QĐND - Trên hướng đường số 7, ngày 17-4, một bộ phận lực lượng Đoàn 81 quân tình nguyện và Đội vũ trang Pat Chay Lào phối hợp với hai Trung đoàn 66 và 9 (Đại đoàn 304) tiến công tiêu diệt đồn Noọng Hét, tiếp đó đánh địch ở Bản Ban, buộc chúng phải rút chạy về phía Khang Khay. Được tin, một bộ phận lực lượng Đại đoàn 304 đánh chặn địch ở gần Bản Sao, gây cho chúng một số thiệt hại, bọn địch còn lại buộc phải rút về Cánh Đồng Chum. Tỉnh Hủa Phăn và vùng lân cận được hoàn toàn giải phóng.
 |
Nhân dân Lào thăm hỏi và tặng quà bộ đội tình nguyện Việt Nam sau chiến thắng Thượng Lào năm 1953. Ảnh tư liệu |
Ở hướng nam đường số 7, hai tiểu đoàn thuộc Đại đoàn 312 phối hợp với một đơn vị Bạn truy kích địch về Sầm Tớ. Hoảng sợ trước sức tiến công của Liên quân Việt-Lào, quân địch đóng giữ ở Mường Sồi, Bản Phiềng và Sầm Tớ lần lượt rút chạy. Ngày 18-4, các đơn vị thuộc Đoàn 81 và bộ đội địa phương Mường Mộc, du kích Xảm Chè phối hợp với Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304) vượt qua Then Phun tiến áp sát thị xã Xiêng Khoảng. Trước khí thế tiến công của Liên quân Việt-Lào, lực lượng địch ở đây hoảng sợ rút chạy về co cụm ở Cánh Đồng Chum. Quân địch đóng ở các vị trí Mường Ngạ, Mường Ngạn hoảng sợ cũng lần lượt rút chạy về Tha Thơm, Tha Viêng. Phát huy thắng lợi, một đơn vị Bạn do đồng chí Thao Tu chỉ huy tiến về phía đường số 7, kiểm soát đoạn đường dài từ biên giới Việt-Lào đến Xiêng Khoảng.
Trước nguy cơ Cánh Đồng Chum bị Liên quân Việt-Lào tiến công, Bộ chỉ huy Pháp vội điều động một số tiểu đoàn từ Nà Sản, kể cả lực lượng từ đồng bằng Bắc Bộ (Việt Nam) sang hỗ trợ, xây dựng Cánh Đồng Chum thành tập đoàn cứ điểm mạnh, cố giữ bằng được vị trí chiến lược quan trọng này.
Như vậy, sau hơn một tuần thực hiện cuộc truy kích quân địch rút chạy trên chặng đường 270km, từ Sầm Nưa về Cánh Đồng Chum, Liên quân Việt-Lào đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.500 tên địch, diệt và bức rút hàng loạt cứ điểm dọc đường từ Mường Pơn, Hủa Mường…, chỉ có hàng trăm tên địch chạy thoát về Cánh Đồng Chum.
Phát huy thắng lợi trên hướng Sầm Nưa - đường số 7 - Xiêng Khoảng, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho các đơn vị trên hướng sông Nậm U (hướng phối hợp) tích cực đánh địch. Ngày 21-4, Trung đoàn 148, Đoàn 82 quân tình nguyện phối hợp với đơn vị Quân đội Pa-thét Lào và du kích đẩy mạnh hoạt động, trong đó diệt một đại đội địch ở Mường Ngòi, thu nhiều vũ khí. Quân địch đóng ở Nậm Bạc hoảng sợ bỏ chạy về Pạc U. Ngày 26-4, Trung đoàn 98 và 148 tổ chức lực lượng tiến công cứ điểm Pắc Seng, loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 tên địch, thu một số vũ khí, quân trang, quân dụng. Tiếp đó, một bộ phận chủ lực và quân tình nguyện tiến công diệt địch ở Bản Vẽ.
