Trong một buổi chiều cuối tháng 4-2020, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành ngồi lật giở từng trang tư liệu cũ để xem và đọc lại những dòng tin tức mà ông từng ghi chép trong thời gian trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, trong lòng người nghệ sĩ này lại ùa về biết bao cảm xúc.
Vinh dự được đi vào chiến trường
Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đinh Quang Thành sinh ra ở làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Là người yêu nghề nên với ông, hạnh phúc là được thể nghiệm với mỗi khuôn hình, mỗi góc ảnh đẹp, được “thực mục sở thị” người thật, việc thật để mang đến cho người xem những bức ảnh có giá trị. Vì thế, ông sẵn sàng đi đến những nơi gian khổ, hiểm nguy để ghi vào ống kính những khoảnh khắc mang tính lịch sử của dân tộc.
Cách đây hơn 45 năm, khi đang là phóng viên ảnh của TTXVN, đang làm nhiệm vụ tuyên truyền chống địch thả thủy lôi từ ngoài vào để phá cảng Hải Phòng, thì người nghệ sĩ này nhận được yêu cầu của cấp trên phải về Hà Nội ngay.
 |
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Về đến Hà Nội, ông không về nhà mà đến luôn cơ quan để nhận mệnh lệnh của cấp trên giao đi chiến dịch. Không một chút băn khoăn, do dự, người phóng viên đam mê nghề nghiệp coi đây là vinh dự bởi được lãnh đạo tin tưởng, lựa chọn để đi vào chiến trường. Được nhận quân trang như những chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, lúc đó, ông cảm thấy mình thật tự hào nên thầm nhủ sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao.
Vì là nhiệm vụ đột xuất nên ông không còn thời gian để về nhà từ biệt gia đình. Để gặp mặt vợ con trước khi lên đường ra mặt trận, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành phải gọi cho vợ đón hai con sinh đôi đang ở nhà trẻ và đưa thẳng đến trụ sở TTXVN để tiễn bố lên đường làm nhiệm vụ.
Giây phút chia tay vợ con chỉ diễn ra trong thời gian ngắn ngủi nhưng cũng đủ để người phóng viên cảm nhận được nỗi niềm xa con thơ, xa người vợ thân yêu để đi vào chiến dịch. Mặc dù biết cuộc ra đi này của chồng sẽ gặp nhiều khó khăn, hiểm nguy nhưng cũng như tất cả những người phụ nữ Việt Nam khi đó, vợ của nghệ sĩ Đinh Quang Thành sẵn sàng chịu thiệt thòi, vất vả để chồng yên tâm ra mặt trận. Từ lời động viên của vợ và con, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành đã yên tâm đi vào chiến dịch.
“Đi cùng với tôi khi đó còn có hai đồng chí sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là 2 Trung úy Vũ Tạo và Đỗ Kiểm. Lúc đó, hai đồng chí này được quân đội gửi sang TTXVN làm tại Ban Chiến tranh. Đi cùng chúng tôi còn có một đồng chí điện báo viên. Ngoài ra, chúng tôi đi còn mang theo 1 máy phát vô tuyến điện để khi đi đến đâu, chúng tôi làm tin tức thì đồng chí điện báo viên chuyển tin ngay về Hà Nội. Mỗi lần chúng tôi thu thập tài liệu xong thì phải tìm một địa điểm tương đối an toàn để căng ăng ten lên trên cây thì mới có tín hiệu để truyền tin tức về Hà Nội. Tin, bài, phải cập nhật thường xuyên về chiến dịch nên chúng tôi gửi tin về trước và ảnh gửi sau”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành nhớ lại.
Nói về những khó khăn khi gửi ảnh từ chiến trường ra Hà Nội, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành cho biết: Tin thì chúng tôi gửi bằng máy phát vô tuyến điện nhưng ảnh thì thời kỳ đó phải sử dụng ô tô mang phim từ chiến trường ra Thủ đô. Chẳng hạn như khi tôi chụp ảnh ở Huế thì phải cử một người quay ra mang phim về Quảng Trị. Sau đó có một xe ô tô chờ sẵn để chở phim ra Hà Nội. Mặc dù là thời chiến nhưng lúc nào cũng phải có 2 xe ô tô trực ở Quảng Trị để khi chúng tôi đưa phim về thì sẽ có một xe ô tô mang ra Hà Nội còn 1 xe tiếp tục cùng chúng tôi vào chiến trường. Sở dĩ chúng tôi chọn Quảng Trị là địa điểm để chuyển tài liệu mà không phải Đà Nẵng hoặc tỉnh khác bởi cầu Mỹ Chánh lúc đó bị địch phá hỏng, khi có tin tức cần chuyển về thì chúng tôi đi đò qua sông ra Quảng Trị, mang phim, ảnh để đồng chí lái xe mang ra Thủ đô. Như vậy mới đảm an toàn cho cả người và phương tiện máy móc”, nghệ sĩ Đinh Quang Thành nhấn mạnh.
