Trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngành kỹ thuật có thuận lợi lớn là ngày 10-9-1974, Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) chính thức được thành lập. Việc ra đời của TCKT đã góp phần hoàn thiện cơ bản tổ chức lực lượng kỹ thuật toàn quân, từ cấp chiến lược đến chiến thuật; đồng thời, giúp Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng (BQP) có sự chỉ đạo thống nhất, trực tiếp về công tác BĐKT từ trên xuống cũng như tiếp nhận viện trợ về VKTBKT từ các nước XHCN bảo đảm trực tiếp cho các đơn vị trong toàn quân. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi thời điểm đó, ngành kỹ thuật quân sự đã có sự phát triển mạnh mẽ, từ các lực lượng địa phương đến đơn vị chủ lực. Ngay sau khi thành lập, TCKT đã có những tham mưu kịp thời, chính xác với QUTƯ, BQP về công tác BĐKT cả trước mắt lẫn lâu dài; đề ra biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo ngành kỹ thuật toàn quân triển khai, tổ chức bảo đảm sát thực, hiệu quả. Dấu mốc quan trọng đầu tiên đó là, từ ngày 13-12-1974 đến 6-1-1975, TCKT đã chỉ đạo ngành kỹ thuật phối hợp với lực lượng hậu cần bảo đảm 1.170 tấn vũ khí, đạn dược và vật chất các loại cho Quân đoàn 4 cùng các LLVT địa phương tổ chức chiến dịch giải phóng Phước Long. Đây được coi là trận “trinh sát chiến lược”, giúp cấp trên đánh giá đúng về thế, lực của cả ta và địch, từ đó, họp bàn chủ trương quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, xác định nếu thời cơ đến thì giải phóng đất nước ngay trong năm 1975.
Sau chiến thắng Phước Long, thực hiện quyết tâm của trên, TCKT đã chủ động nghiên cứu, kết hợp tốt các phương thức bảo đảm, giữa BĐKT tại chỗ với vận chuyển từ xa đến và phương châm “lấy của địch để bảo đảm cho ta”. Nhờ đó, trong Chiến dịch Tây Nguyên, TCKT đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng hậu cần-kỹ thuật của các đơn vị bảo đảm cho lực lượng trực tiếp chiến đấu 1.681 tấn vũ khí, đạn các loại. Ngoài ra, tổng cục còn cử các tổ, đội, trạm sửa chữa cơ động vào Tây Nguyên cùng cơ quan kỹ thuật chiến dịch kiểm tra, sửa chữa, bảo đảm VKTBKT cho các sư đoàn chủ lực. Quá trình chiến dịch, mặc dù trong điều kiện khó khăn, gian khổ, song, các đơn vị của tổng cục còn chuyển tiếp vào mặt trận 2.000 tấn VKTBKT, bảo đảm cho các đơn vị có đầy đủ VKTBKT để chiến đấu, truy kích, xóa sổ Quân khu 2, Quân đoàn 2 của địch.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, thực hiện chỉ đạo của trên, TCKT đã tập trung BĐKT cho các quân đoàn chủ lực, các lực lượng làm nhiệm vụ “thần tốc” trong đội hình 5 cánh quân tiến về Sài Gòn-Gia Định. Trong đó, Quân đoàn 1 trước khi tham gia chiến dịch đã được bổ sung thêm nhiều cán bộ và nhân viên kỹ thuật để tổ chức bảo dưỡng, kiểm tra kỹ thuật và gia công, sửa chữa 100% VKTBKT các loại trước khi hành quân vào chiến trường miền Nam. Quân đoàn 2 được tăng cường thêm lực lượng sửa chữa, bổ sung trang thiết bị, vật tư kỹ thuật cho trạm sửa chữa để bảo đảm yêu cầu cơ động. Nhờ sự tăng cường này, quân đoàn đã tiến hành kiểm tra, sửa chữa hầu hết súng pháo, khí tài, bảo đảm hệ số kỹ thuật (Kt) từ 0,93 đến 1,0 trước khi bước vào chiến dịch. Quân đoàn 3 vừa được thành lập sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, được TCKT tăng cường hai đội sửa chữa cơ động cùng các xe công trình, trang bị phương tiện, vật tư kỹ thuật, dụng cụ sửa chữa, trực tiếp phục vụ trên hai hướng tiến công. Đối với Quân đoàn 4, do tổ chức biên chế, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nhiều khó khăn thiếu thốn, TCKT đã sớm chỉ đạo Cục Quân giới và Cục Quân khí đưa Xưởng OX1, Xưởng OX2 vào tăng cường giúp đơn vị từ cuối năm 1974.
