Tháng 9-1975, Thành đoàn chính thức hình thành Câu lạc bộ Thanh niên, sau đó chuyển thành Nhà Văn hóa Thanh niên để làm địa điểm tổ chức các lễ hội, hoạt động của tuổi trẻ thành phố. Từ địa điểm này, các sự kiện quan trọng của đất nước và thành phố như: Quốc khánh (2-9); Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4); Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5); kỷ niệm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; Ngày Truyền thống Thanh niên công nhân TP Hồ Chí Minh (15-10)… luôn được tuổi trẻ thành phố tổ chức hưởng ứng với các hoạt động sôi nổi, ý nghĩa. Đáng chú ý nhất là hoạt động kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-1985), Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố đã tập hợp những thiếu nhi sinh ngày 30-4-1975, trên tay cầm cờ Tổ quốc tuần hành vào Hội trường Thống Nhất (di tích Dinh Độc Lập) như giới thiệu một thế hệ mới, sinh ra trong ngày thống nhất đất nước.

Trụ sở Nhà Văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh tại số 4A Phạm Ngọc Thạch, quận 1.

Để thu hút thanh niên đến với nhau trong các hoạt động phong trào, ngoài chương trình lớn trên các sân khấu trong Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố, còn có chương trình như âm nhạc đường phố ngày nay với một bục gỗ và một micro để giữa sân. Thanh niên, học sinh đăng ký lên hát gọi là chương trình “Hát với nhau”. Có thanh niên ngồi trên xe lăn nhờ mọi người nâng để trên sân khấu và xin được hát. Kết hợp với hát, người hát có thể giới thiệu bộ thời trang của mình… cứ thế hết lượt này đến lượt khác, suốt đêm, thu hút hàng vạn lượt người.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc trong giai đoạn mới của đất nước, Thành đoàn Thành phố có chủ trương “phong trào ca khúc chính trị”, hình thành những tốp vừa đàn vừa hát phục vụ cho các lễ hội, đi vào công nhân, học sinh sinh viên, các công trường, nông trường từ mô hình của nhóm “ca khúc chính trị”. Lúc đầu chưa có mô hình nên sinh ra lẫn lộn “ca khúc chính trị” với “nhạc trẻ”. Thành đoàn chỉ đạo Nhà Văn hóa Thanh niên mời các nhạc sĩ, ca sĩ này như nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Miên Đức Thắng, Phạm Trọng Cầu… tổ chức trình diễn tại Nhà Văn hóa Thanh niên. Sau đó Thành ủy Thành phố ra nghị quyết về văn hóa văn nghệ định hướng cho phong trào văn nghệ thành phố. Để góp phần thực hiện Nghị quyết này, Thành đoàn giao cho Nhà Văn hóa Thanh niên hình thành Nhóm ca khúc Rạng Đông dự các liên hoan ca khúc chính trị.

Sau đó, có một nhóm ca sĩ nữ “30 tháng 4” được hình thành thướt tha áo dài, kết hợp đàn điện tử với bộ gõ dân tộc, tham dự liên hoan các nhóm ca khúc chính trị. Buổi tổng duyệt của nhóm vinh dự có đồng chí Mai Chí Thọ, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đến xem và góp ý. Sau thành công của Nhóm 30 tháng 4, phong trào ca khúc chính trị nở rộ khắp ở cơ sở, có nhiều nhóm tiêu biểu như: Nhóm ca khúc Câu lạc bộ tháng 9, nhóm nữ Sinco, nhóm ca khúc Thanh niên Xung phong, nhóm ca nhạc dân tộc Phù Sa… Phong trào ca hát của tuổi trẻ thành phố trở nên sống động, hấp dẫn, lôi cuốn tuổi trẻ đến các lễ hội, sân chơi tập thể. Không chỉ âm nhạc, Nhà Văn hóa Thanh niên còn thu hút giới trẻ với những sự kiện hưởng ứng, cổ vũ thể thao. Từ đó, số 4A Phạm Ngọc Thạch, quận 1 trở thành điểm hẹn không thể thiếu của giới trẻ TP Hồ Chí Minh.

HÙNG KHOA (ghi theo lời kể của đồng chí Hoàng Đôn Nhật Tân, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn TP Hồ Chí Minh).