Hình ảnh các phi công “Phi đội Quyết thắng” như: Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng, Nguyễn Thành Trung… ung dung sải bước sau trận ném bom lịch sử vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28-4-1975 được in trên tấm pa nô khổ lớn đặt cạnh câu khẩu hiệu "Trung thành-Anh dũng-Đoàn kết-Sáng tạo-Quyết thắng". Ở đó còn có cả hình ảnh phi công trẻ đang thao tác điều khiển máy bay Su-30 cất cánh, khơi lên niềm tự hào và quyết tâm làm chủ bầu trời trong giai đoạn mới cho cán bộ, chiến sĩ trung đoàn.

Truyền thụ kinh nghiệm xử lý các tình huống trên không ở Phi đội 2, Trung đoàn 923.

Nằm ở vị trí trung tâm phòng truyền thống Trung đoàn 923 là sa bàn mô tả diễn biến trận ném bom lịch sử vào sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28-4-1975 của “Phi đội Quyết thắng”. Bên sa bàn, Trung tá Nguyễn Thế Dũng, Chính ủy Trung đoàn 923, sắm vai người thuyết minh: “Chỉ có 5 ngày để bắt tay vào việc chuyển loại cấp tốc lái máy bay cường kích A-37 (một loại máy bay của không quân Mỹ) để rồi ngày 28-4-1975, "Phi đội Quyết thắng" thực hiện trận đánh vào sào huyệt địch ở sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 24 máy bay các loại mà ta không hề bị tổn thất. Trận đánh không chỉ có ý nghĩa trong hiệp đồng tác chiến mà còn khẳng định sự mưu trí, sáng tạo của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam trong những ngày quyết định thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Theo anh Dũng, hiện nay, đơn vị đang khai thác loại máy bay phản lực hiện đại, là niềm vinh dự nhưng cũng là thử thách lớn đối với từng cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng phi công. Vì vậy, bài học đầu tiên với mỗi người khi về nhận công tác là nắm và hiểu sâu sắc truyền thống đơn vị để ra sức phấn đấu, rèn luyện, sẵn sàng cống hiến, hy sinh, bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Chúng tôi gặp Đại úy Bùi Trung Hiếu, Biên đội trưởng thuộc Phi đội 2, Trung đoàn 923 khi anh vừa kết thúc huấn luyện trên buồng máy. Anh Hiếu cho biết: “Ở Trường Sĩ quan Không quân, chúng tôi chủ yếu học trên loại máy bay L-39, nay về đơn vị được trang bị máy bay hiện đại nên ban đầu cũng áp lực lắm. Để vận hành thuần thục, làm chủ máy bay Su-30 với mọi điều kiện thời tiết là cả quá trình huấn luyện, học tập gian nan, đòi hỏi bản thân phải không ngừng học tập, rèn luyện bản lĩnh, tâm lý, các kỹ năng, kỹ xảo trong thao tác. Chúng tôi thường xuyên được chỉ huy trung đoàn truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, vận dụng sáng tạo bài học từ những trận đánh trước đây vào điều kiện, tình hình mới”. Đại úy Bùi Trung Hiếu đã trải qua 655 giờ bay và nhiều lần tham gia hội thao bắn ném bom đạn thật đều đạt kết quả tốt.

Thượng tá Bùi Đình Hậu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 923, cho rằng, mấu chốt để nâng cao chất lượng công tác huấn luyện bay và bảo đảm an toàn bay chính là giáo dục nhằm giữ vững trận địa tư tưởng, nâng cao ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ phi công. Cùng với đó là xây dựng kế hoạch, giáo trình huấn luyện bay khoa học, chặt chẽ, phù hợp với từng đối tượng. Quá trình tổ chức huấn luyện phải làm tốt công tác chuẩn bị từ mặt đất và phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, thống nhất; tổ chức ban bay cán bộ, ban bay mẫu làm cơ sở để hoàn thiện, thống nhất các khâu, các bước trong thực hành huấn luyện bay. Sau mỗi ban bay, tuần bay, thực hiện duy trì việc bình giảng, rút kinh nghiệm công tác huấn luyện bay, bảo đảm an toàn bay. Nhờ đó, chất lượng huấn luyện ngày càng được nâng cao, góp phần giúp trung đoàn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA - LÊ CÔNG