Đã 45 năm trôi qua, những hồi ức sống động về một thời rạo rực khí thế tiến về giải phóng miền Nam như vẫn nguyên vẹn trong lòng Đại tá, Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Lành, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không 375, Quân chủng Phòng không-Không quân (PKKQ).
Đầu tháng 3-1975, Sư đoàn 365 có lệnh cơ động tăng cường cho phía trước, tổ chức hành quân vào Quân khu 5. Theo kế hoạch, ngày 20-3, Trung đoàn 275 bắt đầu hành quân thực hiện nhiệm vụ. Lúc ấy, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Lành đang là Tham mưu phó Trung đoàn 275, Sư đoàn 365, quân hàm Thượng úy, được phân công đi tiền trạm. Nhiệm vụ của ông là đến địa điểm dự kiến cho đơn vị dừng lại, tiến hành xác định vị trí trú quân của các tiểu đoàn, cơ quan trung đoàn, sau đó đánh dấu trên thực địa và trên bản đồ. Việc chọn vị trí phải bảo đảm an toàn, có chỗ để cất giấu và bảo vệ khí tài. Ngồi trên chiếc xe “vọt tiến” của Trung Quốc (giống xe Gat 63 của Liên Xô), từ Thanh Hóa, hướng về miền Nam, lòng ông trào dâng những niềm cảm xúc khó tả. Mới đó đã 20 năm trôi qua kể từ ngày ông rời quê hương Đức Phổ (Quảng Ngãi) để tập kết ra Bắc. Cậu bé mới lên 10, tóc còn để chỏm, chưa hiểu gì về cách mạng, chiến tranh năm ấy nay đã trở thành cán bộ chỉ huy cấp trung đoàn, hành quân tiến về giải phóng quê hương. Trong ông, không chỉ có niềm rạo rực, xốn xang, mà cả những nhớ mong, thương mến về miền quê ruột thịt.
 |
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Lành kể chuyện hành quân vào miền Nam năm 1975. |
Qua nhiều ngày hành quân, đến ngày 26-3-1975, toàn bộ trung đoàn 275 tập kết tại nông trường cao su Phú Quý thuộc bờ bắc của sông Bến Hải. Sáng 28-3, trung đoàn bắt đầu vượt sông Bến Hải vào miền Nam chiến đấu. Khoảnh khắc được hòa mình cùng đoàn quân chiến thắng cuồn cuộn vào giải phóng miền Nam, trong tim ông ngập đầy niềm vui sướng, tự hào. Không khí giải phóng miền Nam dường như đã đến rất gần.
Đối với lực lượng phòng không, giải phóng đến đâu, lập tức có tên lửa triển khai, bảo vệ ở đấy. Ngày Đà Nẵng giải phóng, bộ đội tên lửa kịp thời có mặt để diễu binh qua thành phố, còn thực tế, lúc này phần lớn lực lượng không quân của ngụy đã bị tê liệt. Khi vào đến Huế, đã có lệnh cho cởi bỏ lớp ngụy trang, hành quân cả ngày lẫn đêm nên khi quân ta đến Ngã ba Huế, đoàn xe rẽ vào thành phố, chạy đến đoạn Công viên 29 Tháng 3 (ngày nay) rất nhiều người đổ ra đường chào đón. Đà Nẵng tưng bừng như hội, rực rỡ cờ hoa. Người người reo hò, vẫy tay chào bộ đội miền Bắc. Nhiều người thắc mắc: “Quân Giải phóng có loại súng gì mà nòng vuông trông to quá!” (tức bệ phóng). Mọi người hò hét, phấn khích yêu cầu bộ đội đi thêm một vòng nữa để chung vui với nhân dân. Ngồi trên xe, được đắm mình trong một trời cờ hoa, trong ánh mắt, câu chào thân ái, lòng Thượng úy Nguyễn Lành và đồng đội rạo rực niềm hân hoan, mừng vui khôn xiết. Bộ đội còn viết bốn chữ: “Giải phóng miền Nam” dán lên mũ, lòng hừng hực khí thế tiến về miền Nam, thống nhất đất nước.
