Ngày 17-5-1990, “Phòng trưng bày Chiến dịch Hồ Chí Minh” (còn gọi là Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh) đã được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 15 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-1990), 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-1990) và chính thức hoạt động phục vụ cán bộ, chiến sĩ LLVT, nhân dân trong nước và du khách quốc tế. Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh đặt dưới sự quản lý của Bảo tàng Quân khu 7 (Bảo tàng LLVT miền Đông Nam bộ).

Mặt trước Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Là một bảo tàng chuyên đề gắn với sự kiện lịch sử của dân tộc nên hiện vật, tư liệu luôn được sưu tầm, bổ sung. Sức sống của bảo tàng là hệ thống hiện vật, hình ảnh, tư liệu quý và hiếm, nhiều loại là “độc bản” về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Hai mô hình: Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lúc nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và chế độ ngụy quyền sụp đổ với kích thước 1/1 tạo ấn tượng sâu sắc cho khách tham quan. 3 bộ sưu tập hiện vật quý hiếm gồm: Bộ sưu tập cờ của các Quân đoàn, Binh đoàn và các đơn vị, bộ sưu tập pháo phòng không, tên lửa, bộ sưu tập xe quân sự đã từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, bảo tàng là nơi lưu giữ Sổ trực ban tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh, là hiện vật quý “độc nhất vô nhị”, được công nhận Bảo vật Quốc gia.

Theo Trung tá QNCN Trịnh Đại Nghĩa (nhân viên Bảo tàng Quân khu 7), thời kỳ đầu, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ có hơn 100 hiện vật, khoảng 200 hình ảnh, nhưng đến nay bảo tàng quản lý, trưng bày gần 6.300 hiện vật, hơn 500 hình ảnh, trong đó có hơn 2.880 hiện vật gốc. Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật, tài liệu tiêu biểu về Chiến dịch Hồ Chí Minh mà còn là “địa chỉ đỏ” giúp các thế hệ hôm nay học tập truyền thống, hun đúc thêm lòng yêu nước, ý chí phấn đấu học tập, lao động, công tác.

Nhân viên bảo tàng giới thiệu về các hiện vật được trưng bày. 

Cũng theo Trung tá QNCN Trịnh Đại Nghĩa, nội dung trưng bày của bảo tàng về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà trọng tâm là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được tái hiện với các chuyên đề: Khái quát tình hình chiến trường miền Nam từ sau từ Hiệp định Paris đến trước khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, sự sụp đổ của Chính quyền Sài Gòn…  trên diện tích hơn 1.500m2. Bảo tàng còn có một sa bàn điện tử 60m2, đặt ở phòng trưng bày trung tâm, tái hiện toàn bộ chiến dịch, kết hợp thuyết trình bằng đèn, loa với ba ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh, Pháp. Ngoài ra, khu trưng bày ngoài trời có diện tích 2.500m2, giới thiệu các loại vũ khí, khí tài sử dụng trong chiến dịch như máy bay, xe tăng, pháo các loại…

Thời gian qua, với nhiều lần nâng cấp, bổ sung, chỉnh lý, hiện nay, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh đã và đang tiếp cận được với khoa học lịch sử, khoa học bảo tàng, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, áp dụng một số giải pháp trưng bày mới. Những giải pháp này đã phần nào tạo được sự hài hòa giữa nội dung các chủ đề trưng bày và hình thức trưng bày (hệ thống tủ, bục trưng bày, chiếu sáng, nghe nhìn, kỹ thuật trang trí (màu sắc, họa tiết trang trí phù hợp với nội dung trưng bày). Hằng năm, bảo tàng đã tiến hành nhiều cuộc triển lãm chuyên đề mang tính thời sự tại chỗ và lưu động phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn, phù hợp với nhiệm vụ chính trị, yêu cầu của công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc sâu rộng trong LLVT và trong các tầng lớp nhân dân nhân dịp các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của thành phố, đất nước, của quân đội và Quân khu 7.

Mô hình Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lúc nghe Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và chế độ ngụy quyền sụp đổ.

Ngoài làm tốt công tác quảng bá, truyền thông và xúc tiến du lịch, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh thường xuyên phối hợp với Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, các trường học, đơn vị trong LLVT quân khu tổ chức đoàn thể trên địa bàn thực hiện có hiệu quả Chương trình “Hành trình đến với Bảo tàng” thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên đến tham quan. Trong những năm qua, nhân viên thuyết minh bảo tàng đã đón tiếp và phục vụ chu đáo, bảo đảm an toàn hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, học tập và nghiên cứu

Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 7, số lượng khách tham quan Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh ngày càng tăng, đáp ứng tiêu chí của một bảo tàng chuyên ngành thuộc các đơn vị trực thuộc bộ, ngành. Thời gian tới, nếu nâng cấp Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh tách ra khỏi Bảo tàng Quân khu 7, đặt trong hệ thống bảo tàng LLVT do Quân khu 7 quản lý sẽ có cơ sở để bảo tàng được đầu tư xây dựng, nâng cấp trưng bày và các hoạt động chuyên môn sâu sắc hơn. Đồng thời, bảo tàng sẽ có quy mô hài hòa với kiến trúc đô thị khu trung tâm Thành phố mang tên Bác.

Bài và ảnh: HÙNG KHOA