Trong toàn bộ hệ thống phòng thủ bảo vệ Sài Gòn - Gia Định, tuyến phòng thủ phía Đông (trọng tâm là thị xã Xuân Lộc) được xây dựng mạnh nhất. Bởi đây là địa bàn án ngữ những trục giao thông quan trọng (như Quốc lộ số 1, Quốc lộ 20, Quốc lộ 15) là những tuyến đường thuận lợi để ta cơ động lực lượng tiến vào Sài Gòn. Do vậy, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã xây dựng thành “phòng tuyến thép” và tuyên bố sẽ “tử thủ” Xuân Lộc bằng mọi giá. Vì địch đã nhận định mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn, chính vì thế, sau khi Đà Nẵng thất thủ (29-3-1975), chính quyền Sài Gòn gấp rút tổ chức tuyến phòng thủ mới từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh.
Địch huy động hầu hết lực lượng còn lại kết hợp với các đơn vị thu dung quân thất trận từ Tây Nguyên và miền Trung chạy vào, nhanh chóng thiết lập nên tuyến phòng thủ bảo vệ Sài Gòn - Gia Định, trong đó, Xuân Lộc được xác định là điểm trọng yếu - "cánh cửa thép" phía Đông Sài Gòn.
 |
Chiến thắng Xuân Lộc. Ảnh Tư liệu. |
Tại đây, địch đã tập trung một lực lượng lớn phòng thủ Xuân Lộc, nòng cốt là sư đoàn 18 bộ binh, một đơn vị thiện chiến của quân đoàn 3 ngụy. Tuyến phòng ngự của sư đoàn này được xác định trên một chính diện từ 30 đến 40km, từ Túc Trưng qua Dầu Giây, thị xã Xuân Lộc đến ngã ba Tân Phong. Các vị trí phòng thủ được tăng cường thêm mìn, hàng rào dây thép gai, chướng ngại vật chống tăng, kết hợp với hệ thống đồn bốt bảo an, dân vệ chăng ra thành một mạng lưới dày đặc, hòng buộc quân ta phải lùi dần từng bước, khi tới ven đô thì kiệt sức.
Về phía ta, để tiến vào giải phóng Sài Gòn, nhiệm vụ trước mắt là phải đập tan hệ thống phòng ngự vòng ngoài của địch để tạo thế trận đứng chân vững chắc cho lực lượng tham gia tiến công. Trong tính toán của cơ quan chỉ đạo chiến lược, Xuân Lộc trở thành một trong những mục tiêu quan trọng. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền quyết định sử dụng một bộ phận lực lượng của Quân đoàn 4 phối hợp với bộ đội địa phương và nhân dân tỉnh Long Khánh mở chiến dịch tiến công Xuân Lộc.
Ngày 3-4-1975, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 quán triệt nhiệm vụ và bàn phương án tiến công Xuân Lộc. Với một điểm phòng thủ mạnh như Xuân Lộc, ban đầu Quân đoàn xác định phương châm “đánh chắc, thắng chắc”, lấy tiêu diệt địch bên ngoài là chính, tạo thế bao vây, cô lập, khi có thời cơ sẽ tiến công địch trong thị xã. Nhưng trước yêu cầu của trên và tình hình khẩn trương trên các chiến trường, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 xác định cách đánh tập trung lực lượng, sử dụng bộ binh, xe tăng, pháo binh mở các đòn tiến công trực diện vào các vị trí phòng ngự của địch.
Sáng 9-4, từ các hướng đã xác định, ta đồng loạt nổ súng tiến công địch nhưng bị địch phản kích mãnh liệt, khiến cuộc chiến trở nên hết sức quyết liệt. Các Sư đoàn 7, Sư đoàn 6 và Sư đoàn 341 của ta đã phải tổ chức tiến công nhiều lần vào thị xã, đánh đi đánh lại diệt từng mục tiêu và phải nhiều lần đẩy lùi các cuộc phản kích của địch.
