Sau khi ổn định tình hình, đơn vị tôi chia làm hai mũi: Một mũi tiến công cùng với bộ đội địa phương để giải phóng Thừa Thiên Huế vào ngày 26-3, một mũi tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Sau khi giải phóng được Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, đơn vị tôi lại tiếp tục hành quân dọc theo Quốc lộ 1 để tiến vào Sài Gòn. Tại mỗi địa phương mà Quân giải phóng đi qua, người dân đều hồ hởi chào đón, tiếp tế lương thực.
Ngày 28-4, đơn vị tôi đã hành quân đến gần sông Sài Gòn. Lúc này, cán bộ chính trị của Trung đoàn xuống từng đại đội, trao cho mỗi đơn vị một lá cờ giải phóng rất to và giao nhiệm vụ: “Chúng ta là đơn vị cảm tử, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tập trung đánh vào dinh Độc Lập, dù có phải hy sinh đến người cuối cùng cũng phải giải phóng được Sài Gòn". Khi đó, chúng tôi được giao hàng chục chiếc thuyền để chở bộ đội qua sông, tiến đánh dinh Độc Lập.
 |
Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Phú Thọ tại dinh Độc Lập nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Những ngày tháng chiến đấu gian khổ tại Thành cổ Quảng Trị không làm hao mòn ý chí của chúng tôi. Bởi vậy, khi nhận lệnh là “đội quân cảm tử” tiến vào giải phóng Sài Gòn, chúng tôi háo hức vô cùng. Có lẽ, niềm mong mỏi ngày đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải đã khiến những thanh niên đầy nhiệt huyết như chúng tôi cảm thấy cái chết chỉ nhẹ tựa lông hồng. Bởi Quân đội ta luôn giữ vững niềm tin sắt đá, quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng như lời Bác Hồ căn dặn: “Dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, bởi vì Người từng khẳng định một chân lý bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Ở những giờ phút cuối cùng trước khi giải phóng, vẫn còn những trận đánh ác liệt ở cửa ngõ Sài Gòn và có những đồng đội của chúng tôi đã anh dũng hy sinh.
Rồi đến thời khắc lịch sử, trưa 30-4-1975, từ phòng thu âm của Đài Phát thanh Sài Gòn, Dương Văn Minh tuyên bố: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam". Lá cờ của Quân giải phóng phấp phới tung bay trên nóc dinh Độc Lập, đánh dấu lịch sử nước nhà mở sang trang mới, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Sau thời khắc đó, tất cả chúng tôi vỡ òa hạnh phúc. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, nụ cười xen lẫn nước mắt. Những hình ảnh này luôn in đậm trong tâm khảm tôi, bởi để có được những phút giây này, có biết bao xương máu của đồng đội tôi, của đồng bào đã đổ xuống. Đến tận bây giờ, trong tôi vẫn vẹn nguyên niềm tự hào và thấy mình may mắn vì được tham gia vào trận đánh lớn sau cùng của dân tộc. Chúng tôi tiến vào đường phố Sài Gòn với niềm xúc động vô hạn. Người dân đổ ra đường chào đón Quân giải phóng. Họ mặc đẹp lắm, đàn ông thì mặc lịch sự, phụ nữ đa phần mặc áo dài, tay cầm cờ giải phóng và hoa vẫy chào. Họ xúm lại hỏi han tình hình sức khỏe của Quân giải phóng, vì họ được nghe tuyên truyền rằng Quân giải phóng gầy yếu lắm. Rồi họ háo hức nghe chúng tôi kể về tình hình nhân dân miền Bắc chiến đấu, lao động, sản xuất ra sao.
50 năm trôi qua nhưng những ngày tháng sống, chiến đấu để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, trí óc chúng tôi. 50 năm sau ngày giải phóng, vừa qua tôi cùng các đồng đội mới có dịp quay trở lại chiến trường xưa và ngỡ ngàng trước sự phát triển ở nơi đây. TP Hồ Chí Minh đẹp quá, một sự phát triển như lời tri ân đến thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh để bảo vệ mảnh đất này, Tổ quốc tươi đẹp này.
Chúng tôi ấp ủ mãi mới tổ chức được chuyến về thăm chiến trường xưa lần này. Anh em cũng già yếu rồi, năm nay quyết phải thực hiện bằng được, vì chỉ sợ để vài năm nữa thì có nhiều người sẽ không còn cơ hội quay lại thăm chốn xưa. Trong thời gian này, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh rất bận rộn chuẩn bị kỷ niệm ngày lễ lớn của dân tộc, nhưng khi biết có đoàn Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Phú Thọ về thăm chiến trường xưa thì rất quan tâm và đến giao lưu với đoàn. Khi chúng tôi mong muốn được biết sự phát triển của TP Hồ Chí Minh để về kể cho những đồng đội không đi được, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ thành phố đã đến chia sẻ thông tin về công cuộc xây dựng thành phố, những kế hoạch phát triển sắp tới. Sự quan tâm chu đáo đó khiến chúng tôi cảm động vô cùng.
50 năm đã qua, với chúng tôi, ký ức về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn như mới ngày nào. Những người lính năm xưa khi tham gia chiến dịch còn đang trong độ tuổi thanh niên phơi phới thì nay đều đã bước sang cái tuổi "thất thập cổ lai hy”. Nhưng được cùng đồng đội về chiến trường xưa ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên giữa những ngày tháng Tư lịch sử là hạnh phúc vô bờ. Để rồi chúng tôi lại có thêm những câu chuyện kể, giúp cho con cháu mình hiểu hơn và trân trọng những gì mà cuộc sống hòa bình đang có, để thấy được “hòa bình đẹp lắm”.
Đại tá NGUYỄN ĐÌNH LẬP, Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Phú Thọ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục 50 năm đại thắng mùa Xuân 1975 xem các tin, bài liên quan.