Rời Đà Nẵng, Thượng úy Nguyễn Lành vẫn luôn đi trước, vẽ sơ đồ vị trí điểm dừng, phương án để lại cho bộ đội tập kết. Đến Quảng Ngãi, mảnh đất quê hương, ông vô tình gặp Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ngãi, là anh rể thứ 6 (chồng chị gái Nguyễn Thị Xinh) tại Thị xã Quảng Ngãi, rồi tìm gặp chị Xinh tại Thị trấn Đức Phổ (ngày anh chị cưới nhau, ông đang ở miền Bắc). Hai mươi năm xa nhà, nay được gặp lại người thân, ông ôm chầm lấy chị gái mừng mừng, tủi tủi. Biết em trai đang trên đường vào giải phóng miền Nam, anh chị ông và người dân ở đây rất tự hào, quý trọng. Nghe ông nói đang cần củi để đun dọc đường, mọi người xung quanh bảo nhau tìm tàu dừa khô, tre, nứa… để lái xe chất dưới gầm xe mang theo đun. Lúc chia tay, trong cái nắm tay bịn rịn, ông cảm nhận được tình thương và cả sự gửi gắm niềm tin yêu, kỳ vọng, khát khao của anh chị về ngày miền Nam giải phóng, về ngày sum họp đoàn viên.
Xe tiền trạm tiếp tục lên đường. Khi đến địa phận huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, chiến sĩ cảnh giới phát hiện có nhiều người đuổi theo xe, liền gõ thùng bảo có địch, trong khi đó trên trời thì máy bay A.37 và F.5 đang quần đảo. Thượng úy Nguyễn Lành lập tức lệnh cho anh em xuống xe triển khai theo phương án chiến đấu. Mặc cho bộ đội triển khai đội hình, nhân dân vẫn chạy theo xe, hô hoán, ra hiệu “Xe cháy… Xe cháy”. Khi người dân đến gần, bộ đội ta mới giật mình nhìn lại, đúng là xe đang cháy thật. Nguyên nhân là do củi nhét vào gầm, gặp ống xả nóng nên phát cháy. Lúc đó, nước không có, các chiến sĩ thay nhau rút củi ra mới dập tắt được lửa. Cảm ơn nhân dân, đoàn xe tiếp tục lên đường. Hình ảnh về những người dân không ngừng chạy theo xe và những cảm mến đặc biệt của họ khiến những người lính giải phóng quân thêm ấm lòng.
Vượt đèo Cù Mông, qua Phú Yên, rồi đến Cam Ranh, Phan Rang. Cứ mỗi đoạn đường vụt lại phía sau, lòng tự hào được làm người lính giải phóng quê hương trong ông càng lớn mạnh. Rạo rực, xốn xang, đầy nhiệt huyết. Vào đến Bắc Phan Thiết, bộ phận tiền trạm của ông được lệnh dừng hẳn, chứ không vào nữa, còn trung đoàn bộ dừng chân tại Phan Rang. Sau đó, triển khai đội hình 4 tiểu đoàn ở ba khu vực là: Phan Rang, rừng dừa nam Cam Ranh và bán đảo Cam Ranh. Toàn Trung đoàn chốt ở đây, triển khai khí tài, nổ máy để nghi binh nhằm răn đe, trấn áp tinh thần binh lính ngụy đầu hàng và những tên địch còn lẩn trốn trong dân. Ngày được tin Sài Gòn giải phóng, cả Trung đoàn như vỡ òa trong niềm vui sướng khôn xiết. Những nụ cười rạng rỡ, gương mặt bừng sáng, bộ đội, nhân dân cùng reo hò vì sau bao nhiêu năm chờ đợi, cuối cùng, đã đến ngày toàn thắng. Khí thế chiến thắng hừng hực lan tỏa đến từng ngõ ngách, nếp nhà. Hạnh phúc trào dâng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ bị sốt rừng, nằm trong trại, cũng cố gượng dậy ra ngoài mừng đất nước thống nhất. Tham mưu phó Nguyễn Lành cũng không giấu nổi niềm hạnh phúc, hân hoan. Vậy là, sau gần hai thập kỷ xa quê, ông đã trở về, được đón mừng thời khắc lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong sự yêu mến, ngưỡng mộ của nhân dân.
Những ngày tháng 4 này, khắp phố phường ngập sắc cờ hoa, rộn vang những giai điệu tự hào: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay, rộn ràng bao mê say, những bước chân dồn về đây… Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi, một ngày vui giải phóng…”. Lòng Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Lành lại bồi hồi nhớ lại cảnh tượng từng đoàn xe tên lửa kéo vào Đà Nẵng. Niềm vui sướng, hạnh phúc vẫn ngập đầy…
Bài và ảnh: THANH THÚY