Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp mở thông đường cho các cánh quân thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn. Nhận được lệnh của trên, đêm 24, rạng sáng 25-4-1975, Tiểu đoàn 23 và Tiểu đoàn 174 đã cử lực lượng tinh nhuệ nhất hành quân đến khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Bình Dương - Đồng Nai ngày nay, sau đó đặt sở chỉ huy trung đoàn gần cầu Hang để làm công tác chuẩn bị. Xong xuôi, các chiến sĩ di chuyển vào sát cầu Ghềnh, cầu Hóa An trong nội ô thị xã Biên Hòa (nay là thành phố Biên Hòa).
Trước trận đánh lịch sử này, ban chỉ huy đơn vị đã quyết định tổ chức 3 lực lượng chính, trong đó, có 2 lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ đánh chiếm cầu, sau đó tiếp tục bố trí chốt giữ không để địch lấy lại. Lực lượng còn lại làm nhiệm vụ dọn đường, tiễu trừ thám báo. Để có thể hỗ trợ nhau giữa các lực lượng, trung đoàn còn lập sở chỉ huy tiểu đoàn tăng cường để trực tiếp chỉ huy 3 lực lượng chiến đấu. Khoảng 4 giờ 30 phút ngày 27-4, lực lượng đảm nhiệm đánh cầu Ghềnh và cầu Hóa An bắt đầu xuất kích, đối đầu ngay với địch tại các khu vực đầu cầu. Với sự tinh nhuệ, dũng cảm, chỉ sau 30 phút, các mũi tiến công đã đánh bật địch khỏi các chốt trên cầu. Tuy nhiên, chỉ 4 tiếng sau, địch bắt đầu dùng các loại hỏa lực trút xuống, làm rung chuyển toàn bộ khu vực. Khi pháo vừa dứt, địch bắt đầu sử dụng bộ binh tràn vào, tấn công áp đảo. Tiếp đó, chúng sử dụng biệt động quân, xe tăng thọc vào sở chỉ huy trực tiếp của ta và các chốt đang giữ, quyết tâm chiếm lại 2 cây cầu vừa bị ta chiếm.
Sau gần 2 giờ chiến đấu giằng co, các chiến sĩ đặc công đã kiên cường bám trụ, đánh bật đợt phản công của địch. Nhưng ngay lập tức, máy bay địch đã xuất hiện, quần thảo trên cao để quan sát trận địa phòng ngự của đơn vị. Khi máy bay vừa đi khỏi thì địch lại cho pháo tiếp tục nã xuống, cứ lặp đi lặp lại như vậy liên tục trong suốt ngày 27-4-1975. Trong ngày, các chiến sĩ đặc công đã ngoan cường đánh bật tổng cộng 4 đợt phản kích của địch. Buổi tối, khi địch ngừng tấn công, các chiến sĩ đã xốc lại đội hình, củng cố công sự, tiếp tục bố trí lực lượng sẵn sàng chống lại các đợt phản công mới của địch. Đúng như phán đoán, mờ sáng hôm sau, địch đã cho 5 máy bay trực thăng từ sân bay Biên Hòa lao đến trận địa, xả đạn vào các vị trí giữ cầu. Do áp đảo về quân số nên chiều 28-4, địch đã chiếm lại được cầu Ghềnh. Song, được sự giúp đỡ của nhân dân và các lực lượng địa phương, ngay tối 28-4, các chiến sĩ đặc công đã tổ chức tiến công đánh bật quân địch, chiếm lại cầu lần nữa. Sau 3 ngày phòng thủ kiên cường, trước sự tấn công mãnh liệt của pháo và bộ binh, xe tăng địch, các chiến sĩ đặc công đã xuất sắc giữ vững trận địa, không để địch chiếm lại 2 cây cầu. Đến trưa 29-4-1975, khi quân giải phóng của ta tấn công địch, đơn vị đã chớp thời cơ đồng loạt tiến công khiến quân địch bỏ chạy. Sáng 30-4, các chiến sĩ Trung đoàn 113 đã cùng những người lính Quân đoàn 4 tiến về giải phóng Sài Gòn, đi qua các cây cầu mà họ đã chiến đấu quả cảm, đổ bao xương máu để giữ vững...
HUY TÚ