Do bị tổn thất nặng nề trong 11 ngày liên tiếp, ngày 29-12-1972, máy bay B-52 của không quân Mỹ chỉ đánh một số địa phương vòng ngoài, không dám tập trung lực lượng ở “tọa độ lửa” Hà Nội.
Ban ngày, địch sử dụng 36 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá Nhà máy điện Cao Ngạn, Đồng Hỷ và khu vực cây số 4 Bắc Thái Nguyên. Ban đêm, chúng huy động 60 lần chiếc B-52 công kích khu Trại Cau, khu gang thép Thái Nguyên; Đồng Mỏ (Lạng Sơn); Kim Anh (Vĩnh Phú). Ngoài ra, có 70 lần chiếc máy bay chiến thuật của địch đánh phá xen kẽ các sân bay: Thọ Xuân (Thanh Hóa); Yên Bái; Hòa Lạc (Sơn Tây); Kép (Bắc Giang) và các địa phương ở Kim Anh (Vĩnh Phú), Đông Anh (Hà Nội), ngoại vi TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
 |
Cô gái làng hoa Ngọc Hà bên xác máy bay B-52 bị quân dân ta bắn rơi ở
hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà (Hà Nội).Ảnh tư liệu
|
Rút kinh nghiệm trận đánh đêm 28-12, khi một số tốp B-52 vào đánh Thái Nguyên, Tiểu đoàn Tên lửa 72 (Trung đoàn 285, Sư đoàn 363) và Tiểu đoàn Tên lửa 78, 79 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361) bố trí ở vòng ngoài, cùng phối hợp nhịp nhàng, bắn rơi một chiếc B-52. Đây là chiếc máy bay B-52 cuối cùng bị bộ đội tên lửa của Quân chủng Phòng không-Không quân bắn rơi trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng cuối năm 1972.
Mặc dù đã cố gắng cao nhất, nhưng do bị tổn thất nặng nề, nhất là có hàng chục máy bay B-52 bị bắn rơi cùng nhiều giặc lái bị bắt, đồng thời trước sự phản đối ngày càng mạnh mẽ của dư luận trên thế giới, đế quốc Mỹ buộc phải dừng cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận. 7 giờ 30 phút ngày 30-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp đại diện Chính phủ Việt Nam tại Paris để bàn việc ký kết hiệp định.
Cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của Mỹ trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã bị thất bại hoàn toàn. Quân và dân ta đã xuất sắc làm nên Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không".
CHÍ DŨNG (tổng hợp)
Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 là chiến thắng của sức mạnh tổng hợp được hội tụ từ đường lối chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, được biểu hiện bằng tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam. Trong đó, nghệ thuật tác chiến trên mặt trận đối không được xây dựng và phát triển lên đỉnh cao. Qua phân tích của các nhân chứng lịch sử, nhà khoa học, Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài “Nghệ thuật tác chiến trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng cuối năm 1972”.
Trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội-Hải Phòng cuối năm 1972, bám sát chủ trương đánh máy bay B-52 là trọng tâm, sử dụng tên lửa là chủ công, do đó, cùng với tổ chức triển khai bảo đảm toàn diện về kỹ thuật cho các lực lượng tác chiến, ngành kỹ thuật tập trung ưu tiên bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) cho các đơn vị tên lửa, radar, trọng điểm là khu vực Hà Nội...