Chủ đề của Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế năm nay còn có thêm dòng tiêu đề phụ: “Bạn có biết!”. Với thông điệp này, Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế năm nay hướng tới thể hiện sự đa dạng và sáng tạo của mỗi Hội quốc gia trong việc tiếp cận giải quyết thách thức nhân đạo hiện nay.

Phát biểu tại lễ mít tinh, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, những năm gần đây, phương thức hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ các cấp từ Trung ương đến địa phương ngày càng có nhiều đổi mới, sáng tạo, đa dạng, phong phú, thiết thực trợ giúp những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã hội. Với vai trò là 1 trong 190 Hội quốc gia thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, trải qua hơn 70 năm hoạt động và trưởng thành, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên có uy tín và có những đóng góp tích cực đối với Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình thuộc nhiều lĩnh vực như: Chăm sóc sức khỏe, cứu trợ xã hội, phòng ngừa và ứng phó thảm họa… Chỉ riêng năm 2016, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục triển khai 35 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng ngân sách đạt gần 117 tỷ đồng, trong đó có hơn 77 tỷ đồng từ các đối tác thuộc Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ, chiếm 66%.

leftcenterrightdel
Các hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ hiến máu nhân đạo tại lễ mít tinh. 
Đối với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, phòng ngừa và ứng phó thảm họa luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Hội luôn kết hợp 3 khâu (Phòng ngừa, ứng phó và phục hồi sau thiên tai) với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Đến nay, toàn Hội đã có hàng vạn lượt cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, giáo viên và học sinh được tập huấn kiến thức phòng ngừa và ứng phó thảm họa để tự bảo vệ gia đình, bản thân và xã hội; 44 trung tâm phòng ngừa, ứng phó thảm họa và kho hàng cứu trợ, trạm ứng phó khẩn cấp đã được xây dựng ở những vùng trọng điểm để sẵn sàng ứng cứu tại chỗ kịp thời; 24.000 ha rừng ngập mặn được trồng ở ven biển đã góp phần cải thiện môi trường sinh thái, giúp người dân có việc làm và đặc biệt là phòng chống bão biển. Cùng với lực lượng vũ trang và quốc phòng, Hội là một trong 3 lực lượng có mặt sớm nhất tại địa phương, địa bàn bị thiên tai để sơ tán đồng bào, cứu người bị nạn, cứu trợ lương thực, chuyển thực phẩm, thuốc men, đồ dùng thiết yếu tới tận tay người bị nạn. Sau thiên tai, Hội còn quan tâm nhiều tới việc thực hiện các hoạt động phục hồi như: dựng nhà, cấp vốn, giúp vật nuôi, cây trồng, tạo việc làm mới... nhằm ổn định đời sống và sức khoẻ nhân dân.

Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã và đang hợp tác với một số tổ chức quốc tế và Hội quốc gia như: Hội Chữ thập đỏ Na Uy, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản, Đan Mạch, Cộng đồng châu Âu, Cơ quan phát triển quốc tế Vương quốc Anh... thực hiện nhiều chương trình, dự án tập trung vào việc phòng ngừa và ứng phó thảm họa, trồng rừng ngập mặn. Với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, các dự án đang thực hiện thu được hiệu quả cao, mang lại lợi ích thiết thực cho người hưởng lợi, những người bị tổn thương trong cộng đồng.

Sau lễ mít tinh, các đại biểu là cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội và Câu lạc bộ 25 (Câu lạc bộ Hiến máu trực thuộc Trung ương Hội) đã hưởng ứng tham gia Chương trình Hiến máu nhân đạo.

Tin, ảnh: THU HƯƠNG