Trung tướng, Giáo sư (GS) Lê Xuân Lựu, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị là một trong những người tiêu biểu đó. Với sự cảm phục của mình, cũng là nén tâm nhang tiễn biệt ông về với thế giới người hiền, tôi xin viết đôi điều về ông.
Cuộc đời của Lê Xuân Lựu gắn liền với những trận đánh khốc liệt trong hai cuộc trường chinh cứu nước của dân tộc và lao động khoa học sáng tạo trong sự nghiệp trồng người. Tuy vậy, trong bài viết ngắn này tôi chỉ xin dừng lại ở một vài đặc điểm lớn trong cuộc đời của một vị tướng đã từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp; chống đế quốc Mỹ xâm lược và những đóng góp của một giáo sư, nhà giáo trong sự nghiệp khoa học, giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), cũng như một vài khía cạnh trong nhân cách đạo đức của ông-GS Lê Xuân Lựu.
Như đã nói ở trên, cả quãng đời trai trẻ của Lê Xuân Lựu gắn với chiến trường, trong những trận chiến đấu ác liệt. Lê Xuân Lựu sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống văn hoá, tinh thần cách mạng (xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) nên sớm được giác ngộ cách mạng. Ông tham gia hoạt động trước Cách mạng Tháng Tám. Sau những năm tháng miệt mài phấn đấu, đầu năm 1947, ông được điều vào quân đội.
Tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi trực tiếp có mặt trong nhiều chiến dịch đánh đuổi đế quốc Mỹ như Chiến dịch Bình Giã, Đồng Xoài và trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông có mặt ở hướng tây nam Sài Gòn. Khó nói hết được những gì ông đã đóng góp cho các đơn vị, cho các chiến trường trong những năm tháng hành quân đánh giặc.
Chắt lọc từ thực tiễn, bằng trí thông minh và khả năng sáng tạo, khi trở thành nhà giáo, Giám đốc Học viện Chính trị, GS Lê Xuân Lựu đã có nhiều đóng góp xuất sắc cho khoa học và sự nghiệp GD-ĐT của quân đội và đất nước. Trước hết, ông là một trong những người đi tiên phong đổi mới tư duy, nắm bắt nhu cầu thực tiễn và sự phát triển của khoa học công nghệ để mạnh dạn đề xuất với cấp trên, đồng thời cùng tập thể đảng ủy, ban giám đốc xác định nhiều chủ trương, giải pháp đột phá xây dựng Học viện Chính trị chính quy, mẫu mực, trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu của quân đội và đất nước. Nhìn lại quãng thời gian 15 năm công tác tại Học viện Chính trị, Trung tướng, GS Lê Xuân Lựu luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, cùng với Thường vụ, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện chăm lo xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; tập trung đổi mới công tác GD-ĐT và nghiên cứu khoa học của học viện; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ giáo dục làm nòng cốt trong công tác giảng dạy; tiến hành đổi mới nội dung, từng bước đổi mới phương pháp dạy và học. Với tài trí và sự tâm huyết của mình, chỉ trong thời gian không dài, Trung tướng, GS Lê Xuân Lựu cùng tập thể nhà giáo ở Học viện Chính trị đã tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng GD-ĐT, nghiên cứu khoa học của học viện. Lớp lớp cán bộ chính trị, chính uỷ, chính trị viên ra trường đã không ngừng trưởng thành, phát triển tham gia chiến đấu, công tác trên khắp các chiến trường, các đơn vị và lập nhiều chiến công xuất sắc.
Là cán bộ làm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong nhà trường quân đội, Trung tướng, GS Lê Xuân Lựu luôn phát huy tốt các giá trị và phẩm chất cao đẹp của một nhà giáo: Yêu ngành, yêu nghề, tận tụy với công việc, sống giản dị, mô phạm, chân thành với đồng chí, đồng nghiệp và hết lòng vì học viên thân yêu. Trong nghiên cứu khoa học, ông luôn miệt mài, say mê, bằng trí tuệ và sức lực của mình đã có những đóng góp hiệu quả vào các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học ở các cấp. Trên mặt trận đấu tranh tư tưởng lý luận, GS Lê Xuân Lựu luôn là chiến sĩ tiên phong. Với trình độ lý luận sắc bén, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, GS Lê Xuân Lựu đã tích cực tham gia đấu tranh chống lại các quan điểm, tư tưởng thù địch chống phá cách mạng; góp phần bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; cung cấp những luận cứ khoa học cho Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị trong hoạch định chiến lược xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân và xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.
Không chỉ là một nhà khoa học có uy tín, một nhà giáo mẫu mực, Trung tướng, GS Lê Xuân Lựu còn nêu tấm gương sáng về đạo đức, tư cách của người cán bộ. Trong các cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc, tuy phải chịu đựng nhiều gian nan, nguy hiểm, khó khăn, nhưng Lê Xuân Lựu vẫn một lòng, một dạ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng và quân đội. Trong hoàn cảnh nào, Lê Xuân Lựu cũng nêu cao tinh thần chiến đấu, tư tưởng quyết chiến, quyết thắng. Là người chỉ huy, lãnh đạo được dân mến, dân thương, đồng đội kính phục, nhưng Trung tướng, GS Lê Xuân Lựu không bao giờ lạm dụng lòng tốt của nhân dân và đơn vị, sống một cuộc đời hết sức giản dị. Theo đánh giá của nhiều người thì Trung tướng, GS Lê Xuân Lựu là người cán bộ vừa có đạo đức, vừa có tài, song toàn cả về chính trị và quân sự. Ông có ý chí chiến đấu cao, tinh thần chịu trách nhiệm lớn nên dám đấu tranh chống lại các quan điểm thù địch, chống lại mọi sự hoài nghi, dao động trong nội bộ, kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện suy thoái về đạo đức.
Trung tướng, GS Lê Xuân Lựu đã kết hợp hài hoà trong mình tình cảm cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ với tính cao thượng, nhân ái, thuỷ chung của một nhà giáo và tính nguyên tắc của một nhà khoa học để làm việc, cống hiến cho cách mạng và quân đội.
Với 91 tuổi đời, 71 năm tuổi Đảng, 47 năm tuổi quân, cùng sự cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng quân đội, Trung tướng, GS Lê Xuân Lựu được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Niềm tin vững chắc, bản lĩnh kiên trung, ý chí bền bỉ, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm, tận tâm tận lực với nhiệm vụ, đạo đức trong sáng, trung thực, lối sống giản dị, tác phong khiêm nhường, là những đặc trưng nổi bật trong nhân cách của Trung tướng, GS, Nhà giáo Ưu tú Lê Xuân Lựu.
GS, TS, NGND LÊ VĂN QUANG