Trước sự tấn công của ta, địch buộc phải tăng cường lực lượng cho Xuân Lộc. Ngày 12-4, địch tăng cường lữ đoàn 1 dù xuống ngã ba Tân Phong. Cùng với đó, địch nhanh chóng bố trí lại thế trận phòng thủ ở thị xã: Đưa lữ đoàn 3 thủy quân lục chiến, chiến đoàn 318 biệt động quân đến chốt giữ Trảng Bom, chiến đoàn 322 biệt động quân đến chốt ở Bàu Cá và điểm cao 122; đưa trung đoàn 8, sư đoàn 5 từ Lai Khê sang tăng cường cho Bàu Cá. Với quyết tâm tử thủ ở Xuân Lộc, địch đã tập trung tại đây 50% lực lượng bộ binh, 60% pháo binh và hầu hết xe tăng, xe thiết giáp của Quân đoàn 3, cùng lực lượng tổng dự bị tương đương 1 sư đoàn. Ngoài ra, chúng còn tổ chức lực lượng không quân chi viện cho bộ binh. Địch sử dụng cả bom CBU55 mà Mỹ vừa cung cấp trong thời gian tướng Wayend sang Sài Gòn có sức hủy diệt lớn để ngăn chặn ta.
Ta đã nghiên cứu tình hình, tổ chức lại lực lượng và thay đổi cách đánh. Ta đưa ra nhận định, Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối với Biên Hòa. Bộ Tư lệnh chiến dịch đã chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường 1, chặn đánh địch từ Trảng Bom lên; đánh chiếm Tân Phong, cắt đường 2 đi Bà Rịa.
Ta quyết định ngừng tiến công các vị trí địch trong thị xã Xuân Lộc, nhưng vẫn tổ chức nghi binh không để địch phát hiện. Đồng thời sử dụng Sư đoàn 6 (Quân khu 7) và Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) mới từ Tây Nguyên vào tăng cường cho quân đoàn tổ chức đánh chiếm Dầu Giây và Núi Thị, giải phóng thêm một đoạn Đường số 1 và đoạn Đường số 20 còn lại, thực hiện chốt chặn chiến dịch, diệt quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích. Trung đoàn 209 triển khai lực lượng ở khu vực đông bắc chi khu Tân Phong, chặn đánh Lữ đoàn dù 1, không cho địch vượt qua cầu Gia Liên để bắt liên lạc với chiến đoàn 43 trong thị xã.
Thực hiện kế hoạch trên, trong khi ta chuyển thế trận, địch vẫn tưởng chúng đã đẩy lùi được cuộc tiến công của ta. Rạng sáng ngày 15-4, pháo chiến dịch bắn dồn dập vào sân bay Biên Hòa, cùng lúc Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B đã tiêu diệt chiến đoàn 52, diệt gọn một tiểu đoàn pháo, một chi đoàn thiết giáp, giải phóng hoàn toàn chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây, cắt đứt đường 1 đoạn Xuân Lộc - Bàu Cá, đường 20 đoạn Túc Trưng - ngã ba Dầu Giây.
Trước tình hình nguy cấp, ngày 16 và 17-4, quân đoàn 3 ngụy ở Trảng Bom đốc thúc lữ đoàn 3 thiết giáp cùng chiến đoàn 8 sư đoàn 5 với hơn 100 khẩu pháo ở các căn cứ Nước Trong, Hốc Bà Thức, Long Bình, Đại An và 125 lần chiếc máy bay mỗi ngày chi viện, phản kích hòng chiếm lại khu vực Dầu Giây.
Xuân Lộc bị cô lập hoàn toàn. Thừa thắng xông lên, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 liên tục mở các đợt tiến công tiêu diệt chiến đoàn 43, 48 và một bộ phận quân dù của địch; bộ đội địa phương và du kích Xuân Lộc tiêu diệt và bức rút nhiều đồn bốt địch ở ven thị xã. Cùng thời gian này, lực lượng Quân đoàn 2 sau khi giải phóng Nha Trang, Cam Ranh đã thần tốc theo Đường số 1 tiến công tập tan tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang, giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân, sau đó tiến sát Xuân Lộc.
Thấy không thể đủ sức giành lại Dầu Giây và giữ được nhiều vị trí quan trọng khác, địch đã lệnh rút khỏi Xuân Lộc để bảo toàn lực lượng. Sau khi dùng pháo binh bắn phá nghi binh, đêm 20 rạng sáng ngày 21-4-1975, toàn bộ quân địch đã tháo chạy khỏi Xuân Lộc.
Ngày 21-4, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng, chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc. Chiến thắng này đã đập tan “cánh cửa thép” phía đông, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở quanh Sài Gòn, làm suy sụp nhanh thêm tinh thần chiến đấu của quân ngụy. Thắng lợi của chiến dịch đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tiến công vào Sài Gòn từ hướng đông. Từ đó mở ra thời cơ chiến lược quyết định cho ta tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam.
LẬP THÀNH (tổng hợp)