Phiên tòa gợi lại lịch sử
Theo phán quyết của Tòa án đặc biệt xét xử tội ác chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia, hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ là Nuon Chea (92 tuổi) và Khieu Samphan (87 tuổi) phải nhận bản án chung thân vì những tội ác mà chúng gây ra đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia trong giai đoạn 1975-1979.
Nhìn lại những gì diễn ra cách đây gần nửa thế kỷ, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng thời là một trong những người trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, kể rằng, năm 1972, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary đã giết hại người dân Campuchia; thậm chí chúng còn có ý định sẽ đánh biên giới Tây Nam của chúng ta từ trước đó. Ít ngày sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, lính Pol Pot đã tấn công đảo Phú Quốc, sau đó đánh đảo Thổ Chu (Kiên Giang), bắt giữ rồi giết hại hơn 500 người dân Việt Nam.
Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói rằng, khi ấy, Việt Nam vừa bước qua hai cuộc chiến tranh kéo dài nhiều thập niên, nhiều thương binh thậm chí vẫn chưa lành vết thương nên chúng ta rất cần hòa bình để phát triển đất nước. Ông nói: “Chúng ta đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn lực lượng Khmer Đỏ tràn sang đất nước mình cũng như xử lý quan hệ với các nước khác để tìm giải pháp đẩy lùi chiến tranh. Chúng ta chưa bao giờ có ý định đưa quân đi chiếm đóng hay thôn tính một quốc gia nào khác!”.
Nhưng khi biên giới Tây Nam của Tổ quốc bị đe dọa, nhân dân Việt Nam tiếp tục bị Pol Pot sát hại một cách man rợ, chúng ta buộc phải đưa quân sang, vừa tự bảo vệ mình, vừa để đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia cũng như nhân dân Campuchia.
 |
Phóng viên Campuchia và quốc tế theo dõi một phiên tòa xét xử các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ qua truyền hình. Ảnh: CNN. |
Dù đã nghe kể nhiều song khi đặt chân sang đất Campuchia, bộ đội Việt Nam vẫn thực sự bàng hoàng trước những gì họ chứng kiến. Đó là những cánh đồng máu, những trại giam chính nhân dân Campuchia, những “công xã” mà mỗi ngày đều đặt ra chỉ tiêu phải giết chết bao nhiều người, chẳng khác nào giết gà, vịt…
Trước thực trạng đau thương đó, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã giúp nhân dân nước bạn hồi sinh. Ngày 29-12-1999, ngày Khmer Đỏ bị xóa sổ với tư cách là một tổ chức chính trị-quân sự từng tồn tại trên lãnh thổ Campuchia, nay đã trở thành Ngày Hòa bình của đất nước Chùa tháp.
Công lý được thừa nhận!
Phán quyết của Tòa án đặc biệt xét xử tội ác chế độ Khmer Đỏ đã thừa nhận một cách mạnh mẽ tính chính nghĩa của Việt Nam khi đưa quân sang giúp lực lượng cách mạng Campuchia, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, với tinh thần giúp bạn cũng chính là tự giúp mình.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, có những lý do khiến cuộc chiến của Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia trở nên khác biệt hoàn toàn với nhiều cuộc viễn chinh của các quốc gia khác trên thế giới. Trước hết, chúng ta giúp đỡ lực lượng cách mạng Campuchia vì chính nghĩa, để họ tự giải phóng nhân dân, đất nước. Quan trọng hơn, thông qua cuộc chiến ấy, chúng ta đã đạt được mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển cho nước mình cũng như nước bạn.
Nhưng vì sao phải sau 40 năm, tội ác của chính quyền Khmer Đỏ mới được phơi bày trước cộng đồng quốc tế? Và tại sao cũng phải trải qua ngần ấy năm, công lý mới thực sự được thừa nhận?
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, phán quyết vừa qua khẳng định chế độ Khmer Đỏ đã vi phạm Công ước Geneva về việc giết hại tù binh dân sự và quân sự bị chúng bắt lúc bấy giờ. Ông cho rằng nếu cứ nhìn vào thực tế và các chứng cứ thì không có gì khó khăn để kết tội các lãnh đạo trong chính quyền Khmer Đỏ, bởi tội ác của chúng đã vượt quá mọi sự tưởng tượng kinh khủng nhất về độ man rợ. “Trước đây, một bộ phận dư luận quốc tế không thừa nhận thực tế đó vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chính là vì lợi ích của các nước khác, trong đó có những nước lớn”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.
Việt Nam có cần một lời xin lỗi?
Ngay sau khi tòa quốc tế xét xử Khmer Đỏ ra phán quyết, một số hãng truyền thông và chuyên gia nước ngoài đã lật lại tội ác của tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary, cho rằng phán quyết đó thực chất khẳng định tính chính nghĩa của Việt Nam khi đưa quân sang giúp cách mạng Campuchia.
Giáo sư James Sweeney, Đại học Luật Lancaster (Anh), cho biết: "Từ “diệt chủng” có ý nghĩa rất rõ ràng với bất kỳ ai nghe thấy nó. Vì vậy, điều thực sự quan trọng là phải thừa nhận những tội ác của Khmer Đỏ gây ra đối với người Việt Nam và người Campuchia".
Ông Ben Kiernan, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu về diệt chủng, Đại học Yale, Hoa Kỳ thì cho rằng: “Việc kết án hai lãnh đạo cấp cao của chế độ Pol Pot phạm tội diệt chủng rất quan trọng đối với tất cả người dân Campuchia, không chỉ những người là nạn nhân của chế độ ấy”.
Nên nhớ rằng, việc đưa quân vào Campuchia nhằm lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ cũng là nguyên nhân khiến Việt Nam trải qua một thời kỳ phải đối mặt với những áp lực quốc tế vô cùng lớn, thậm chí bị bao vây, cô lập. Không ít người đặt câu hỏi rằng, khi sự thật đã hoàn toàn sáng tỏ, phải chăng cộng đồng quốc tế còn nợ Việt Nam một lời xin lỗi?
“Phán quyết vừa qua cho thấy sự chính nghĩa của Việt Nam. Có lẽ chúng ta không cần một lời xin lỗi, mà cần cộng đồng quốc tế nhận thức đúng đắn về lịch sử. Hãy coi đó như một bài học: Đừng bao giờ ủng hộ bọn diệt chủng, cũng đừng bao giờ gây chiến với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nói.
Tại hội thảo vừa qua ở TP Long Xuyên, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nhấn mạnh: Thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn. Chúng ta không chỉ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà còn cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự; tạo điều kiện để khôi phục tình hữu nghị và tình đoàn kết chiến đấu vốn có giữa nhân dân Việt Nam và Campuchia.
Ngày 7-1 năm nay, chúng ta dành tình cảm đặc biệt để tri ân những người đã ngã xuống, những người đã để lại một phần thân thể, tuổi trẻ trong cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Đó cũng thời khắc để người dân hai nước nhận ra giá trị lớn lao của hòa bình cũng như mối quan hệ hữu nghị, hợp tác trên tinh thần tôn trọng độc lập, tự chủ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau giữa Việt Nam và Campuchia.
ANH VŨ