Anh Trần Đình Long, nhà ở ngõ Lệnh Cư, Khâm Thiên tâm sự: “Hồi đó do nhà tôi có em nhỏ mới sinh nên không đi sơ tán. Mới 12 tuổi nhưng những gì diễn ra ngày hôm đó khiến tôi không thể nào quên. Khi bom đạn giội như mưa xuống Khâm Thiên thì chúng tôi cũng vội vàng chui xuống hầm trú ẩn. Đến khi tiếng bom ngừng, cảnh tượng thật sự khủng khiếp.
Hàng dài dãy nhà đổ nát, tiếng khóc, tiếng kêu than, gọi nhau í ới đến tối chưa dứt. Mọi người trong xóm gọi nhau, bảo đoạn gần giữa phố nhiều người chết lắm. Trẻ con chúng tôi lúc ấy chẳng biết gì, nghe mọi người nói vậy thì chạy đi xem. Vì còn nhỏ, len mãi mới vào được đến đoạn số nhà 47 (nơi đặt đài tưởng niệm hiện nay), tôi không khỏi sững sờ, chết lặng. Hình ảnh một người mẹ bồng con chết đứng ngay chân cầu thang, xung quanh là những đống đổ nát. Tôi sợ lắm, về đến nhà không dám kể với bố mẹ vì sợ bị mắng, đến tối không ngủ được”.
 |
Người dân thắp hương ở Đài tưởng niệm Khâm Thiên, với mong muốn quên đi nỗi ám ảnh về trận bom tàn ác năm xưa. |
Còn chị Vũ Hạnh, ở số nhà 21 phố Khâm Thiên, khi trò chuyện với tôi, hồi tưởng về ngày khu phố bị giội bom, người cô vẫn run run: “Nhà tôi ở Khâm Thiên ngày ấy có mẹ, hai chị và anh trai (đang đi chiến trường về nghỉ phép). Mẹ tôi ở lại bám trụ, không đi sơ tán để vừa trông nhà, vừa tham gia dân phòng, rồi tranh thủ kiếm tiền tiếp tế cho ba bố con đi sơ tán. Sáng 26-12-1972, khi hay tin Khâm Thiên bị đánh phá, tôi cùng bố và anh trai đi sơ tán ở Thượng Cát về phố. Cảnh tượng hôm đó khiến một đứa trẻ mới 7 tuổi như tôi thật sự không thể nào quên. Từng đống gạch ngói cao khủng khiếp; từng bộ phận cơ thể người vương vãi khắp nơi, tiếng than khóc, gào thét tìm người thân vang khắp cả dãy phố. Lúc đó, tôi chỉ bám chặt vào bố mà chẳng biết phải làm sao, giờ nghĩ lại thấy tang thương quá. Hình ảnh đó vẫn còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Hôm đó là 26-12 dương lịch, 21-11 âm lịch, cửa hàng thực phẩm ưu tiên tem phiếu phục vụ những nhà có người chết bom. Khăn trắng treo kín phố xếp từng hàng dài. Năm 1972, lúc nhập học vỡ lòng ở ngõ Sân Quần phải có đến 50 bạn. Nhưng sau khi sơ tán về đến năm 1973 nhập học lại chắc chỉ còn vài bạn. Nghĩ lại lòng tôi lại quặn đau!”...
Cuộc sống của người dân Khâm Thiên giờ đã đổi thay, ngày một khấm khá, nhưng nơi đây sẽ còn mãi một tượng đài ghi lại hình ảnh thương tâm diễn ra cách đây nửa thế kỷ. Ngày qua ngày, những người dân vẫn đều đặn hương khói, trông coi khu tưởng niệm sạch sẽ để tưởng nhớ những người đã khuất.
Với anh Trần Đình Long, với chị Vũ Hạnh và bao người dân ở khu phố này, 50 năm qua, Đài tưởng niệm Khâm Thiên vẫn là nơi để họ nhớ về nỗi đau không gì bù đắp được. Tượng đài cũng là lời nhắc nhớ chúng ta không lãng quên quá khứ bi hùng của cha ông và nỗ lực giữ gìn, bảo vệ nền hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc Việt Nam.
Bài và ảnh: ANH THƯ