6 điểm mấu chốt trong nghệ thuật ngoại giao Việt Nam

Hội nghị Paris và Hiệp định Paris là đỉnh cao của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thể hiện vai trò quan trọng, tích cực và chủ động của mặt trận ngoại giao trong sự phối hợp chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị, trên cơ sở đề cao nguyên tắc hòa bình, độc lập, tự chủ, đồng thời kết hợp sức mạnh dân tộc với sự ủng hộ đoàn kết của nhân dân thế giới, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân 1975.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (giữa) chủ trì tọa đàm. 

Tại tọa đàm, các học giả và nhân chứng lịch sử đã làm sống lại những ký ức sinh động về quá trình đàm phán và thi hành Hiệp định Paris, từ chủ trương chiến lược sáng suốt của Trung ương Đảng về việc mở ra mặt trận tấn công ngoại giao cuối những năm 1960, đến bài học về ứng xử ngoại giao tài tình của Bác Hồ và các nhà ngoại giao lão thành; hay những nỗ lực nghiên cứu chiến lược của Bộ Ngoại giao với việc thành lập Nhóm CP80, quy tụ nhiều cán bộ ngoại giao tài năng, nhằm đánh giá chính xác chính trị nội bộ và khả năng can dự của các nước lớn trước những biến chuyển rất nhanh chóng, mạnh mẽ của tình hình cách mạng miền Nam.

Theo GS, TS Vũ Dương Huân, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao (Bộ Ngoại giao), nghệ thuật ngoại giao Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Paris và ngoại giao giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tập trung ở 6 điểm mấu chốt, gồm: Kết hợp đánh và đàm; biết giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn; phối hợp các binh chủng của ngoại giao, các hình thức ngoại giao; áp dụng nghệ thuật đàm phán: Chờ đợi thời cơ, xây dựng lập luận thuyết phục, có chiến lược, sách lược rõ ràng, nhân nhượng có nguyên tắc và xác định điểm dừng; ứng xử khéo léo với Liên Xô và Trung Quốc; xây dựng, phát huy vai trò cơ quan nghiên cứu chiến lược.  

Đồng quan điểm trên, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên bổ sung thêm, chiến thắng của ngành ngoại giao trong giai đoạn 1973-1975 là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, như: Nắm vững và vận dụng tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh; chọn thời điểm đàm phán phù hợp... “Những điều chúng ta có thể thỏa hiệp được thì thỏa hiệp nhưng cái cốt lõi thì không bao giờ được phép thỏa hiệp”, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên khẳng định.

Thực thi Hiệp định Paris-cuộc đấu tranh gay go

Đề cập về vai trò của ngoại giao quân sự trong đại thắng mùa Xuân năm 1975, ông Phan Đức Thắng, nguyên Sĩ quan phiên dịch Đoàn đại biểu quân sự Ban liên hiệp bốn bên, cho rằng, công tác thi hành Hiệp định Paris là một cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt không kém gì quá trình thương lượng, với 3 nhiệm vụ chính: Đấu tranh góp phần buộc quân Mỹ và các nước chư hầu rút khỏi miền Nam Việt Nam; đấu tranh góp phần buộc đối phương thực hiện nghiêm chỉnh việc trao trả tù quân sự và tù dân sự của các bên bị bắt trong chiến tranh và đấu tranh góp phần buộc đối phương chấm dứt chiến sự, nghiêm chỉnh thực hiện ngừng bắn, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (bên phải) phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NGUYỄN HỒNG

Tại tọa đàm, các học giả và nhà nghiên cứu nhắc đến Trại David trong sân bay Tân Sơn Nhất, là nơi đặt trụ sở của hai phái đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLT CHMNVN) thi hành Hiệp định Paris. Nhắc tới Trại David, Đại tá Đào Chí Công, nguyên sĩ quan liên lạc Đoàn đại biểu quân sự CPCMLT CHMNVN trong Ban Liên hiệp quân sự bốn bên và hai bên, không khỏi xúc động. Ông Công cho biết, trước đây ông là cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại thương nên có vốn tiếng Anh tốt. Vì vậy, ông được giao nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu, dịch tài liệu tại văn phòng đối ngoại đoàn B. Với ông Công và đồng đội, 60 ngày ở Trại David là khoảng thời gian rất đặc biệt trong cuộc đời. “Trại David được bao bọc bởi hàng rào thép gai, lỗ châu mai dày đặc và dưới sự giám sát hơn chục bốt gác. Tại đây, tôi được tận mắt chứng kiến và giám sát những người Mỹ cuối cùng lên máy bay rời khỏi Việt Nam, một mặt chào đón những đồng đội từ các nhà tù của chính quyền Sài Gòn về với cách mạng’’, Đại tá Đào Chí Công nhớ lại.

LINH OANH