Với tôi, ông nghiêm túc lắm, xưng tôi, gọi anh. Lúc nào thoải mái lắm, lại có người thứ ba ông xưng “mình”. Tôi biết có quý tôi ông mới như vậy, và không chỉ với riêng tôi, ông quý ai cũng rất nghiêm đến mức làm cho họ phải khổ sở. Ông quan niệm phải nghiêm thì mới tiến bộ. Thời gian đầu tôi rất ngại gặp vì hay phải nghe “lên lớp”, “tuyên huấn”, hơn nữa ông lại nặng tai. Nhưng quen dần, tôi mới thấy đấy đích thực là một tấm lòng vàng, rất mực chân thành, vô tư, trong sáng hiếm có. Ông chăm chút tôi như con, xét nét từ cách đi đứng, ăn mặc, để ý từng câu nói, cật vấn từng câu chữ…Đến khi tôi hiểu thì ông đã yếu đi nhiều. Tôi lại quan tâm nhiều đến ông thì có khi ông lại không cho gặp bằng lời nhắn tập trung mà làm việc…Đến hôm nay thì thật sự ông đã xa chúng ta đi vào thế giới Người Hiền!
Tôi biết ông thời gian ở Cam-pu-chia, tôi ở đơn vị quân báo còn ông, là một “phiên dịch viên”. Lúc đầu chúng tôi tưởng đấy là một người Khơ-me chính cống vì từ cách nói năng, đi đứng, và nhất là sự am hiểu ngôn ngữ văn hóa bản địa đến sửng sốt. Ông không chỉ dịch ngôn ngữ mà còn “dịch” cả tư tưởng, tình cảm, ẩn giấu đằng sau từ ngữ. Để rồi, hôm nay ông ra đi mang theo cả cuốn tiểu thuyết, mà theo ông là ấp ủ cả đời, tâm huyết cả đời với bao yêu thương và hy vọng về sự hồi sinh và phát triển của dân tộc Khơ-me anh em. Tôi biết tác phẩm ấy ông gửi gắm cả tình yêu, một tình yêu đích thực đúng với nghĩa đen: Thời trai trẻ nhà văn có một mối tình rất đẹp với cô gái xứ Apsara quyến rũ.
Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung (bên phải) nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Ảnh: Thiện Nguyên.
Chàng trai Thái Nguyên Chung (tên thật của nhà văn Nguyễn Chí Trung) vào bộ đội năm 17 tuổi (1946) và nghiệp viết cũng bắt đầu từ đấy. Từng là bạn, rồi làm trợ lý cho nhà thơ cách mạng Trần Mai Ninh. Cũng từ đấy chiến sĩ Nguyên Chung được tiếp thu cái tâm huyết, bản lĩnh cùng tâm hồn nghệ sĩ của nhà thơ. Từ khi có Bức thư làng Mực, bạn đọc biết tới nhà văn Nguyễn Chí Trung nhiều nhưng ông vẫn chỉ nhận mình là người lính được giao nhiệm vụ gì thì cố gắng hoàn thành tốt. Người ta còn nhắc nhiều về tinh thần kỷ luật của anh lính viết văn Nguyễn Chí Trung. Năm 1961, thời gian tập huấn tại Sơn Tây, một lần đơn vị tổ chức đi xem bóng đá bằng ô tô ở sân Hàng Đẫy, bị lạc nhưng Nguyễn Chí Trung quyết tâm đi bộ gần 50km về đơn vị trước 5 giờ sáng để kịp tập thể dục! Về mối quan hệ thẩm mỹ giữa chủ thể nhà văn và cuộc sống trong đề tài chiến tranh cách mạng thì có lẽ ông là tấm gương rất tiêu biểu: Chỉ viết về những gì mình thấy, mình hiểu, mình cảm. Thế nên ông luôn xông vào những điểm nóng nhất của chiến trường. Lịch sử trận đánh Thượng Đức 1974 ghi lại (và cả các bạn văn của ông kể) ông đi theo tổ đánh bộc phá mở đầu. Năm 1979, ông cùng đoàn quân vào giải phóng Phnôm Pênh...
