Thời của những “cánh đồng chết” đã lùi xa vào quá khứ. Thực tế cho thấy Campuchia không những đã hồi sinh mà còn bứt phá, được nhìn nhận sẽ trở thành “con hổ kinh tế mới” của châu Á như đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). 

Những năm qua, việc duy trì hòa bình, ổn định chính trị và an ninh vững chắc đã bảo đảm cho Campuchia liên tục giành được những “trái ngọt” trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Kinh tế Campuchia bắt đầu phát triển từ thập niên 1990 khi tình hình chính trị dần ổn định và đất nước đi theo nền kinh tế thị trường. Từ năm 2012 đến nay, mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia đều đạt trung bình trên 7%/năm, được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào nhóm quốc gia đạt tăng trưởng cao. Sự tăng trưởng vững chắc này được phản ánh qua tăng trưởng trong các lĩnh vực công nghiệp, dệt may, xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ như du lịch và bất động sản. Đáng ghi nhận, Campuchia đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ quốc gia dựa vào lĩnh vực nông nghiệp thành quốc gia dựa vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Vốn dự trữ ngoại hối tăng từ 3,64 tỷ USD trong năm 2013 lên hơn 9 tỷ USD trong năm 2017 do đầu tư trực tiếp của nước ngoài tiếp tục tăng. 

Đất nước Campuchia ngày càng phát triển. Ảnh: Khmer Times.

ADB cho rằng, Campuchia đã thực hiện đúng như mô hình tăng trưởng kinh tế theo kiểu “công xưởng châu Á”-mô hình kinh tế tập trung xuất khẩu. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Campuchia là một nền kinh tế mở và quá trình hội nhập với nền kinh tế toàn cầu ngày được đẩy mạnh. Cả ADB và WB đều dự báo nền kinh tế Campuchia giai đoạn 2018-2019 duy trì tăng trưởng trung bình 7%/năm. Theo WB, dòng chảy đầu tư nước ngoài và đầu tư vào cơ sở hạ tầng trung hạn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và năng lực sản xuất của Campuchia.

Cùng với đó, Campuchia đã đạt dấu mốc quan trọng từ một quốc gia có thu nhập thấp trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp và đang tiếp tục tiến tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Mức sống của nhân dân ngày càng cải thiện, với thu nhập bình quân đầu người từ 1.042USD năm 2013 lên 1.563USD  năm 2018. Tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh từ 53,5% năm 2004 xuống còn 13% năm 2016 và tiếp tục giảm. Ngoài ra, khoảng cách thu nhập của người dân cũng từng bước được rút ngắn. 

Trước những chuyển biến của tình hình thế giới và khu vực, Campuchia chủ trương thực hiện chính sách đối ngoại trung lập, không xâm lược hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Ðến nay, quốc gia Đông Nam Á này có quan hệ thương mại với khoảng 150 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới,  không ngừng đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế. Campuchia là thành viên thứ 10 của ASEAN (tháng 4-1999), thành viên chính thức thứ 148 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (tháng 9-2003), đồng thời cũng là thành viên tích cực trong nhiều cơ chế hợp tác khu vực, như: Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC); Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV); Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV); Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS)… Vị thế của Campuchia cũng ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, đơn cử như việc trúng cử Ủy viên Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ năm 2019 và được bầu làm Phó chủ tịch phiên họp toàn thể lần thứ 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc nhiệm kỳ từ tháng 9-2018 đến tháng 9-2019.

VĨNH AN