Phát biểu tại cuộc họp quốc tế của các đại diện cấp cao phụ trách vấn đề an ninh diễn ra gần đây tại Ufa (Nga), Phó thư ký Hội đồng An ninh LB Nga Yuri Kokov nhận định: “Thời đại khủng bố công nghệ và kỹ thuật số đang đến. Xét về quy mô hậu quả, trong tương lai gần, khủng bố công nghệ và kỹ thuật số có thể sánh ngang với vũ khí hủy diệt hàng loạt".

Bên cạnh những lợi ích to lớn không thể phủ nhận như cung cấp thông tin, chia sẻ, trao đổi, liên kết con người với nhau, internet đã và đang trở thành môi trường cho những phần tử khủng bố hoạt động. Theo TASS, các chuyên gia ước tính hiện nay có khoảng 30.000 trang web có nội dung cực đoan và khủng bố. Những kẻ khủng bố đã biến internet thành cơ chế chính để quản lý và phối hợp với các nguồn lực, tài nguyên của chúng trên toàn thế giới. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay cho phép những kẻ khủng bố mở rộng địa bàn thực hiện các vụ tấn công mạng. “Tất nhiên, mục tiêu chính của chúng vẫn là các quốc gia có đóng góp lớn nhất trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế", ông Yuri Kokov nhấn mạnh. Ngoài ra, theo ông, lực lượng khủng bố quốc tế cũng đang âm mưu sử dụng vũ khí hạt nhân và sinh học cũng như hóa chất độc hại trong các cuộc tấn công của mình. Những kẻ khủng bố liên tục tìm cách tiếp cận thông tin về sản xuất vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học. Bên cạnh đó, chúng tăng cường sử dụng vũ khí công nghệ cao hiện đại để gây tội ác. Các lực lượng an ninh Nga đã phát hiện ra trường hợp lực lượng khủng bố dùng máy in 3D để in ra vũ khí hay chế tạo vũ khí bằng nhựa trong để đánh lừa các máy dò kim loại.

Trong tương lai, những kẻ khủng bố sẽ sử dụng công nghệ cao để thực hiện các vụ tấn công. Ảnh:Getty Images

Những báo cáo gần đây của các chuyên gia nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới đều dự báo, trong tương lai, các cuộc tấn công khủng bố sẽ được thực hiện bằng hình thức kỹ thuật số và thông qua không gian mạng. AI có thể trở thành tay sai đắc lực cho những phần tử khủng bố trong việc triển khai các vụ tấn công quy mô lớn. Sự phát triển không ngừng của AI kéo theo rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) để tấn công, các công cụ tấn công mạng tự động để can thiệp bầu cử, hay tạo ra các nội dung đánh lừa người xem với tốc độ lan truyền chóng mặt trên các mạng xã hội. Với tội phạm khủng bố, AI chính là công cụ thay đổi cuộc chơi vì công nghệ này giúp các cuộc tấn công khủng bố trở nên chính xác hơn, ít tốn thời gian. Quan trọng hơn, lực lượng khủng bố muốn thông qua AI nhằm ẩn giấu danh tính nhưng vẫn tạo ra khả năng sát thương nghiêm trọng nhất. Điều này có nghĩa, AI sẽ giúp những kẻ cực đoan cướp đoạt sinh mạng của mục tiêu trong khi chúng không cần có mặt tại hiện trường.

Thời gian gần đây, các nước trên thế giới đã có nhiều cuộc họp nhằm đưa ra yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về việc phát triển AI cũng như sử dụng thiết bị liên quan đến AI. Bên cạnh đó, quy trình xây dựng khung pháp lý đã được khởi động nhằm kiểm soát AI trên quy mô quốc tế để bảo đảm rằng công nghệ này sẽ không bị những kẻ có ý đồ xấu lợi dụng.

Thế giới đã và đang chứng kiến các hoạt động tán phát thông tin cực đoan, tấn công mạng để khủng bố. Nhiều quốc gia đã phải hứng chịu những tổn thất hết sức nặng nề trước sự tấn công của tội phạm khủng bố sử dụng công nghệ cao. Theo lời khuyên từ tập đoàn công nghệ thông tin số 1 Nhật Bản Fujitsu, chính phủ các nước phải thường xuyên tiến hành rà soát các hoạt động bảo mật, trang bị hệ thống bảo mật đáng tin cậy và kiểm tra hiệu quả bảo mật.

Chủ nghĩa khủng bố là một mối đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế. Để đối phó với những thách thức từ mối đe dọa khủng bố công nghệ và kỹ thuật số, các nước trên thế giới không thể hành động đơn lẻ mà cần phối hợp chặt chẽ với nhau mới có thể tìm ra những bước đi phù hợp, biện pháp đúng đắn trong cuộc chiến dài hơi này.

LÂM ANH