Đây là một trong chùm tác phẩm được Bảo tàng giới thiệu nhân dịp kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2020).

Họa sĩ Lê Quốc Lộc (1918-1987) nổi tiếng về sáng tác tranh sơn mài và chủ đề chiến tranh cách mạng. Tác phẩm “Qua Dốc Miếu” được họa sĩ Lê Quốc Lộc sáng tác năm 1974 trên chất liệu sơn mài - một năm sau chuyến đi thực tế của ông tại chiến trường Quảng Trị.

Tác phẩm “Qua Dốc Miếu” .

Địa danh Dốc Miếu trong tác phẩm nằm tại vùng địa hình 3 con dốc thuộc xã Gio Phong, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây từng là nơi đóng chốt quân sự của thực dân Pháp, là cứ điểm quan trọng nhất của phòng tuyến điện tử McNamara do Mỹ xây dựng, một căn cứ quân sự quan trọng về pháo binh để đánh vào các mục tiêu của miền Bắc Việt Nam. Năm 1972, quân dân Việt Nam đã nổi dậy tấn công cứ điểm này, khiến địch phải bỏ chạy khỏi căn cứ, hàng rào điện tử McNamara bị phá bỏ.

Bức tranh tái hiện khung cảnh đội quân chủ lực của ta đang hành quân vượt qua cứ điểm Dốc Miếu, tiến lên phía trước, hướng tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Họa sĩ lựa chọn bố cục hình chữ nhật ngang và dài, một bố cục tương đối mới tại thời điểm đó và ngay cả hiện tại, nhưng có tỉ lệ phù hợp để vẽ một bức tranh toàn cảnh.

Họa sĩ Lê Quốc Lộc tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1942. Ông nổi tiếng về sáng tác tranh sơn mài và chủ đề chiến tranh cách mạng. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II năm 2000 và nhiều giải thưởng cao quý khác.

Trước đó, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã giới thiệu tác phẩm tranh lụa “Bên chiến hào Vĩnh Linh” được họa sĩ Đào Đức sáng tác trong giai đoạn đi thực tế ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đầu những năm 1970.

Bên chiến hào, nơi những thân cây cháy xém, sườn đồi trơ trụi với những mô đất gồ ghề bị xới tung bởi bom đạn, hai anh lính, người cảnh giới, người đọc báo cho nữ dân quân cùng nghe. Trong khoảng lặng ấy của chiến tranh, sức sống mãnh liệt và khát vọng hòa bình của quân dân Vĩnh Linh được thể hiện ở những mầm xanh vươn lên mạnh mẽ từ những thân cây đổ nát, cùng màu xanh áo lính của những nam nữ thanh niên còn rất trẻ. Bằng lối vẽ tả thực, bố cục hình tam giác chắc chắn, sử dụng chất liệu lụa mềm mại, tác phẩm lên án sự tàn phá của chiến tranh, đồng thời ca ngợi tinh thần yêu nước, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.

Tác phẩm tranh lụa “Bên chiến hào Vĩnh Linh” .

Nghệ sĩ Nhân dân, họa sĩ Đào Đức là một trong số 22 sinh viên của khóa Họa sĩ kháng chiến (1950-1954). Sau khi Trường Mỹ thuật Đông Dương đóng cửa (1925-1945), đây là khóa học chính thức đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam).

Họa sĩ Đào Đức vừa vẽ tranh, vừa thiết kế mỹ thuật điện ảnh. Tranh của ông đa dạng về chất liệu và loại hình, nhưng thành công hơn cả là tranh cổ động. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế về thể loại tranh này.

Tin, ảnh: KHÁNH HUYỀN