Cuối tháng 4 năm 1953, các đại đoàn chủ lực cùng quân tình nguyện và lực lượng vũ trang Bạn tiếp tục truy kích đánh địch rút chạy từ khu vực sông Nậm U về Luông Phra-băng, uy hiếp kinh đô nước Lào. Phát hiện Liên quân Việt-Lào tiến xuống Luông Phra-băng, tướng Xa-lăng gấp rút điều động hai tiểu đoàn cơ động thuộc binh đoàn cơ động số 1 (GM1) từ Nà Sản sang, tổ chức thành tập đoàn cứ điểm bảo vệ Luông Phra-băng. Cuộc truy kích quân địch rút chạy và tiến công các vị trí địch của Liên quân Việt-Lào kéo dài đến ngày 18-5-1953 thì kết thúc với trận tiến công cụm cứ điểm Mường Khoa, diệt và bắt gần 300 tên địch. Kết quả toàn chiến dịch, Liên quân Việt-Lào đã diệt và bắt gần 2.800 tên địch, giải phóng tỉnh Hủa Phăn, phần lớn tỉnh Xiêng Khoảng và một số huyện của tỉnh Phông-xa-lỳ với 30 vạn dân, mở rộng căn cứ kháng chiến Lào, nối liền với vùng Tây Bắc Việt Nam.
Đây là chiến dịch Liên quân Việt-Lào thực hành vận động truy kích quân địch rút chạy dài ngày lớn nhất kể từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thành công của chiến dịch là ta và Bạn chủ động và kịp thời tạo yếu tố thắng lợi từ quá trình chuẩn bị đến khi thực hành chiến dịch. Trên hướng Sầm Nưa (hướng chủ yếu), bộ đội ta và Bạn đã hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch trong điều kiện chưa được chuẩn bị đầy đủ trước, lúc đầu mục tiêu chủ yếu là đánh tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa, song khi ta tiếp cận mục tiêu thì địch vội rút quân để tránh đòn tiến công lớn của ta và Bạn. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến dịch đã kịp chuyển từ cách đánh công kiên sang đánh vận động truy kích địch đường dài (270km) trên chiến trường rừng núi hiểm trở, gây cho địch nhiều thiệt hại. Đồng thời, đẩy mạnh tiến công tiêu diệt các đồn, bốt và vị trí địch trên hướng Xiêng Khoảng (hướng thứ yếu) và hướng sông Nậm Hu (hướng phối hợp) giành thắng lợi.
Đánh giá về thắng lợi của sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội hai nước trong chiến dịch Thượng Lào, tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Thượng Lào (2 đến 3-5-1953), Đại tướng Võ Nguyên Giáp nêu rõ: “Thắng lợi này là thắng lợi đầu tiên của quân đội nhân dân ta, của bộ đội chủ lực ta trong quá trình phối hợp chiến đấu với quân đội và nhân dân nước bạn, thực hiện nhiệm vụ quốc tế của Đảng ta, của nhân dân ta đối với cách mạng Pa-thét Lào. Đó cũng là thắng lợi lớn nhất của nhân dân và quân đội Pa-thét Lào kể từ ngày bắt đầu kháng chiến đến nay”(1). Trong diễn văn đọc tại lễ mừng chiến thắng Thượng Lào tổ chức tại thị xã Sầm Nưa (19-5-1953), Hoàng thân Xu-pha-nu-vông khen ngợi: “Bộ đội chủ lực và Quân tình nguyện Việt Nam sát cánh với Quân đội Lào Ít-xa-la, đã chiến đấu dũng cảm, có kỷ luật rất nghiêm và tinh thần quốc tế cao… Thay mặt Chính phủ và nhân dân Lào, xin tỏ lòng hoan nghênh và biết ơn sự giúp đỡ to lớn của nhân dân và quân đội Việt Nam đối với công cuộc giải phóng Lào”(2).
Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào đánh dấu bước phát triển mới của tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội hai nước Việt-Lào. Lần đầu tiên sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội hai nước trong một chiến dịch lớn đã giành thắng lợi vẻ vang, tạo tiền đề cho sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước ngày càng chặt chẽ và giành thắng lợi to lớn hơn. Với thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào, quân và dân Lào có điều kiện thuận lợi xây dựng, phát triển Sầm Nưa trở thành trung tâm căn cứ địa Trung ương, hậu phương kháng chiến của cả nước Lào, nối thông với nhiều vùng tự do của Việt Nam. Thế phối hợp tác chiến giữa quân đội hai nước trên chiến trường Thượng Lào và Bắc Đông Dương có điều kiện phát triển thuận lợi, góp phần đưa cuộc kháng chiến của quân và dân hai nước giành thắng lợi to lớn trong Chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, tiến tới kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ba nước Đông Dương.
Đại tá, TS Dương Đình Lập
1. Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam (1930-2007), Nxb CTQG, H, 2011, tr.260.
2. Lịch sử quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Lào (1945-1954), Nxb QĐND, H, 2002, tr.283-284.