Tổng cục còn huy động thêm 570 xe của các nhà máy, xí nghiệp ở hậu phương tham gia vận chuyển VKTBKT, vật chất hậu cần cơ động theo các hướng bảo đảm trực tiếp cho các lực lượng chiến đấu. Trong tổng số 14 đoàn xe cơ động vào chiến trường miền Nam, có 4 đoàn vận tải chở phụ tùng xe tăng, xe thiết giáp, 8 đoàn xe vận tải chở đạn hỏa lực vào chiến trường Đông Nam Bộ. Ngoài ra, Quân chủng Phòng không-Không quân cũng được tổng cục cấp bổ sung 5 máy nổ AP-10A cho các đơn vị pháo cao xạ 57mm, 6 xe công trình cơ khí, cùng với phụ tùng vật tư… để làm công tác BĐKT. Ngày 16-4-1975, TCKT đã thành lập Tiền phương tổng cục ở phía Nam để trực tiếp chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng, hướng dẫn đơn vị, tiến hành công tác BĐKT hiệu quả hơn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu VKTBKT cho các lực lượng cơ động chiến đấu. Tính đến giữa tháng 4-1975, khối lượng đạn dược bảo đảm cho chiến dịch lên tới 60.000 tấn, vượt yêu cầu đề ra. Về lực lượng, phương tiện, từ đầu tháng 1-1975 đến cuối tháng 4-1975, TCKT đã huy động hơn 2.000 lượt cán bộ, nhân viên, gần 3.000 lượt xe quân sự, cùng hơn 8.000 xe các loại của các lực lượng khác, tổ chức vận chuyển hàng chục vạn tấn VKTBKT bảo đảm cho các đơn vị, giúp các lực lượng có đủ điều kiện để đồng loạt tiến công, làm nên chiến thắng 30-4 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngay sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, TCKT đã thực hiện tốt vai trò của lực lượng “đi trước về sau”, kịp thời chỉ đạo các chuyên ngành, cơ quan, đơn vị kỹ thuật khẩn trương tiếp quản cơ sở kỹ thuật, thu hồi VKTBKT thu được của địch ở chiến trường và VKTBKT của ta ở các tuyến vận tải trên đường Trường Sơn để phân loại, bảo quản, sửa chữa, đưa vào dự trữ quốc phòng.
Có thể khẳng định, mặc dù mới được thành lập, lại phải đảm đương nhiệm vụ BĐKT cho chiến dịch mang ý nghĩa quyết định, với khối lượng rất lớn, chưa từng có trong lịch sử chiến tranh hiện đại của dân tộc ta, song, bằng sự chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự nỗ lực, quyết tâm trong triển khai thực hiện, TCKT đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn chiến dịch.
Qua chiến dịch, công tác BĐKT đã để lại những bài học kinh nghiệm quý cho TCKT nói riêng, ngành kỹ thuật toàn quân nói chung. Từ những kinh nghiệm ấy, thời gian tới, TCKT xác định, sẽ tiếp tục quán triệt, nắm vững và vận dụng đúng đắn, sáng tạo đường lối quân sự của Đảng, mệnh lệnh của cấp trên vào chỉ đạo và tổ chức BĐKT trong mọi tình huống; chủ động nâng cao năng lực tham mưu, đề xuất chiến lược cho cấp trên trong lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả CTKT, xây dựng ngành kỹ thuật quân đội tinh, gọn, mạnh, thống nhất và đồng bộ; chỉ đạo triển khai các mặt công tác, tạo chuyển biến cơ bản về công tác kỹ thuật, trọng tâm là bảo đảm trang bị, BĐKT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng của quân đội trong mọi tình huống và các nhiệm vụ đột xuất; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong công tác bảo quản, sửa chữa, nâng cấp, tăng hạn VKTBKT và sản xuất vật tư kỹ thuật phù hợp với cách đánh và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Ngoài ra, cần tiếp tục đề xuất với cấp trên điều chỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng, củng cố hệ thống cơ sở kỹ thuật; quy hoạch lượng dự trữ phù hợp với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…
Trung tướng LÊ QUÝ ĐẠM - Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật