Theo cuốn Lịch sử Quân đoàn 2 (1974-2014) do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, hai chiếc xe tăng số hiệu 390 và 843 của Quân đoàn 2 đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập, tiến vào bắt sống toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn. Nhằm ổn định trật tự thành phố vừa được giải phóng, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 được ủy nhiệm của Bộ chỉ huy chiến dịch đã chủ động ra “Thông cáo số 1”. Chuẩn bị xong nội dung, Đại tá Nguyễn Công Trang, Phó chính ủy quân đoàn trình Bộ tư lệnh quân đoàn xin ý kiến. Sau đó, bản thông cáo được đọc trên đài phát thanh. Và cứ 15 phút, bản thông cáo được phát lại một lần cho đến tối.
 |
Bản "Thông cáo số 1" ngày 30-4-1975 do Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 soạn thảo. |
Theo tinh thần của bản "Thông cáo số 1" thì toàn bộ sĩ quan, binh lính, cảnh sát, tình báo, mật vụ lực lượng vũ trang thuộc ngụy quyền Sài Gòn phải ra trình diện, đăng ký và nộp vũ khí tại ủy ban quân quản. Công chức các cấp không được phá hoại công sở, sẵn sàng nhận lệnh. Các ngành điện, nước, bưu điện, truyền thanh, vệ sinh công cộng phải điều hành công việc thường xuyên. Công nhân phải giữ vững các máy móc và các xí nghiệp. Cùng với đó, nghiêm cấm mọi hành động phá rối trật tự trị an hoặc xâm phạm đến tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của chính quyền cách mạng. Nghiêm cấm mọi luận điệu chiến tranh tâm lý gây hoang mang, chia rẽ, mọi việc gây tiếng nổ, bắn súng bừa bãi. Ngoài ra, bản thông cáo cũng cho biết lệnh giới nghiêm trong thành phố từ 18 giờ ngày 30-4 đến 6 giờ ngày 1-5…
Như vậy, cùng với bản tuyên bố đầu hàng của tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và bản chấp nhận tuyên bố đầu hàng của Quân Giải phóng, bản "Thông cáo số 1” là văn bản thứ hai được phát đi sau khi Sài Gòn được giải phóng. Là một trong những văn bản đặc biệt quan trọng, được soạn thảo dựa trên những kinh nghiệm xương máu thực tế chiến đấu, thể hiện sự nhạy bén về nhãn quan chính trị, nắm bắt tình hình kịp thời đúng với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2. Sự ra đời của "Thông cáo số 1” góp phần giữ vững ổn định Sài Gòn sau giải phóng, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân. Đại tá Đỗ Văn Sáu, Giám đốc Bảo tàng Quân đoàn 2, cho biết: “Ý thức được giá trị lịch sử của bản "Thông cáo số 1”, nhiều năm qua, cán bộ, nhân viên bảo tàng quân đoàn đã dày công gìn giữ, tích cực tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và du khách đến tham quan, học tập.
Bài và ảnh: ĐINH QUANG THUẬN