45 mùa xuân đã qua, giờ đây ngồi xem lại từng trang tư liệu cũ, từng bức ảnh đã ố màu vì thời gian, trong lòng người nghệ sĩ này trào dâng niềm xúc động nghẹn ngào: “Tôi càng xem lại càng thấy cuộc chiến đấu của quân và dân ta vĩ đại quá. Cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt nhưng chúng tôi cùng những chiến sĩ Quân đội nhân dân và các đồng nghiệp đi vào chiến trường với một tâm thế rất nhẹ nhàng. Tôi đã đi theo các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hàng nghìn cây số suốt dọc đường chiến dịch từ Huế vào đến Sài Gòn và được chứng kiến những trận đánh ác liệt của quân và dân ta với kẻ thù”.
Sát cánh cùng chiến sĩ để có những bức ảnh sinh động
Trong số những người cùng đi chiến dịch với nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành năm xưa, giờ đây có người đã đi xa mãi mãi nhưng ký ức về những năm tháng được cùng nhau tác nghiệp ở chiến trường sẽ mãi in đậm trong tâm trí người nghệ sĩ này.
“Khi vào đến Sài Gòn cũng như trong quá trình tham gia chiến dịch. Tôi không thể chờ quân đội của ta đánh địch xong thì mới vào để chụp ảnh mà phải sát cánh cùng các chiến sĩ, thậm chí có lúc phải chạy theo họ thì mới chớp được những khoảnh khắc lịch sử. Như vậy, mới có nhiều bức ảnh sinh động”, nghệ sĩ Đinh Quang Thành kể.
 |
Bộ đội Sư đoàn 10 - Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Nghệ sĩ Đinh Quang Thành. |
Trong quá trình tác nghiệp, bom rơi, đạn nổ bên cạnh là bình thường, bởi nghệ sĩ Đinh Quang Thành quan niệm “hòn tên mũi đạn tránh mình chứ mình không thể tránh được”.
Nhiều người đã hỏi nghệ sĩ Đinh Quang Thành có cảm thấy lo lắng khi tác nghiệp dưới làn bom đạn quân thù thì ông cho rằng, vào thời điểm đó, ông không có thời gian để nghĩ rằng mình có sợ hy sinh, sợ bom đạn rơi vào người hay không. Nếu nghĩ mà lại sợ thì không thể chụp được ảnh, không hoàn thành nhiệm vụ.
Khi ở trong rừng cao su Đồng Nai, máy bay của quân địch thả bom bi trên đầu và không biết rơi vào đầu lúc nào nhưng nghệ sĩ Đinh Quang Thành và các đồng nghiệp vẫn kiên trì đi theo các chiến sĩ quân đội để có những bức ảnh đặc sắc từ chiến trường gửi về Hà Nội.
 |
Xe tăng 390 và 843 (hai xe tăng vào đầu tiên) trong sân Dinh Độc Lập, trưa 30-4-1975. Ảnh: Nghệ sĩ Đinh Quang Thành. |
Nhớ lại thời khắc Sài Gòn được giải phóng, đến bây giờ cảm xúc của người nghệ sĩ này vẫn vẹn nguyên. "Xúc động vô cùng!", đó là từ đầu tiên khi chúng tôi hỏi ông về cảm giác được chứng kiến thời điểm lịch sử của dân tộc. Nghệ sĩ Đinh Quang Thành bồi hồi: “Đây là lần đầu tiên tôi được đặt chân đến Sài Gòn, cũng chưa bao giờ được chứng kiến những trận đánh ác liệt đến thế. Ở miền Bắc, tôi cũng thường có mặt ở những trận chiến ác liệt của quân và dân ta chiến đấu với không quân Mỹ nhưng chưa bao giờ chứng kiến trận chiến ác liệt như Chiến dịch Hồ Chí Minh. Khi chứng kiến mùa xuân toàn thắng, tôi cũng như mọi người có mặt ở Sài Gòn khi đó đều muốn bật khóc, vỡ òa trong niềm vui chiến thắng”.
Với hàng nghìn bức ảnh chụp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành đã góp phần “chép” lịch sử bằng hình. Phóng sự ảnh “Giải phóng Sài Gòn” của ông đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, trong đó có Huy chương Đồng Giải báo chí quốc tế (OIJ).
KHÁNH HUYỀN