Trước khi lên đường vào chiến trường, Nhân về phép và tặng cha chiếc áo bộ đội đã cũ cùng chiếc đài chạy bằng pin. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Duy Nhân là pháo thủ số 2, kíp chiến đấu xe tăng 809, Đại đội 1, phối thuộc cho Sư đoàn 320B tiến công trên hướng bắc với nhiệm vụ tiêu diệt địch ở Tân Uyên, Lái Thiêu, thọc sâu vào Sài Gòn.
Trận đánh vào chi khu quân sự Tân Uyên ngày 29-4-1975 là trận đánh mở đường của xe tăng 809. Địch dựa vào hệ thống lô cốt và hầm ngầm kiên cố chống cự quyết liệt. Xe tăng 809 vượt qua mấy lớp hàng rào, bắn sập liên tiếp nhiều lô cốt và ụ súng, đang tiến vào khu trung tâm thì đụng phải mìn, chiếc xe khựng lại.
Xe tăng 809 vẫn tiếp tục nổ súng, lô cốt địch lần lượt bị bắn sập. Lúc này, Nhân thấy trong xe nóng rực, khói nóng theo các khe hở lùa vào xe mỗi lúc một nhiều. Anh nói với các đồng đội: “Có thể xe bị cháy, để tôi lên xem sao!”. Dứt lời, anh mở cửa xe lao ra. Ngoài xe, lửa, khói táp vào mặt bỏng rát, anh mở ngay bình cứu hỏa trên xe, phụt vào đám cháy. Dưới làn mưa đạn của địch, Nhân vẫn nhoài người lên dập lửa. Bỗng thấy nhói ở vai phải, cánh tay tê dại, anh đưa tay sờ vết thương, máu chảy đẫm cả bàn tay. Không kịp băng bó, Nhân nhanh chóng dập những đám lửa còn lại, hất tấm bạt ra khỏi xe. Lửa tắt, anh đang đu người vào vị trí chiến đấu thì làn đạn của địch bắn tới. Pháo thủ Nguyễn Duy Nhân đã anh dũng hy sinh ở cửa ngõ Sài Gòn trước ngày giải phóng.
Hơn 40 năm sau, trao chiếc áo bộ đội đã cũ tặng Bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp, cụ Chư, cha đẻ liệt sĩ Nguyễn Duy Nhân rưng rưng: “Đây là chiếc áo của thằng Nhân nó tặng tôi. Nhiều năm qua tôi vẫn để gối đầu, nay tôi xin trao tặng bảo tàng, để con tôi được về đó gặp gỡ đồng đội”.
Giờ đây, những kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Duy Nhân như chiếc mũ pháo thủ, bi đông đựng nước và đặc biệt là chiếc áo bộ đội tặng cha trước ngày lên đường được trưng bày trang trọng tại Phòng năm 1975, Bảo tàng Lực lượng Tăng thiết giáp. Những kỷ vật ấy sẽ kể cho các thế hệ mai sau về trận chiến đấu quyết liệt của những chiến sĩ xe tăng trong trận đánh mở đường ở Tân Uyên, tiến vào giải phóng Sài Gòn.
HUY TUẤN