Có lẽ, hiếm ai tìm đến NSND Xuân Hoạch để hỏi về xẩm “thính phòng”. Ông hứng khởi thấy rõ khi chia sẻ những hiểu biết sâu sắc về xẩm nhà trò (nhà tơ), những tên gọi khác của dòng xẩm có mô hình âm nhạc mang tính thính phòng, đã thất truyền từ lâu. Theo kép đàn tài danh, hiểu đơn giản, xẩm nhà trò là xẩm được biểu diễn trong nhà hát tư gia (ca quán) và đây là nét vô cùng độc đáo nếu so với các dòng xẩm Hà thành khác như: xẩm chợ, xẩm tàu điện. Có điều này thú vị, các cụ xưa đã phân định rõ ràng về không gian diễn xướng của các loại hình nghệ thuật: trong đình – chữ Nho, ngoài đình – chữ Nôm. Thế nhưng, xẩm “thính phòng” đã phá vỡ quy tắc đó, tạo nên tiền lệ chưa từng có: Hát Nôm trong nhà!

Không có văn bản nào ghi lại chính xác thời điểm ra đời của xẩm nhà trò. Tuy nhiên, có thể dễ dàng suy đoán, dòng xẩm này xuất hiện khá muộn vào đầu thế kỷ 20 khi đời sống đô thị được nâng cao và hệ thống ca quán (còn gọi là nhà tơ, nhà trò) đã nở rộ. Theo quan viên Quang Minh, người thường “cầm chầu” cho NSƯT Kim Đức – Đào nương cuối cùng của giáo phường ca trù Khâm Thiên, việc xẩm “chen chân” vào ca quán, không gian diễn xướng vốn dành riêng cho ca trù đã phản ánh nhu cầu thưởng thức ngày một phong phú của tầng lớp trung lưu, đối tượng khán giả chính của loại hình nghệ thuật được xem là “hàn lâm” này. Tất nhiên, khi bước vào ca quán – nơi lui tới của các tao nhân mặc khách, xẩm cũng được khoác áo mới, được trau chuốt cẩn thận từ giai điệu đến lời ca và trở thành một dòng xẩm mới của Hà Nội với tên gọi xẩm nhà trò (hay còn gọi vui là “xẩm thính phòng”).

Nhạc sĩ Thao Giang “đứng lớp” tại Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Ảnh do nhạc sĩ Thao Giang cung cấp. 
Tuy thế, nếu nghĩ xẩm “thính phòng” đã đánh mất phần nào vẻ đẹp mộc mạc nguyên bản của xẩm thì không đúng vì dù hát ở trong nhà hay ngoài chợ, trên tàu, “hồn cốt” của xẩm vẫn nguyên vẹn, vẫn là thơ lục bát, chữ Nôm, có khác chăng chỉ là tác giả văn học được lựa chọn kỹ càng hơn. Mà thực ra, chính xẩm “thính phòng” lại bổ sung một “phong vị” mới độc đáo cho xẩm Hà thành, đó là chất trữ tình, văn chương và tính tự sự bên cạnh xẩm chợ, xẩm tàu điện thiên về chất dân dã và tính cộng đồng. NSND Xuân Hoạch chia sẻ, cũng như xẩm chợ và xẩm tàu điện, xẩm “thính phòng” có những tác phẩm riêng chỉ thích hợp biểu diễn trong ca quán, chẳng hạn: Anh Xẩm (thơ Tản Đà), Mục hạ vô nhân (thơ Nguyễn Khuyến)… Điều thú vị là vừa ca, người nghệ nhân vừa thực hiện các động tác minh họa (diễn trò). Cái tên xẩm nhà trò phải chăng bắt nguồn từ đấy!

Ngoài ra, lại có những bài xẩm như Anh Khóa (lời thơ Á Nam Trần Tuấn Khải), chỉ cần thay đổi đôi chút về tiết tấu, lối hát là có thể trình diễn ở bất cứ không gian nào. Đúng như nhạc sĩ Thao Giang – Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam nhận xét, sự linh hoạt, thức thời và khả năng ứng tác của các nghệ nhân xẩm xưa thật đáng nể! Riêng các nghệ nhân “chuyên” xẩm nhà trò còn có thể sáng tác ca từ rất nhanh tùy theo yêu cầu gia chủ, từ bài xẩm mừng thọ đến lễ thôi nôi… Dù những bài xẩm “ứng biến” ấy đều đã rơi vào quên lãng nhưng rất may, thế hệ khán giả sau này vẫn có cơ hội chiêm ngưỡng khả năng sáng tạo kỳ lạ của các nghệ nhân xẩm xưa qua một huyền thoại - NSƯT Hà Thị Cầu - “Người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX”. Bà là một nghệ nhân “chân đất” thực thụ với giọng ca, tiếng đàn vô cùng mộc mạc, với những bài xẩm chợ được cất lên theo lối “rặt” quê kiểng nghe một lần là thấm sâu, nhớ mãi. Có ai ngờ, nghệ nhân dân gian không biết chữ ấy lại tạo nên một bài xẩm đậm chất “thính phòng”  trên nền điệu thập ân - Theo Đảng trọn đời, khiến hết thảy kinh ngạc. Chỉ có thể lý giải, sự tinh tế và tư chất văn chương đã có sẵn trong huyết quản của bât cứ nghệ nhân xẩm nào, dù họ chuyên xẩm chợ, xẩm tàu điện hay xẩm nhà trò.  

Rất tiếc, cũng như ca trù, xẩm nhà trò đã thất truyền cùng với sự suy tàn của hệ thống ca quán. Nhạc sĩ Thao Giang cho biết, việc tìm lại những bài xẩm “thính phòng” đặc biệt khó, một phần do tiêu chí khắt khe của nhà trò, không phải nghệ nhân xẩm nào cũng đủ tiêu chuẩn biểu diễn trong ca quán. Chính vì thế, đến nay, ông cùng các đồng nghiệp mới chỉ khôi phục được một vài tác phẩm trên cơ sở chắp nối các câu hát được “góp nhặt” từ nhiều nghệ nhân. Công cuộc hồi sinh xẩm “thính phòng” càng gian nan khi hầu hết các nghệ nhân dân gian đều đã khuất núi. Những người còn lại, có khi, cũng  chỉ nhớ “mang máng” về một dòng xẩm Hà thành nức tiếng thuở xưa…

HƯƠNG LAN