Nguyễn Chí Trung là nhà văn chí tình với bạn bè. Tôi được nghe kể nhiều chuyện ông hy sinh thời gian, vật chất, tạo điều kiện tốt nhất cho đồng chí mình viết. Rất nhiều người viết mới được ông phát hiện, bồi dưỡng và động viên viết, để rồi sau này họ trở thành những nhà văn tên tuổi: Trung Trung Đỉnh, Thái Bá Lợi…và cả Nguyễn Bảo, Nguyễn Trí Huân…Trường ca của Thu Bồn ra đời thì chính ông là “bà đỡ”!
Ở cương vị nào Nguyễn Chí Trung cũng vẫn là người lính chân thành, trung thực đến tận cùng, nhất là yêu dân, thương những người nghèo khổ đến cháy lòng. Ông kể thời làm trợ lý Tổng Bí thư có người “gạ gẫm” ông nhận số tiền lớn. Dĩ nhiên ông không thể cầm, vì chưa bao giờ và sẽ không bao giờ thế. Ấn tượng sâu nhất của ông thời kỳ này lại là giúp dân nghèo Thái Bình đòi được công bằng, trả lại uy tín và sự trong sạch cho Đảng. Sau này, ông hay cho tôi xem những bức vẽ của một cháu bị bệnh ung thư mà ông nhận đỡ đầu. Ông vừa giảng giải vừa khóc. Cái khóc của người già càng làm tôi cảm động, xót xa, ái ngại!
Sự nghiệp vẻ vang của người lính ở ông rất xứng đáng được sự ghi nhận từ phía Nhà nước, nhưng cái để đời với ông vẫn là những tác phẩm văn chương. Những tác phẩm kết tinh từ cả cuộc đời ông hy sinh cho cách mạng mà không hề nghĩ cho mình một hạnh phúc riêng. Ông cô đơn cả đời để cả đời ông tận hiến cho sự nghiệp chung. Ông viết nhiều thể loại: Ký, bút ký, tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết với đặc trưng là giàu chất thơ. Phải chăng vì thế mà tùy bút của ông rất hay, bay bổng, giàu cảm xúc. Phong cách tiểu thuyết Nguyễn Chí Trung không đi theo lối kể mà thuộc khuynh hướng văn hóa-tái hiện, lý giải sự chiến thắng trong chiến tranh bằng chiều sâu văn hóa. Nhờ vậy tiểu thuyết giàu chất huyền thoại, huyền thoại lại được kể từ thời hiện tại vừa linh thiêng huyền bí, xa xăm mà lại rất thực. Tiểu thuyết Tiếng khóc của nàng Út thực sự chinh phục bạn đọc ở sự làm sống lại lịch sử văn hóa các vùng đất, các tập quán của các bộ tộc Ê Đê, Xơ Đăng, Chăm Roi…vùng Tây Nguyên trung dũng anh hùng với các câu chuyện đi lấy nước Thần, bảo vệ đất đai xứ sở. Và hấp dẫn bạn đọc ở niềm tin bất diệt vào tình người, vào tình yêu nước non này…
Nhiều bạn đọc đang đón chờ tập tiểu thuyết thứ hai của ông về văn hóa, con người và chiến tranh ở xứ sở Chùa Tháp nhưng phút cuối, nhà văn đã không kịp hoàn thành. Sinh thời ông chưa bao giờ đòi hỏi cho riêng mình, các bạn chiến đấu, bạn văn của ông nhiều lần đề nghị Nhà nước phong tặng ông Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, song chưa thành. Nay ông không còn ở thế gian này, liệu danh hiệu mà ông xứng đáng được nhận ấy, có được truy tặng?
Với riêng tôi thì ông là một định nghĩa hoàn chỉnh nhất về tư cách nhà văn cách mạng!
Nhà văn, Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung tên thật là Thái Nguyên Chung, sinh tháng 2-1930 tại Hòa Phước, Hòa Vang, Quảng Nam, Đà Nẵng, là tác giả của các tác phẩm: Đà Nẵng (bút ký, 1950); Bức thư làng Mực (truyện ngắn, 1964); Hương cau (truyện ngắn, 1975); Khi dòng sông ra đến cửa (truyện ngắn, bút ký, 1981); Tiếng khóc của nàng Út (tiểu thuyết, 2007)…
Ông đã được nhận Giải thưởng văn học của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1972); Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2008); Giải thưởng Văn học ASEAN 2010.
NGUYỄN THANH TÚ