Bên cạnh nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe nhân dân, cứu chữa những cán bộ, chiến sĩ bị thương khi chiến đấu, các cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai còn góp sức mình trong công cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội. 50 năm qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai từ trong đổ nát của chiến tranh đã từng bước xây dựng lại Bệnh viện và trở thành bệnh viện đầu tiên trong cả nước được công nhận là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt.
Kiên cường dưới mưa bom
Lịch sử sẽ không bao giờ quên ngày 22-12-1972, Bệnh viện Bạch Mai bị "pháo đài bay" B-52 của Mỹ đánh phá trong lúc có hơn 300 bệnh nhân nằm điều trị dưới hầm. Trận bom đã đánh sập nhiều khu nhà làm việc và bệnh phòng, lấp kín một số hầm trong đó có nhiều bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên, hộ lý đang chăm sóc người bệnh. 28 nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai đã ngã xuống trong ngày định mệnh đó. Chỉ sau 5 ngày khắc phục hậu quả, cán bộ, nhân viên y tế toàn Bệnh viện đã tiếp tục công tác cứu người, đặc biệt là những nạn nhân bị thương nặng do bom B-52 rải thảm xuống Khâm Thiên và một số khu vực khác trên địa bàn Hà Nội. Tượng đài tưởng niệm tưởng nhớ 28 nhân viên y tế hy sinh đã được lập ngay tại vị trí khu nhà bị sập. Hằng năm, cứ đến dịp lễ lớn, lễ kỷ niệm các ngày trọng đại... các thế hệ hậu bối lại đến thắp hương tưởng nhớ.
 |
GS Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thắp hương tưởng nhớ các đồng nghiệp và bệnh nhân đã mất trong trận bom B-52 của Mỹ. Ảnh: THẾ ANH |
50 năm đã qua, nhưng với GS Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (1969-1983) năm nay đã 97 tuổi, hình ảnh bệnh viện đổ nát và các đồng nghiệp thân yêu bị vùi sâu dưới hầm của bệnh viện vẫn luôn là nỗi đau trong tim... GS Đỗ Doãn Đại xúc động kể lại: “Tôi đã bám trụ liên tục 12 ngày đêm. Phía trung tâm bệnh viện hơn một nửa bị bom đánh sập. Bom dội qua tầng 2 xuống tầng 1 và khoét sâu vào tầng hầm, lấp kín mọi lối ra-vào. Các khu Khoa Ngoại, Khoa Sản, Khoa Tai Mũi Họng đều bị bắn phá, mọi dụng cụ đều hư hỏng, vùi lấp. Nơi tổn thất nhất là Khoa Nội tổng hợp và Khoa Da liễu. Có những chỗ không thể dùng máy móc, các anh em phải dùng tay để đào, bới, bê từng cục gạch, khối bê tông ra ngoài để nhanh chóng cứu những người bên trong. Bệnh viện tan hoang, các trang thiết bị bị tàn phá, đồ đạc văng khắp nơi. Đau thương bao trùm bệnh viện, nhưng mọi người đều khẩn trương khôi phục lại từ đống đổ nát vì có hơn 300 bệnh nhân vẫn cần phải chữa bệnh. Bệnh viện không ngừng hoạt động một ngày nào...”.
Là một trong những chứng nhân của lịch sử, ông Đỗ Thọ, nguyên Phó trưởng phòng Hành chính quản trị, người đã đồng hành với Bệnh viện Bạch Mai trong cuộc chiến 12 ngày đêm lịch sử chia sẻ: “Sáng 23-12-1972, khi tôi đến nơi thì không còn hình dáng bệnh viện nữa. Lúc đó, chúng tôi tập trung quay vào cứu sập, cứu nạn, cứu đồng đội trong đống đổ nát. Chỗ sập lớn nhất là khu nhà B1. Một chị điều dưỡng đã mất, bị kẹp ở giữa tảng bê tông, phía bên trong vẫn còn người sống. Để mở đường cứu đồng đội phía trong, chúng tôi buộc phải mời một bác sĩ ngoại khoa xuống để tháo khớp chị điều dưỡng đã mất, mới đưa được thi thể nạn nhân ra ngoài, mở lối vào bên trong cứu người. Cảnh tượng vô cùng thương tâm”. Cũng giống như ông Thọ, 50 năm đã trôi qua, những câu chuyện chiến đấu bảo vệ Bệnh viện, cứu chữa bệnh nhân và đồng đội trong giờ phút kinh hoàng khi máy bay B-52 của giặc Mỹ ném bom vào Bệnh viện vẫn còn nguyên trong ký ức bà Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1947)-nguyên là Đội phó Đội tự vệ Bệnh viện Bạch Mai. Bà Cúc kể: “Đêm 22-12-1972, chúng tôi đang ngủ ở khu tập thể của Bệnh viện thì một loạt bom ném xuống, nhà cửa rung chuyển và đổ sập, gạch ngói, cây cối ngổn ngang. Sau ít phút bàng hoàng, chúng tôi gọi nhau và biết mình còn sống. Ngay sau đó, chúng tôi được biết bom đã đánh sập hai hầm lớn của Khoa Nội và Khoa Da liễu. Lúc đó, Giám đốc Bệnh viện Đỗ Doãn Đại đã ra lệnh khẩn cấp đào bới trong đống đổ nát để cứu người. Mặc cho trời tối, rét buốt và máy bay địch vẫn còn ầm ầm ném bom ở các vùng lân cận, chúng tôi lao vào tìm kiếm nạn nhân”.
Tiếp nối truyền thống anh hùng
Trong lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (1972-2022) do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức mới đây, PGS, TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, 50 năm đi qua, lịch sử đã sang trang mới, lớp lớp các thế hệ cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng Bệnh viện từ đổ nát trong chiến tranh trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt hàng đầu cả nước với quy mô 3.200 giường kế hoạch. Nhiều năm qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên Bệnh viện vẫn luôn tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của Bệnh viện. Đặc biệt là trong đại dịch Covid-19, hàng nghìn cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện đã lên đường hỗ trợ miền Nam chống dịch. Bên cạnh đó, trước những khó khăn trong thực hiện các cơ chế, chính sách, thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế, tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện vẫn luôn cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là người dân trên địa bàn Thủ đô.
Bác sĩ Đỗ Anh-một bác sĩ trẻ của Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ với chúng tôi, bản thân anh luôn tâm niệm, các thế hệ trước đã chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước, giành được độc lập thì các thế hệ sau phải trân trọng và tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp trong những nhiệm vụ hôm nay. “Là bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, tôi rất tự hào và luôn tâm niệm mình sẽ phải cống hiến nhiều hơn. Bên cạnh chuyên môn, chúng tôi tích cực chia sẻ kiến thức chăm sóc sức khỏe, tổ chức các chương trình, hoạt động từ thiện vì cộng đồng... ”, bác sĩ Đỗ Anh nói.
DIỆP CHÂU