Làng họa sĩ "chân đất”
Nghe tiếng đã lâu, vừa qua tôi mới có dịp ghé thăm ngôi “làng họa sĩ” Cổ Đô. Đi trên triền đê sông Hồng, từng cơn gió mát rượi như ru hồn người lữ khách. Làng Cổ Đô nằm yên bình dưới những hàng cau và mái ngói thâm nâu cổ kính. Gọi Cổ Đô là “làng họa sĩ” vì cả làng có khoảng 1.000 nóc nhà, với gần 5.000 hộ dân nhưng gần như nhà nào cũng có người cầm cọ vẽ tranh. Trong đó, có gần 30 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Anh Nguyễn Trường Yên, 35 tuổi là giáo viên THCS, anh có hẳn một phòng tranh riêng tại gia, nhiều bức tranh làng quê của anh đã có mặt ở phương Tây. Vậy mà chẳng bao giờ anh dám nhận mình là họa sĩ, anh bảo: “Họa sĩ như tôi ở làng Cổ Đô đếm không xuể. Người làng tôi coi vẽ tranh như một thú giải trí thường nhật. Những lúc rảnh tay, nông nhàn, khi chiều về họ lại mang giấy bút, toan, màu ra triền đê say sưa vẽ tranh. Không chỉ người lớn, những đứa trẻ cũng sớm làm quen với cây cọ, với màu sắc. Nhiều người đã trở thành những họa sĩ lớn”.
Triển lãm tranh “Sắc màu quê hương” ở Cổ Đô.
Người trong làng ai cũng biết đến cố họa sĩ Nguyễn Sĩ Tốt, người được mệnh danh là bậc thầy tranh làng Cổ Đô. Nguyễn Sĩ Tốt tốt nghiệp khóa 1, Trường Cao đẳng Mỹ thuật. Năm 1946, ông nhập ngũ, thời gian ở chiến trường ông đã cho ra đời hàng trăm bức họa, trong đó đậm nét nhất là những bức tranh về các chiến sĩ, làng quê, tranh cổ động về Bác Hồ. Về đời thường ông tiếp tục vẽ tranh và truyền dạy cho lớp trẻ. Gia tài tranh vẽ đồ sộ của Nguyễn Sĩ Tốt đã được con cháu lưu lại tại nhà Bảo tàng Mỹ thuật “Sĩ Tốt và gia đình” và được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cùng con cháu gây dựng, ngày nay trở thành điểm tham quan của du khách gần xa.
Hơn 20 năm cầm cọ vẽ tranh nhưng ông Nguyễn Ngọc Nho, Phó chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Cổ Đô không lý giải được vì sao người Cổ Đô có nhiều người vẽ tranh như vậy. Ông nói: “Có lẽ do đất đai, phong thủy ban tặng cho Cổ Đô nét hiền hòa thơ mộng với nhiều nghề truyền thống, với các hoạt động văn hóa nghệ thuật như hát tuồng, chèo… nên tâm hồn người Cổ Đô cũng bay bổng, đầy sáng tạo. Tranh Cổ Đô là những nét vẽ mộc mạc, dung dị, lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp trong đời sống hằng ngày”.
Để tranh làng Cổ Đô vươn xa
Đa số người Cổ Đô vẽ tranh không theo trường lớp chuyên nghiệp nhưng lại có niềm đam mê với mỹ thuật và được các bậc gạo cội trong làng “truyền nghề”. Những họa sĩ có tiếng của làng như anh Trường Yên, Phan Tùng đều có phòng tranh riêng của mình, khách Tây, khách Nhật Bản cũng từng ghé thăm nhưng hiếm hoi lắm mới bán được một bức tranh. Mấy năm trước các anh ký gửi tranh tại các phòng tranh ở Hà Nội. Tuy nhiên, phải chiết khấu cho cửa hàng giá cao và tình trạng tranh giả sao chép với giá rẻ bằng một phần ba tranh gốc, các anh xót xa lắm. Vì thế khi biết tin làng Cổ Đô có Nhà bảo tàng Mỹ thuật làm nơi triển lãm tranh, các anh rất phấn khởi.
Một ngày đầu tháng 10, tôi có dịp chuyện trò với các thành viên CLB Mỹ thuật Cổ Đô trong chính trụ sở của hội đó là Nhà bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô. Cảm nhận đầu tiên của tôi đó là sự khang trang và trưng bày rất chuyên nghiệp. Tầng một được làm nơi dạy vẽ tranh và nơi các hội viên sáng tác, tầng hai để trưng bày gần 300 bức tranh của 32 thành viên trong CLB. Họa sĩ Đỗ Sự, Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Cổ Đô tự hào: “Nhà bảo tàng được xây dựng từ năm 2008 nhưng chỉ mới bàn giao cho CLB Mỹ thuật sử dụng từ đầu năm 2016, đó là một bước ngoặt, là thời cơ để hoạt động mỹ thuật hội họa truyền thống của quê hương chúng tôi có điều kiện phát triển”.
Thế nhưng có cơ sở hoạt động rồi, phải làm sao thu hút được người xem, các họa sĩ bán được tranh và sống được bằng nghề? Đó là một câu hỏi đầy thử thách. Trong không gian buổi triển lãm tranh Cổ Đô vào tháng 10 vừa qua, với chủ đề “Sắc màu quê hương”, nhiều tác phẩm đã được giới chuyên môn đánh giá cao, chất liệu đa dạng, lối vẽ phóng khoáng. Họa sĩ Đỗ Sự, cho biết: “Đây là cuộc triển lãm tranh thứ hai của làng Cổ Đô bằng sự đóng góp hảo tâm, xã hội hóa. Các hội viên CLB tự nguyện góp mỗi người một triệu đồng, đồng thời cam kết trích 10-30% giá trị bức tranh bán được hỗ trợ cho CLB”. Kết quả thật bất ngờ, khi nhiều nhà mua tranh ở TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Trường quốc tế Nhật Bản tại Hà Nội về tận nơi để tìm mua và đặt hợp đồng thiết kế và sáng tác các tác phẩm nghệ thuật tại công sở, trường học.
Ông Nguyễn Ngọc Nho cho biết thêm: “Vừa qua chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ để đề nghị UBND TP Hà Nội công nhận Nhà bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô, đồng thời làm việc với Sở Du lịch Hà Nội xây dựng tuyến du lịch trong đó có Cổ Đô. Đây là cơ hội để chúng tôi quảng bá tranh làng mình. Để “tre già măng mọc”, CLB đang tổ chức một lớp học vẽ miễn phí cho 52 em nhỏ trong làng”.
Nhìn những nét vẽ còn ướt màu sơn trên trang giấy trắng của các “họa sĩ nhí”, ai nấy đều thấy ấm lòng và ánh lên hy vọng, bởi chính các em đang vẽ những bức tranh tương lai của làng Cổ Đô.
Bài và ảnh: PHẠM KIÊN