Di chúc của Bác trở thành tiếng nói của thời đại, của lịch sử, là ánh sáng để chúng ta tiến lên đổi mới thành công. Trong Di chúc, Bác căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Câu nói nổi tiếng của Bác “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” khẳng định vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng của văn hóa, trở thành chân lý và tỏa sáng trong bầu trời tư tưởng nhân loại. Vai trò “soi đường” ấy được thể hiện ở việc định hướng cho mọi hoạt động, mọi ngành nghề: Văn hóa lao động, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa lãnh đạo, văn hóa môi trường... Trong từ vựng tiếng Việt, hai chữ “văn hóa” luôn là tiền tố được đặt trước danh từ để nhấn mạnh tính chất tiên phong, dẫn lối.

Không ngẫu nhiên ngày nay những quan điểm, tư tưởng của Các Mác được nghiên cứu nhiều ở phương Tây. Bởi, tư tưởng Các Mác đang là ánh sáng trí tuệ, nhân văn giúp người ta tìm ra hướng đi mới, khắc phục cái bất cập, xưa cũ. Triết học sinh thái văn hóa phương Tây tôn vinh Các Mác là một nhà văn hóa vĩ đại, ở ngay một nhận xét: “Nếu canh tác được tiến hành một cách tự phát mà không được hướng dẫn một cách có ý thức... thì sẽ để lại sau nó đất hoang”. “Được hướng dẫn một cách có ý thức” chính là chức năng “soi đường” của văn hóa. Thế giới đang chứng kiến những biến đổi khó lường của thiên nhiên, vì loài người đã khai thác cạn kiệt tài nguyên một cách rất thiếu ý thức. Thế là người ta đọc và học Các Mác để tìm ở đó những chỉ dẫn chiến lược lấy văn hóa làm điểm tựa cho mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt cũng như sáng tạo khoa học kỹ thuật… Khi nói “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Bác Hồ đã đọc rất kỹ, rất hiểu Các Mác và vận dụng một cách sáng tạo, cụ thể hóa vào bối cảnh văn hóa Việt Nam.

Cùng nằm trong cơ cấu xã hội, phụ thuộc và chi phối lẫn nhau, kinh tế sẽ không tự phát triển nếu thiếu sự đồng hành của văn hóa. Nhất là trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới sự phát triển bền vững, mà muốn vậy phải tạo ra sự hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Với vai trò nền tảng tinh thần, văn hóa sẽ góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, cân đối và điều chỉnh tạo ra sự định hướng chung đúng đắn. Do vậy, phát triển bền vững luôn yêu cầu đặt rõ vấn đề văn hóa trong mỗi hoạt động kinh tế-xã hội.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đem lại những ưu việt to lớn, nhưng cũng tạo ra những thách thức nan giải là đào tạo con người đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ, nhảy vọt của khoa học kỹ thuật và khủng hoảng xã hội, như: Thất nghiệp cao, phân cực giàu nghèo ngày càng sâu sắc. Để góp phần giải quyết thách thức ấy không thể không dựa vào văn hóa, bởi tinh hoa của văn hóa là con người, mọi yếu tố, khía cạnh của văn hóa đều châu tuần chung quanh hạt nhân con người. Chưa bao giờ yếu tố tri thức được nhấn mạnh, đề cao như bây giờ. Nhìn ở phương diện hội nhập văn hóa toàn cầu thì tri thức là con đường để tạo ra cuộc đối thoại mà các bên tham gia đều phải có vốn tri thức sâu rộng về giao tiếp văn hóa, về lĩnh vực cùng quan tâm. Càng hiểu biết nhiều càng có cơ hội làm sâu các vấn đề đối thoại. Với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 thì cánh cửa quan trọng nhất để ra với thế giới là tri thức, để hòa nhập, để làm việc. Một nhiệm vụ cơ bản của văn hóa là bồi dưỡng lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài...

Việt Nam vừa chính thức ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Đây được coi là “chìa khóa vàng” cho các doanh nghiệp nhưng cũng là những thách thức, như bảo đảm quy tắc xuất xứ của hàng hóa; tuân thủ những quy định về sở hữu trí tuệ, lao động và môi trường; yêu cầu chặt chẽ về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhìn vào điều này cũng thấy nếu không dựa vào văn hóa để giải quyết sẽ thực sự gặp phải trở ngại lớn. Ví như, phải khắc phục sớm tính cách tiểu nông ích kỷ “rau hai luống, lợn hai chuồng” thì mới bảo đảm được yếu tố an toàn thực phẩm…

Vì những lẽ trên mà khẳng định chắc chắn rằng đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển. Trên thế giới văn hóa đang là lĩnh vực kinh tế sôi động, khái niệm “công nghiệp văn hóa” đang trở nên phổ biến. Có khoảng một nửa số tỷ phú đứng đầu liên quan đến lĩnh vực văn hóa (điện ảnh, truyền thông…). Để góp phần bồi đắp, nâng cao giá trị văn hóa cho con người và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, thiết nghĩ nên quan tâm một số vấn đề sau.

Một là, xây dựng và hoàn thiện con người văn hóa phù hợp và thích ứng với thời đại, đặc biệt quan tâm tới giáo dục lý tưởng cách mạng. Cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng kết nối vạn vật, nó có thể xóa nhòa ranh giới đường biên quốc gia, mờ hóa chủ quyền và lợi ích dân tộc. Con người trở thành “công dân toàn cầu” sẽ ít quan tâm một cách cụ thể đến lợi ích đất nước mình sinh ra. Vì thế vấn đề lý tưởng càng phải được chú trọng. Lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm ánh sáng triết lý giáo dục xây dựng nhân cách văn hóa có cái gốc “đạo đức cách mạng” thật vững vàng để con người phát triển hài hòa vừa hồng (đạo đức tốt) vừa chuyên (có tài năng).

Hai là, kiến tạo đời sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn, kế thừa di sản truyền thống dân tộc. Không ngừng nâng cao dân trí, khắc phục tình trạng tái mù chữ ở đồng bào dân tộc thiểu số. Chú ý đầu tư cho văn hóa đúng mức và có trọng tâm, trọng điểm. Ngăn chặn có hiệu quả văn hóa ngoại lai độc hại, những thông tin xấu trên mạng xã hội.

Ba là, phát triển văn học, nghệ thuật theo quan điểm phát huy cái tốt đẹp, nhân văn. Tạo ra sức đề kháng văn hóa tốt nhất là sáng tác những tác phẩm giá trị có nội dung yêu nước và hình thức trong sáng, lành mạnh, hấp dẫn, qua đó bồi đắp cho con người, nhất là thế hệ trẻ những giá trị chân, thiện, mỹ.

Bốn là, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, qua đó nhân lên và làm lan tỏa những nét đẹp trong xã hội, góp phần hình thành, xây dựng nền tảng đạo đức, văn hóa lành mạnh.  

 

Năm là, sớm thu hẹp khoảng cách đời sống văn hóa giữa thành thị và nông thôn, miền núi; tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân được tiếp cận, hưởng thụ các loại hình văn hóa nghệ thuật lành mạnh, hấp dẫn.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