Bộ Ngoại giao gặp mặt mừng thọ đồng chí Lưu Văn Lợi (người ngồi, bên trái) 100 tuổi (1-7-2013). Ảnh: THIỆN VĂN
Tôi nghĩ thầm chắc mình sẽ được đi học trường lục quân “oai hùng”. Bất ngờ tập họp nghe phổ biến: Lệnh tổng động viên! Quân ta đánh lớn ở Cao Bằng. Tôi được phân công theo mấy trăm dân công ra phục vụ tiền tuyến. Có một cán bộ kéo tôi ra, hỏi có viết được một cái tin về dân công không? Tôi lắc đầu. Tôi chưa hề làm báo!
- Thôi đừng tranh cãi. Đã có giấy phân công về Báo Quân đội nhân dân. Đây là ngã ba đường rừng rẽ vào tòa soạn.
Tòa soạn đây à? Lúc ấy chỉ có ba người trong hai nhà tranh. Hình như cả ba người đều có chút ngơ ngác. Tất cả phóng viên thực thụ đều đang truy kích địch trên Đường số 4, đang gấp rút viết tin, bài về chiến thắng. Nhà in đang chờ bài vở.
Một người đứng tuổi, được giới thiệu là bác Lưu Văn Lợi, làm Thư ký tòa soạn và tạm thời phụ trách chung cả tòa báo. Đồng chí chủ nhiệm báo ốm, đi dưỡng bệnh. Chị Khang, làm thư ký đánh máy. Và tôi thì "tập viết”. Tôi ngả mũ chào bác Lợi, kiểu lính học trò. Chắc bác Lợi có chút thất vọng.
- Cậu có đọc được tờ báo tiếng Pháp này không?
- Đọc thì được nhưng không hiểu rõ nghĩa.
- Cậu có chụp được ảnh chiến đấu không?
- Tôi được người ta cho một cái máy ảnh, nhưng chẳng có phim.
Thế là trải qua nhiều tháng, bác Lợi cầm tay chỉ việc làm báo cho tôi, tận tình. Viết cho đúng tiếng Việt, viết cho rõ ý, không lạm dụng chữ Hán do các cố vấn truyền giao. Việt Nam có loại tranh thêu XQ nổi tiếng trong ngoài nước, đến đó thấy các thợ thêu hướng dẫn từng đường kim, từng sợi chỉ màu, tận tụy đến mức nào với các cô học nghề trẻ. Đó cũng là thầy và tôi.
Với tôi, không gì vui sướng bằng mỗi ngày học thầy thêm một chữ. Với cái tên “ải bắc” trên đường biên giới, tôi hỏi thầy mấy lần, thầy giảng tỉ mỉ đến mức có thể đưa lên mặt báo.
Thầy còn dặn với: "Cố học tiếng Pháp, để mở rộng tầm nhìn ra thế giới".
Cũng chẳng phải lâu gì để tôi biết trên biết dưới, biết ơn và kính phục thầy.
Thầy Lưu Văn Lợi là bạn của những nhà văn hóa, những văn nghệ sĩ có tiếng trong nước. Thầy viết báo tiếng Việt thời Cách mạng Tháng Tám, thầy đã viết sách bằng tiếng Pháp để vạch rõ chính sách của chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt Nam.
Thầy là Trưởng ban Biên giới của Tổ quốc Việt Nam, nhắm mắt là hình dung ra cảnh quan thuận, nghịch của từng cột mốc. Hà Nội có một cuộc họp vinh danh những người có công gìn giữ chủ quyền biển đảo, với thầy là nhân vật được yêu quý đặc biệt.
Trên mặt trận ngoại giao, thầy là một danh tướng suốt 50 năm giữ gìn danh giá của dân tộc Việt Nam.
Xin phép ghi lại lời của Phó thủ tướng Vũ Khoan về thầy Lưu Văn Lợi: “Uyên bác, lịch lãm, nắm chắc những kiến thức liên ngành và chuyên ngành, kể cả luật quốc tế”. Thầy được anh em ngoại giao tin cậy là người thẩm định cuối cùng các văn bản quan trọng. Anh em gọi thầy là cuốn từ điển sống của lịch sử vẻ vang của ngành ngoại giao. Thầy được nước Pháp mời làm giáo sư thỉnh giảng ở trường đại học danh tiếng Sorbonne về chủ quyền Việt Nam. Cá nhân tôi được dự lễ mừng thầy “đại thọ trăm tuổi”, thầy có để lại những câu tự sự:
Lăn lộn trọn đời đất ngoại giao
Việt Nam hai chữ rộng làm sao
Quốc uy vĩnh cửu giương không mỏi
Lãnh thổ ngàn xưa giữ chẳng hao
Kết bạn gần xa đâu có quản
Đánh thù lớn nhỏ dạ không nao
Thăng trầm thế sự xin cho gác
Một chút tâm nhàn ước chẳng cao.
Với tôi, những dòng ký ức trên là nén tâm nhang bày tỏ tấm lòng cảm phục sâu sắc người thầy-nhà báo, nhà ngoại giao kiệt xuất Lưu Văn Lợi mà lúc ở bên, tôi tự nhủ mình chưa thật xứng là trò.
PHẠM HỒNG