Có vẻ như những yêu cầu, chỉ thị về việc đổi mới công tác thi đua khen thưởng, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục vẫn chưa đến được với cơ sở.
Học sinh đạt điểm mấy là chấp nhận được? Lớp có bao nhiêu em được khen thưởng là đạt chỉ tiêu thi đua? Nhà trường có bao nhiêu phần trăm khá, giỏi là đạt yêu cầu?... Những câu hỏi đó vô hình trung đang tạo áp lực thành tích cho chính các thầy, cô giáo và các nhà trường. Một phụ huynh cười ngượng nghịu với bạn bè khi nói về bài thi của con mình chỉ được điểm 7. Với hầu hết phụ huynh thì điểm 8 hay 9 trở lên mới là đạt yêu cầu. Lớp học có tới 3/4 số học sinh đạt khá, giỏi; thời gian qua, nhiều nhà trường 100% học sinh đều đủ điều kiện lên lớp. Thế mà có học sinh đọc chưa thông, viết chưa thạo. Thế nên người ta gọi đó là tình trạng “ngồi nhầm lớp”. Những câu chuyện đó đã và đang có thật. Nó đang tạo nên một áp lực vô hình khiến chuẩn đánh giá thành tích dường như được nâng lên chạm ngưỡng thành tích ảo.
Nhiều năm qua, ngành giáo dục luôn kêu gọi học thật, thi thật, kết quả thật. Nhưng với áp lực của xã hội, sự kỳ vọng của phụ huynh vào con em mình và áp lực của thi đua, vẫn còn những chỉ tiêu được ngành đặt ra một cách cứng nhắc đã khiến các trường phải tìm cách để "lọt khe". Ví như tiêu chuẩn đánh giá, công nhận trường tiểu học đạt mức chất lượng tối thiểu phải có tỷ lệ học sinh xếp loại trung bình trở lên đạt ít nhất 90%, loại khá ít nhất 30%, xếp loại giỏi đạt ít nhất 5%... Đó là chưa kể đến những câu chuyện "cười ra nước mắt" của nhiều trường học, lớp học hiện nay khi tự đặt ra mục tiêu 100% học sinh đạt khá, giỏi, trong đó có 30-40% đạt giỏi trở lên… Nghe thì tưởng chuyện đùa, nhưng điều đó đang có thật ở nhiều cơ sở trường học hiện nay. Vì thế mới có những câu chuyện cuối học kỳ, phụ huynh hồ hởi khoe lớp của con mình có 50 học sinh thì có đến quá nửa các cháu xếp loại giỏi và nhiều danh hiệu khen thưởng từng mặt khác. Tính chung thì gần như cả lớp, các cháu đều có khen thưởng.
Nhìn những bài kiểm tra đánh giá cuối kỳ của con em mình, phụ huynh cũng không khỏi phiền lòng. Lời phê giờ đây ít được giáo viên viết tay mà phần nhiều đã thay bằng đóng dấu theo mẫu với những cụm từ khô khan như kiểu: “Bài tốt”, “Cần cố gắng hơn”, “Có tiến bộ”… Lời phê vô hồn, chẳng mấy tâm huyết và những điểm số đánh giá cao chót vót đôi lúc được cân đo đong đếm đặt bút để đạt chỉ tiêu chính là cách đánh giá không mang nhiều tính giáo dục. Thậm chí còn có cả hiện tượng thầy, cô giáo chủ nhiệm chủ động xin điểm giáo viên bộ môn cho học sinh lớp mình để lớp đạt điều kiện, đủ chỉ tiêu đề ra. Có lẽ cũng từ những góc khuất đó mà bệnh cào bằng, bệnh thành tích trong giáo dục đang có nhiều biến tướng ngày càng phức tạp hơn.
Thi đua trong giáo dục là cần thiết, thành tích của học sinh là quan trọng. Tuy nhiên, việc đổi mới giáo dục đang hướng đến hình thành năng lực, phẩm chất của người học thì những con số đánh giá cũng chỉ là tương đối và là một phần cần thiết của quá trình dạy học mà thôi!
TUỆ ANH