Trong giai đoạn 1965-1975, chiến sự diễn ra rất ác liệt, mọi hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải chuyển hướng để phù hợp với hoàn cảnh thời chiến. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cải tiến và mở rộng các quan hệ tín dụng, thanh toán, quản lý tiền mặt, quản lý quỹ ngân sách nhà nước, giúp các xí nghiệp sơ tán và phân tán sản xuất, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể; tích cực khai thác các nguồn ngoại tệ cho Nhà nước, bảo đảm thanh toán quốc tế thông suốt, đáp ứng yêu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống.
Tuy nhiên, lúc bấy giờ, chúng ta gặp vô vàn khó khăn trong nhiệm vụ nhận viện trợ, phân phối tiền, dùng tiền mua vũ khí chuyển cho chiến trường miền Nam. Cũng từ đó đã hình thành một con đường huyền thoại để vận chuyển các khoản ngoại tệ chi viện cho chiến trường miền Nam. Cụ thể, để tiếp nhận và chuyển các khoản ngoại tệ do bạn bè quốc tế chi viện cho chiến trường miền Nam, năm 1965, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thành lập một tổ chức chuyên trách nghiệp vụ thanh toán đặc biệt tại Cục Ngoại hối-Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, với danh nghĩa là Phòng B29 hay “Quỹ ngoại tệ đặc biệt”. Ở miền Nam, Ban Tài chính đặc biệt trực thuộc Trung ương Cục miền Nam với các bí số D270, N2683 cũng được thành lập với nhiệm vụ tiếp nhận chi viện của Trung ương; tổ chức cất giữ, bảo quản tiền phục vụ lâu dài cho cuộc kháng chiến.
 |
Chiếc va li ngoại giao nhãn hiệu "Luxe" (do Liên Xô sản xuất) được các cán bộ hải ngoại dùng để chuyển USD về "Quỹ ngoại tệ đặc biệt" ở Hà Nội. Ảnh tư liệu |
Theo lời kể của đồng chí Lê Văn Châu, nguyên Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thành viên "Quỹ ngoại tệ đặc biệt"-B29, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam, ngành ngân hàng đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy trong bom đạn cũng như sự kiểm soát gắt gao của địch để chi viện cho chiến trường. Từ những phương thức vận chuyển tiền mặt (AM) hết sức thô sơ, tốn kém, sau này, cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng đã chuyển đổi sang phương thức chuyển khoản (FM), giúp tiết kiệm thời gian cho việc vận chuyển tiền từ "Quỹ ngoại tệ đặc biệt" ở Hà Nội vào miền Nam từ 30 ngày xuống còn 6 ngày và sau đó chỉ còn 30 phút.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng còn có một “đường dây” bí mật làm nhiệm vụ đổi ngoại tệ và tiếp nhận các nguồn viện trợ của bạn bè quốc tế. Trong tư liệu, ông Mai Hữu Ích (tức Bảy Ích), nguyên Phó cục trưởng Cục Ngoại hối, đồng thời là Ủy viên Ban Viện trợ miền Nam, kể: “Trong quá trình tiếp nhận ngoại tệ viện trợ đặc biệt và thực hiện kế hoạch chi viện cho các chiến trường bằng ngoại tệ, chúng tôi đã vận dụng linh hoạt các mặt nghiệp vụ kinh doanh chuyển đổi ngoại tệ, tranh thủ điều chuyển vốn viện trợ bằng USD, từ không có lãi để chuyển thành loại ngoại tệ mạnh, thu được chênh lệch tỷ giá và lãi suất cao bằng ngoại tệ. Chúng tôi lợi dụng tình hình biến động thị trường tiền tệ tư bản, bố trí tiền gửi ngoại tệ vào ngân hàng đại lý nào có lãi suất cao, nhằm thu được nhiều lãi nhất. Trong tình hình hệ thống tiền tệ tư bản thường xuyên biến động phức tạp, mất giá, phá giá, chúng tôi đã linh hoạt chuyển đổi nhiều loại ngoại tệ của "Quỹ ngoại tệ đặc biệt" thành những ngoại tệ mạnh tương đối ổn định, hoặc có xu hướng sẽ nâng giá so với USD, nhờ đó đã hạn chế được thiệt hại và thu được 20.993.950USD tiền lãi...”.
Sau 10 năm làm nhiệm vụ, đến tháng 4-1975, cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng đã chi viện cho chiến trường miền Nam khoảng 1 tỷ USD, hàng tỷ tiền Sài Gòn và hàng trăm triệu tiền Campuchia, kíp (Lào), baht (Thái Lan)... Tất cả số tiền viện trợ đó đều được vận chuyển, bảo quản an toàn, cấp phát theo quy định, không thiếu một xu. Cũng nhờ vậy, các lực lượng của ta tại chiến trường miền Nam có đủ nguồn lực tài chính để thực hiện các nhiệm vụ kháng chiến.
Sau khi giải phóng miền Nam, ngành ngân hàng đã khẩn trương tiếp quản và cải tạo hệ thống ngân hàng ở miền Nam, xây dựng hệ thống ngân hàng mới của chính quyền cách mạng, thực hiện thống nhất tiền tệ trong cả nước; ban hành và thực hiện nhiều biện pháp về tiền tệ, tín dụng, quản lý ngoại hối, thanh toán, góp phần ổn định tình hình kinh tế và lưu thông tiền tệ.
Năm 2025, đồng hành để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước trên 8%, ngành ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 16%. Tính riêng trong năm 2024 đã có hơn 2,1 triệu tỷ đồng bơm ra nền kinh tế qua hệ thống ngân hàng. Với chỉ tiêu định hướng ở mức 16% năm 2025, ước tính khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vốn tín dụng sẽ được bơm ra nền kinh tế. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến hết quý I-2025, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với mức 1,42% cùng kỳ năm trước, cho thấy sự đóng góp tích cực trong tổng đầu tư toàn xã hội thời gian vừa qua của ngành ngân hàng. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi, nếu lạm phát kiểm soát ở mức thấp có thể linh hoạt điều chỉnh tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
NGUYỄN ANH VIỆT
* Mời bạn đọc vào chuyên mục 50 năm đại thắng mùa Xuân 1975 xem các tin, bài liên quan.