Tháng 5-1979, tôi quyết định từ bỏ những điều kiện thuận lợi ở Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Khi đó, quân đội đang có nhu cầu rất lớn cán bộ khoa học-kỹ thuật nên tôi nhanh chóng được tiếp nhận.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc các kỹ sư mới tốt nghiệp phải đi thực tế ở đơn vị ít nhất một năm, tôi được Bộ Quốc phòng điều động về công tác ở Nhà máy Z133 (Tổng cục Kỹ thuật). Do tôi là kỹ sư chuyên ngành Máy thủy khí nên được nhà máy biên chế về Phân xưởng Sửa chữa pháo cao xạ (A6) làm kỹ thuật viên. Tôi trực tiếp làm việc ở Tổ Sửa chữa hãm lùi, đẩy lên-một bộ phận quan trọng của pháo mặt đất. Tôi phấn khởi và yêu thích công việc, vì được tháo lắp, sửa chữa, căn chỉnh, đồng bộ và đi bắn thử nghiệm nghiệm thu sản phẩm. Khi đó, nhà máy có các chuyên gia Liên Xô trực tiếp trợ giúp ở các phân xưởng nên tôi có dịp được làm việc, tiếp xúc với họ. Trong một lần tháo mặt nắp của hãm lùi pháo 122mm, do mặt nắp lắp rất chặt vì yêu cầu độ kín của cơ cấu, tôi phải dùng búa tạ để đóng vào cờ lê to cỡ 52 mới tháo được. Sau đó, tôi dùng tay cầm cờ lê tháo mà không đeo găng tay bảo hộ. Một chuyên gia Liên Xô nhìn thấy, nói ngay: “Anh không yêu quý vợ con à? Cờ lê bị búa đập vào gây biến dạng, có ba-via rất sắc, anh cầm vào vặn sẽ làm đứt tay, chảy máu, không về giúp vợ con làm việc nhà được!’’.
Lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà tôi luôn nhớ mãi đến sau này. Công tác bảo đảm an toàn lao động, nhất là trong hoạt động quân sự đòi hỏi rất cao. An toàn không chỉ cho mình mà còn vì lợi ích chung. Sau đó, tôi còn được làm việc trực tiếp nhiều lần với các chuyên gia Liên Xô. Một lần, trong buổi giao ban với Ban giám đốc nhà máy, một chuyên gia Liên Xô nêu ý kiến rằng, để một kỹ sư làm việc trực tiếp như công nhân thì rất lãng phí. Tiếp thu ý kiến của bạn, tôi được điều về Phòng Cơ điện nhà máy.
Hơn ba tháng trực tiếp làm việc như công nhân ở Nhà máy Z133, tôi học được nhiều kiến thức thực tế, rất cần thiết và bổ ích cho một kỹ sư mới ra trường. Song đáng nhớ nhất với tôi là bài học về an toàn lao động mà chuyên gia Liên Xô nhắc nhở. Sau này, khi trở thành cán bộ nghiên cứu ở Viện Kỹ thuật quân sự (nay là Viện Khoa học và Công nghệ quân sự), bài học đó vẫn luôn theo tôi, nhắc tôi chú ý đến công tác an toàn mọi mặt, cả trong nghiên cứu, thử nghiệm thực tiễn và khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật.
PGS, TS TRỊNH HỒNG ANH