Chưa thể buông súng

Các cuộc giao tranh dữ dội diễn ra tại khu vực đông Ghouta trong hai ngày (từ nửa đêm 27-1), sau khi Chính phủ Syria và phe đối lập đạt được một lệnh ngừng bắn ở khu vực do lực lượng nổi dậy chiếm giữ này. Cơ quan Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, đã có giao tranh ác liệt kèm theo các đợt pháo kích và không kích dữ dội sau khi quân nổi dậy tấn công lực lượng chính phủ. Quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad cũng đã nã hàng chục quả tên lửa và đạn pháo vào đông Ghouta. Các nguồn tin tại chỗ cho biết, quân đội Syria đã đẩy lùi một cuộc tấn công của lực lượng nổi dậy tại đây.

leftcenterrightdel
Giao tranh ở đông Ghouta khiến người dân phải sơ tán trẻ nhỏ. Ảnh: TRT World

Cùng thời điểm này, cũng trên lãnh thổ Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28-1 đã chiếm được một vị trí chiến lược của lực lượng người Kurd, qua đó tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch “Nhành Ôliu” tại quốc gia Trung Đông này. Bộ chỉ huy chiến dịch “Nhành Ôliu” ra tuyên bố nêu rõ, sau vài ngày tầm nhìn hạn chế vì mưa lớn và sương mù, các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ cùng pháo binh đã tận dụng điều kiện thời tiết tốt lên để đánh chiếm núi Barsaya, gần vùng Afrin do người Kurd kiểm soát ở Tây Bắc Syria. Khu vực này có vị trí quan trọng khi nhìn ra các thị trấn Kilis và Azaz, nằm sát biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Tayyip Erdogan ngày 28-1 tuyên bố các lực lượng nước này sẽ quét sạch các phần tử khủng bố ở toàn bộ khu vực biên giới với Syria. Đây là một dấu hiệu cho thấy cuộc tấn công kéo dài 9 ngày qua của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực Afrin có thể sẽ được mở rộng thêm nữa. Tổng thống Tayyip Erdogan tuyên bố nước này có kế hoạch mở rộng chiến dịch quân sự "Nhành Ô liu" tại vùng Afrin theo hướng đông, sang các thành phố khác ở miền Bắc Syria, tới khu vực biên giới với Iraq, là địa điểm có sự hiện diện của các đơn vị quân sự Mỹ hỗ trợ lực lượng người Kurd ở Syria, nhằm đánh bật lực lượng các tay súng người Kurd ở quốc gia này. Phát biểu tại Ankara, ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục các chiến dịch cho tới khi quét sạch các tay súng người Kurd ra khỏi các khu vực dọc theo chiều dài biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan cũng tuyên bố nước này không “chiếm đóng” vùng Afrin của Syria. Ông Erdogan nhắc lại chiến dịch này chỉ nhắm đến những phần tử khủng bố.

Theo ghi nhận tại thực địa, các cuộc không kích và pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng dữ dội hơn. SOHR cho biết đã có 42 dân thường thiệt mạng trong chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên, Ankara đã phủ nhận việc nã pháo nhằm vào các khu vực dân cư.

Liên quan tới tình hình ở Syria, trong khi các cuộc giao tranh khốc liệt ở nhiều khu vực đang diễn ra thì cuộc chiến trên bàn ngoại giao cũng vô cùng căng thẳng. Ngày 28-1, chính quyền khu tự trị người Kurd ở Syria tuyên bố sẽ không tham gia vào Đại hội Đối thoại dân tộc, hội nghị hòa bình về Syria do Nga bảo trợ tại Sochi, diễn ra trong hai ngày 29 và 30-1. Phe đối lập Syria cũng tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị này. Liên quan tới các giải pháp ngoại giao, phát biểu với báo giới sau khi vòng đàm phán thứ chín do LHQ bảo trợ kết thúc tại Vienna, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Syria, S.De Mistura, thừa nhận cho đến nay các vòng đàm phán vẫn thiếu tiến triển để tìm ra một giải pháp chấm dứt cuộc xung đột đã bước sang năm thứ tám ở Syria.

Những đám lửa từ bên ngoài

Trong khi tình hình nội bộ rối ren, chưa có giải pháp thì các yếu tố bên ngoài tác động càng làm cho tình hình xấu đi. Mỗi bên đều có cái lý và chiến lược của mình tại Syria. Chính vì vậy, mỗi nước ủng hộ một bên; các lực lượng này lại tấn công lẫn nhau làm cho cuộc xung đột tại Syria ngày càng phức tạp.

 Nga vừa đưa ra cáo buộc Mỹ đã huấn luyện và thành lập các nhóm tay súng đối lập nhằm phá hoại tiến trình hòa bình Syria khi trước đó, Trung tâm Nga về hòa giải cho Syria ngày 26-1 cho biết, quân đội Syria đã phát hiện các phần tử khủng bố ở Syria sở hữu thiết bị vô tuyến điện tử chế tạo tại các nước phương Tây. Tuyên bố của Nga cho biết sau khi tiêu diệt 5 phần tử khủng bố tại khu vực al-Tanf của Syria, hiện do phía Mỹ kiểm soát bất hợp pháp, quân đội Syria đã phát hiện thiết bị chiến tranh điện tử hiện đại được chế tạo tại phương Tây.

Không chỉ Nga mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh báo hoạt động của Mỹ. Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag khuyến cáo Mỹ nên “chấm dứt việc hỗ trợ các phần tử khủng bố” nếu Washington muốn "tránh nguy cơ đối đầu" với Ankara ở Syria. Phó thủ tướng Bozdag cho biết Ankara đã đẩy mạnh cuộc tấn công nhằm vào các tay súng người Kurd tại Syria, đồng thời ngụ ý những ai ủng hộ tổ chức này (ám chỉ lực lượng người Kurd ở tỉnh Afrin, miền Bắc Syria) sẽ trở thành mục tiêu trong cuộc chiến tại đây.

Đáp lại, Cố vấn an ninh nội địa của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Thomas Bossert cho biết Washington lo ngại nguy cơ căng thẳng leo thang tại Syria trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch "Nhành Ô liu" tại Afrin. Để hạ nhiệt, ngày 27-1, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Mỹ đã thông báo sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết đang giám sát chặt chẽ việc cung cấp vũ khí cho YPG và sẽ tiếp tục thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara hối thúc Washington ngừng cung cấp vũ khí cho lực lượng mà quốc gia này liệt vào danh sách khủng bố.

NGUYỄN HÒA