấy mềm mại, không bị khiên cưỡng.

Đạo diễn Vũ Anh Nhất mang tư duy của một người trẻ làm phim tài liệu lịch sử để thể hiện sự sáng tạo và mới mẻ trong tác phẩm điện ảnh này. Việc đầu tư những hình quay mới trong phim đã tạo được ấn tượng tích cực, hiệu ứng thẩm mỹ cao, thu hút khán giả.

Quá trình quay tiền kỳ bộ phim này khá dài, đoàn làm phim phải đi nhiều tỉnh, thành phố để thực hiện. Khi quay tại hiện trường và gặp gỡ một số nhân vật lịch sử, ê kíp thực hiện may mắn được các nhân chứng tạo điều kiện để đoàn làm phim hoàn thành nhiệm vụ. Các quay phim đã ghi được những khoảnh khắc đắt giá trong những cảnh quay phỏng vấn các nhân vật.

Chịu trách nhiệm thực hiện bộ phim khá đồ sộ về nội dung, đề tài, đạo diễn Vũ Anh Nhất đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu kịch bản văn học cũng như các tư liệu liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình tìm hiểu, đạo diễn rất tâm huyết với một nhân chứng đó là nhà văn Trần Công Tấn (cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào).

Nhà văn Trần Công Tấn là một trong những người đầu tiên tham gia đội hình của liên quân Việt Lào sát cánh dùng Hoàng thân Xuphanuvong. Ông cũng là hiện thân của tình hữu nghị Việt – Lào. Do đó, đoàn làm phim nghĩ rằng không thể tìm được nhân chứng nào hay hơn. Những đoạn trả lời phỏng vấn của nhà văn Trần Công Tấn đã toát lên tinh thần đoàn kết, tình cảm giữa các dân tộc.

Nhà văn Trần Công Tấn và đạo diễn Vũ Anh Nhất trong quá trình thực hiện bộ phim.

Bác Hồ đã đi xa nhưng tư tưởng vĩ đại của Người để thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc kết hợp với nghĩa vụ quốc tế vẫn còn sống động. Đặc biệt từ khi thực hiện công cuộc đổi mới với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với truyền thống tốt đẹp của mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam, Lào, Campuchia thì tình đoàn kết giữa ba nước ngày càng được tăng cường, mở rộng và dành được những thắng lợi to lớn. Đó cũng là thành quả được kết tinh từ lịch sử, từ sứ mệnh mà 3 dân tộc đã chung sức, chung lòng, chung vai gánh vác qua những chặng đường đầy khó khăn, gian khổ trong các cuộc đấu tranh giành độc lập và giải phóng đất nước.

Bộ phim “Chủ tịch Hồ Chí Minh với ba nước Đông Dương” một lần nữa  khẳng định lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị và sức sống cho tới ngày nay.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN