Trong ngôi nhà nhỏ ở Phường 8 (thành phố Sóc Trăng), hôm nay ông Sáu Tây thức dậy sớm, ngồi bên bàn trà quen thuộc mỗi ngày để nghe đài phát thanh. Những ca khúc cách mạng gợi nhớ thuở hào hùng vang lên làm ông đau đáu nghĩ về những ngày tháng 4 lịch sử cách đây 45 năm.

Nhấp ngụm trà, ông Sáu kể cho chúng tôi nghe về một thời hoa lửa. Theo lời ông Sáu, năm 1967, ông Sáu Tây tròn 14 tuổi đã tình nguyện tham gia tải đạn cho Đại đội 2, Tiểu đoàn Phú Lợi 1. Một năm sau, ông được trực tiếp cầm súng chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Năm 1969, ông là một trong 30 chiến sĩ “Đại đội quyết tử” đánh sân bay Bạc Liêu làm địch thiệt hại nặng nề. “Mới chưa đầy 20 tuổi mà tôi tham gia chiến đấu hơn 10 trận lớn, nhỏ và bị thương 5 lần, có 3 lần bị thương nặng”, ông Sáu nói.

Ông Nguyễn Thanh Ngân (Sáu Tây), ngồi vẽ lại bản đồ góp phần giải phóng thị xã Sóc Trăng 45 năm về trước. 

Bị thương chân khập khiễng và mất ba ngón tay nên không thể cầm súng chiến đấu, năm 1970, ông Sáu được điều về Tỉnh đội Sóc Trăng làm nhiệm vụ văn phòng, giao liên, sau đó được hướng dẫn vẽ bản đồ tác chiến. Công việc vẽ bản đồ với một người mới học lớp 2 trường làng không hề đơn giản nhưng càng làm ông lại càng thấy đam mê. Thời gian đó, ông đã vẽ hơn 20 bản đồ tác chiến phục vụ công tác tấn công mục tiêu trọng điểm của lực lượng cách mạng, tiêu biểu nhất là phục vụ Tiểu đoàn Phú Lợi 1, Tiểu đoàn Phú Lợi 2 đánh vào địa bàn trọng điểm ở Chợ Kinh, Mỹ Phước, An Ninh... đặc biệt là trận đánh giải phóng thị xã Sóc Trăng vào ngày 30-4-1975 lịch sử.

Bước thấp, bước cao tiến lại chiếc tủ chứa kỷ vật thời chiến, bàn tay lướt trên tấm bản đồ tác chiến năm nào được ông vẽ lại trên tờ giấy A4 lúc rảnh rỗi. Tất cả đường nét, vị trí thị xã Sóc Trăng lúc ấy gần như được ông “khắc cốt ghi tâm”. Chỉ vào tấm bản đồ thu nhỏ, ông thuyết minh hướng mục tiêu tấn công lúc đó của ta ở những nơi có tính chất quan trọng như: Dinh tỉnh trưởng, tòa hành chính, ty cảnh sát, đại đội cảnh sát dã chiến, trại Bạch Đằng, Phân chi khu Khánh Hưng, tiểu khu Ba Xuyên, trại giam, sân bay, ụ pháo, trại thiết giáp… Ông nói một cách rành mạch, hùng hồn giống như những trận đánh vừa mới diễn ra.

Ông Sáu Tây kể: “Khi thời gian tổng tiến công được xác định, đồng chí Nguyễn Thành Hưng (Năm Liêm) yêu cầu vẽ bản đồ thị xã Sóc Trăng trong vòng 7 ngày, tôi hơi hoang mang vì bình thường một mình làm cũng mất ít nhất nửa tháng. Khoảng đầu tháng 4, tôi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đặc biệt tại rừng lá Bàu Còn (nay thuộc xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị), nơi đây cách Khu căn cứ Tỉnh ủy ở rừng tràm Mỹ Phước không xa. Nhớ lại những nơi đi qua, những trận đánh từng tham gia và tài liệu sẵn có, tôi một mình mày mò, hình dung rồi vẽ đi, vẽ lại, chỉnh sửa không ít lần. Do yêu cầu cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ nên tôi tranh thủ cả ngày lẫn đêm, ròng rã 7 ngày hoàn thành để kịp báo cáo với quân khu”.

Dựa vào bản đồ của ông Sáu, các đơn vị khác đánh chiếm ty cảnh sát, trại Bạch Đằng, khám lớn Sóc Trăng, Phân chi khu Khánh Hưng, tiểu khu Ba Xuyên... Cùng với thị xã Sóc Trăng, cuộc Tổng tiến công diễn ra quyết liệt ở khắp nơi trong tỉnh. Sáng sớm ngày 1-5-1975, tỉnh Sóc Trăng hoàn toàn giải phóng.

Ông Nguyễn Thanh Ngân (Sáu Tây) và ông Nguyễn Văn Tường (áo trắng), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Phú Lợi 2 thăm lại Chứng tích Khám lớn thị xã Sóc Trăng.

Đại tá Đỗ Nam Hiền, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Sóc Trăng, nhớ lại: “Lúc đó tôi là chiến sĩ thông tin liên lạc của Ban Chỉ huy tiền phương tỉnh Sóc Trăng, đi cùng Tiểu đoàn Phú Lợi 3 có nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Sóc Trăng, nay là Trường Quân sự Quân khu 9. Sau khi nổ súng khoảng 30 phút thì Đại đội Cảm tử của Tiểu đoàn đã chiếm một phần sân bay. Tuy nhiên, do sân bay rộng, anh em mình chưa quen với cách đánh địch trong nội ô nên chúng lợi dụng các công sự, hầm hào phản kích quyết liệt làm anh em thương vong nhiều. Cầm cự chiến đấu đến 2 giờ chiều thì Tiểu đoàn Phú Lợi 3 và Đại đội Trinh sát của tỉnh đã chiếm hoàn toàn sân bay Sóc Trăng”.

Ở hướng khác, Tiểu đoàn Phú Lợi 2 có nhiệm vụ theo đường Trương Công Định đánh chiếm dinh tỉnh trưởng. “Dựa vào bản đồ của anh Sáu Tây, mục tiêu rõ ràng nhưng để thực hiện nhiệm vụ này không hề dễ dàng. Chúng tôi phải tiêu diệt chốt Cầu Đen, rồi đánh vô đồn Chuồng Chó, giải quyết dứt điểm một đại đội quân cảnh nữa mới vọt thẳng vô dinh tỉnh trưởng”, ông Nguyễn Văn Tường, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Phú Lợi 2 kể.

45 năm qua đi, những mảnh đạn, đầu đạn trong người đôi lúc “cựa quậy” làm ông đau nhức. Nhưng điều đó chẳng là gì khi ông chứng kiến sự hy sinh, mất mát 45 năm trước đã được đền đáp. “Thắng lợi là đã xây dựng quê hương giàu đẹp. Điện khí hóa nông thôn, nông thôn hóa thành thị, điều đó nó mang lại cho mình một niềm tin lớn nhất. Bởi nó không còn là lý luận hay mơ ước nữa mà chứng minh bằng thực tiễn. Bao nhiêu mất mát, hy sinh cũng là muốn đất nước thống nhất, thanh bình; bà con mình tự do, hạnh phúc. Bấy nhiêu đó cũng phấn khởi, tự hào”, ông Sáu Tây bộc bạch.

Bài, ảnh: AN GIANG