leftcenterrightdel
Các bác sĩ trong ca phẫu thuật cháu Ph. 

Anh Nguyễn Đình Chiến kể, cháu Nguyễn Đình Ph. con trai anh bắt đầu có biểu hiện từ lúc 4 tháng tuổi với những điệu cười khác thường, đến 1 tuổi thì cứ cười xong là nôn, khoảng 30 trận cười/tuần, bắt đầu từ 2 tuổi, các cơn cười xuất hiện nhiều hơn, lúc này gia đình mới đưa cháu đi khám. Ròng rã suốt 6 năm qua, cháu Ph. và gia đình đi khắp các bệnh viện từ tuyến tỉnh đến bệnh viện Trung ương, rồi hết trong Nam ra ngoài Bắc để tìm cách chữa bệnh “cười” cho con. Lúc bình thường thì cháu Ph. cũng nô đùa, học tập như các bạn cùng lứa, nhưng khi “lên cơn” thì cháu cười thành tiếng, cười sằng sặc bất cứ lúc nào, và chẳng có lý do gì; ở bất cứ đâu, đang học, đang chơi, thậm chí trong lúc ngủ. Thời gian ít là xuất hiện 4-5 trận cười/ngày nhưng cũng có khi 15-16 trận cười/ngày, lúc nhỏ là 5-10 giây/ trận cười, khi lớn có trận cười kéo dài 30-60 giây… Khi điều trị tại các bệnh viện, được kê nhiều loại thuốc uống, ban đầu thì có giảm, nhưng khi không dùng thuốc, các trận cười lại xuất hiện, càng về sau, sự kháng thuốc càng tăng, uống thuốc vào lại cười nhiều hơn.

“Cách đây 6 tháng, qua tìm hiểu tôi đã đưa con đến khám tại Trung tâm Phẫu thuật thần kinh - Bệnh viện Việt Đức và đưa kết quả hành trình khám chữa bệnh từ lúc cháu 2 tuổi cho bác sĩ. Sau khi khám, tìm hiểu, bác sĩ Trần Đình Văn đã cho cháu đi chụp cộng hưởng từ và phát hiện u thịt thừa trong não của cháu. Bác sĩ Trần Đình Văn cho biết, đây là nguyên nhân gây nên các cơn cười của cháu, đồng thời chỉ định mổ nội soi và giải thích các nguy cơ cho gia đình, nhưng để chữa bệnh cho cháu gia đình đã đồng ý mổ. May mắn thay, một tuần sau phẫu thuật, con tôi đã không còn cơn cười bất thình lình như trước nữa, hoàn toàn như những đứa trẻ bình thường ”, bố cháu bé xúc động nói.

leftcenterrightdel

Vết mổ nhỏ trên đỉnh đầu cháu Ph.

Theo bác sĩ Trần Đình Văn, trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Đình Ph. là bị thể động kinh cơn cười, nguyên nhân do “u” ở não tên khoa học là Harmatoma (chuyển sang tiếng Việt là u mô thừa) . Ngoài cháu Ph., Trung tâm Phẫu thuật thần kinh còn đang quản lý 3 bệnh nhân khác với ba biểu hiện khác nhưng cùng nguyên nhân “u” này gây ra. Đó là một bệnh nhân nữ 10 tuổi có biểu hiện dậy thì sớm, rối loạn hành vi, dù mới 10 tuổi nhưng cơ thể phát triển như thiếu nữ và hành vi, trí tuệ kém phát triển. Một bệnh nhân khác là bé trai 2 tuổi có biểu hiện dậy thì sớm, giọng ồm, mọc lông mu ở bộ phận sinh dục. Và một bé mới 9 tháng tuổi có biểu hiện thể động kinh kích động, cháu có thể kêu, rít kéo dài 7 tiếng và chỉ nghỉ mấy phút.

Trao đổi với chúng tôi, GS, TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, có thể hiểu nôm na Harmatoma như một cục thịt thừa trong não, nhưng ở vị trí dưới đồi nên gây ra nhiều triệu chứng khác nhau như động kinh, dậy thì sớm, rối loạn hành vi, nội tiết… Vì Harmatoma có kích thước rất nhỏ, có thể như hạt mụn cơm nên chụp cắt lớp không nhìn thấy mà phải chụp bằng cộng hưởng từ và đôi khi chụp cộng hưởng từ cũng bị che lấp. Do ở vị trí nguy hiểm vì nếu sai một ly sẻ ảnh hưởng đến cuộc sống của các cháu, nên khi phẫu thuật các bác sĩ sẽ không cắt hẳn “u” này mà chỉ là cắt rời cuống dính vào não. Ca phẫu thuật có thể thành công ngay trong lần cắt đầu tiên như trường hợp cháu Nguyễn Đình Ph., nhưng cũng có thể phải phẫu thuật 2-3 lần; tỉ lệ dính lại ít có thể xảy ra.

Dưới sự chủ trì của GS, TS Đồng Văn Hệ, cùng nhóm điều trị bệnh động kinh cùng với sự chuyển giao kỹ thuật mổ của GS, TS Olivier Delalande (chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật động kinh Nhi của Pháp), cháu Ph. là bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật bằng phương pháp nội soi cắt rời cuống dính não tại Việt Nam và bước đầu cho thấy thành công. "Kỹ thuật phẫu thuật nội soi này được GS, TS Olievier Delanlaude thực hiện gần 100 ca tại Pháp với 80% ca thành công. Nếu kỹ thuật này được phổ biến tại Việt Nam sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, bởi hiện nay tỉ lệ trẻ dậy thì sớm, rối loại hành vi, động kinh do “u” thừa là bắt đầu tăng. Trong khi đó, tại một số bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến dưới thường không nhận biết được các triệu chứng, hoặc không có đủ chuyên khoa nên thường điều trị bệnh động kinh tại các khoa tâm thần, bằng cách uống thuốc kéo dài. Do đó, khi thấy con có triệu chứng khác thường cần cho đi khám đúng chuyên khoa về thần kinh, đặc biệt là chuyên khoa nội thần kinh", GS, TS Đồng Văn Hệ nói.

Bài, ảnh: MINH ĐỨC