Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học từ 20 trường đại học, viện nghiên cứu của Việt Nam và Lào với 73 bài tham luận. Các tham luận tập trung vào những vấn đề chung về văn hóa trong thời đại hội nhập, văn hóa và toàn cầu hóa; chia sẻ quan điểm về việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; gợi mở những giải pháp phát triển văn hóa trong điều kiện mới và sự cần thiết đẩy mạnh hợp tác văn hóa, giáo dục giữa hai nước. Qua các nội dung trên nhằm khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa là nền tảng tinh thần cho sự phát triển xã hội bền vững của mỗi nước. 

Các đại biểu cho rằng, thời gian qua hai nước đã đẩy mạnh hợp tác toàn diện và hiệu quả, đạt được những thành tựu đầy ý nghĩa trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Về văn hóa, cả hai quốc gia đều xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của sự phát triển xã hội bền vững và trở thành nguồn lực nội sinh thúc đẩy và gắn kết kinh tế, xã hội và môi trường trong phát triển. Tuy nhiên, tác động của bối cảnh hội nhập và kinh tế thị trường đã tạo ra không không ít thách thức, nguy cơ, những rào cản đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống ở hai quốc gia.

Theo các đại biểu, đứng trước những nguy cơ và thách thức đó, hơn lúc nào hết, việc hai Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và Lào sát cánh bên nhau, chung sức bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trở thành nhu cầu tất yếu. Đó cũng là cách tốt nhất để bảo vệ tài sản vô giá của tình hữu nghị đặc biệt giữa hai quốc gia, hai dân tộc. Thực hiện chủ trương “hội nhập” nhưng không “hòa tan”, những năm qua cả hai nước Việt Nam và Lào đều khẳng định quan điểm hội nhập trên cơ sở đảm bảo lợi ích của dân tộc, đồng thời tôn trọng tính đặc thù dân tộc của những quốc gia khác. 

Nhận định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của mỗi nước, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dexanourath Seneduangdeth, Phó Chủ nhiệm Khoa Khoa học xã hội, Đại học Quốc gia Lào chia sẻ: Giá trị văn hóa truyền thống Việt - Lào là sự kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống của hai dân tộc trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đó là cơ sở vững chắc để phát huy và kết hợp sức mạnh của mỗi dân tộc với sức mạnh thời đại. Vì vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, hệ giá trị văn hóa truyền thống nhân văn đó cần được và nhất thiết phải được các thế hệ hai nước giữ gìn và phát huy. 

Để tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt - Lào, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong chủ trương xây dựng, phát triển văn hóa mỗi nước, cần chú trọng văn hóa kinh tế, văn hóa pháp quyền, văn hóa đạo đức, văn hóa chính trị để làm điểm tựa cho nền văn hóa hiện đại của mỗi dân tộc. Trong đó, xây dựng đường lối văn hóa phù hợp với tiến trình đổi mới đất nước, tăng cường giao lưu văn hóa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của thời đại để làm giàu hệ giá trị văn hóa của mình. Đồng thời, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, tác dụng của giá trị văn hóa truyền thống và tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt - Lào trong hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, kết hợp hài hòa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế của mỗi dân tộc; tăng cường định hướng xã hội chủ nghĩa và nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt - Lào.

TTXVN