Trong một ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi được tiếp chuyện với một cựu tù như vậy, ông là Võ Ngọc Bửu, sinh năm 1946, quê gốc ở tỉnh Bình Định, hiện cư trú tại số nhà 02 Tân Tiến, thành phố Pleiku (Gia Lai). Ông Bửu không chỉ được biết đến với những hoạt động đấu tranh trong Nhà lao Pleiku những năm 1969 mà còn có kỷ vật "chiếc khăn tay" đang được lưu giữ ở đây như một báu vật, một minh chứng cho cội nguồn sức mạnh của những chiến sĩ cộng sản. Ông và đồng đội của mình gọi đó là "kỷ vật hòa bình".
 |
Chiếc khăn tay của ông Võ Ngọc Bửu đang được lưu giữ tại Nhà lao Pleiku. |
Tại Nhà lao Pleiku, ông Bửu được tin tưởng giao nhiệm vụ Bí thư chi đoàn Thanh niên Cộng sản, luôn tích cực đấu tranh đòi quyền dân sinh cho đồng đội. Cũng chính vì thế ông luôn là mục tiêu tra khảo của địch. Ông không thể nào quên những tháng ngày ròng rã chỉ có một chút cơm với muối dằn bụng để oằn mình chịu đựng đòn roi tra tấn của địch. Sức mạnh của người chiến sĩ khi ấy không chỉ là tình yêu quê hương, đất nước mà còn là tình cảm thiêng liêng đối với gia đình.
Ông Bửi bồi hồi nhớ lại: Thời điểm tôi bị bắt giam tại Nhà lao Pleiku cũng là lúc vợ tôi đang mang thai con gái đầu lòng ở tháng thứ năm. Lòng tôi khi ấy như lửa đốt, không biết vợ con mình ở ngoài ra sao, bản thân mình lại chẳng cách nào có thể vượt thoát khỏi sự giam cầm, đàn áp của giặc. Tôi nảy ra ý định nhờ các anh chị em thăm nuôi giấu đem cho một khuôn vải nhỏ cùng với chỉ và kim may để thêu một chiếc khăn tay gửi về làm quà cho con gái, để tỏ rõ tình thương của một người cha đang bị đày ải. Nghịch cảnh lúc bấy giờ khiến tôi phải mất gần 7 tháng trời mới có thể hoàn thành ý nguyện của mình. Tôi đặt tên cho con gái ngay trên chiếc khăn ấy. Thời gian đứt đoạn mà việc trao gửi cũng vô cùng khó khăn nên khi chiếc khăn thêu đến tay vợ tôi thì đứa con gái đầu lòng của chúng tôi đã gần 1 tuổi.
Theo lời kể của ông Bửu, cũng trong thời gian này, ông nhận được chiếc mền may bằng vải dù mà người vợ của ông gửi vào để giúp chồng mình chống rét. Đến giờ, những vật dụng như thế luôn được ông trân quý, giữ gìn cùng năm tháng.
 |
Ông Bửu trong một lần thăm lại Nhà lao Pleiku. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Trở về với thời bình, người chiến sĩ cách mạng kiên trung ngày ấy không chỉ mang theo những vết thương chiến tranh mà còn lưu giữ từng kỷ vật gắn với mình suốt một thời hào hùng, oanh liệt. Sau giải phóng, khi Nhà lao Pleiku chính thức được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994 thì chiếc khăn tay trắng, viền xanh, thêu dòng chữ đỏ “Ba mến con Phương Linh” đã không còn là kỷ vật riêng của gia đình ông Bửu mà đã được ông cùng con cháu tự nguyện trao tặng lại cho Nhà lao Pleiku để làm hiện vật trưng bày.
Thiết nghĩ, chiếc khăn được thêu tỉ mỉ từ đôi bàn tay của một người cha trong thời binh lửa đã minh chứng rằng: Bom đạn của kẻ thù có thể hủy diệt được sự sống con người chứ không thể nào giết chết được tình cảm gia đình sâu nặng, tình yêu quê hương tha thiết trong mỗi người.
Câu chuyện bình dị nhưng đầy xúc động về chiếc khăn tay của cựu tù Võ Ngọc Bửu trong muôn vàn những câu chuyện chưa kể ở Nhà lao Pleiku được biết đến để chúng ta thêm một lần hiểu về những mất mát, đau thương mà chiến tranh đã gây ra cho bao gia đình và để những thế hệ trẻ hôm nay thêm thấm thía giá trị của hòa bình.
Bài và ảnh: LỮ HỒNG