Bài học từ Thái Lan
Học viện JMG Thái Lan là nơi đào tạo cầu thủ đầu tiên của đội bóng tên tuổi Arsenal tại châu Á. Thành lập từ năm 2005, ông chủ Rô-bớt cho bóng đá châu lục thấy tầm nhìn chiến lược và tham vọng vươn ra thế giới của bóng đá Thái Lan. Khi đó, người Thái đã kỳ vọng lứa cầu thủ khóa 1 của học viện này sẽ đoạt vé dự Wold Cup 2018. Thậm chí, ông chủ Rô-bớt còn lớn tiếng rằng, các đội bóng Thái Lan muốn tuyển quân của Học viện JMG Thái Lan phải đăng ký trước cả vài năm.
Tháng 6-2007, Học viện JMG Thái Lan tuyển sinh khóa 2 nhưng dường như mọi việc đã đi không đúng đường ray; do đó vào tháng 2-2008, Arsenal tức tốc điều ông Ê-rích sang đảm nhận vị trí giám đốc kỹ thuật. Hè năm 2008, khi các cầu thủ Học viện JMG Thái Lan đến tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, các học viên bắt đầu du đấu ở châu Âu, đá giao hữu với Học viện JMG ở Bỉ, với các đội U.16 Anderlecht, U.17 Lierse và thăm CLB Arsenal. Thế nhưng, sau rất nhiều nỗ lực và quyết tâm, cũng như giới chủ đôi bên đổ nhiều tiền bạc vào học viện, “quả ngọt” của Học viện Thái Lan JMG chỉ là tiền vệ Thong-Keoa được Muangthong United mua về vào năm 2011. Đầu năm 2012, Học viện JMG Thái Lan chính thức đóng cửa với một dòng giải thích ngắn gọn trên trang web chính thức của JMG Academy: “Giải thể vì thành quả khiêm tốn và nhiều mạo hiểm”.
HLV Grát-săng đã không còn được theo đuổi ước mơ “gõ đầu trẻ” ở Học viện Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG. Ảnh: Phan Lê.
Cuộc chạy trốn khỏi phố Núi
Quyết tâm và tiềm lực tài chính của bầu Đức ở thời kỳ đỉnh cao được các cổ đông chính tại Arsenal và HLV Văng-giê ghi nhận. Do đó, họ đã chiều theo nguyện vọng của bầu Đức, mở Học viện Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG ở phố Núi. Khỏi phải nói lúc đó người hâm mộ bóng đá nước nhà, lãnh đạo ngành thể thao sung sướng thế nào; ai cũng trông ngóng vào một tương lai tươi sáng của bóng đá Việt Nam. Danh tiếng của Arsenal được coi như sự bảo đảm chắc chắn về thành công của học viện nơi núi rừng Tây Nguyên. Kể cả khi Arsenal “rút chân” khỏi xứ Chùa vàng, rất nhiều người vẫn vững tin lứa cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG sẽ tỏa sáng. Thế rồi, khi U.19 Hoàng Anh Gia Lai tạo bệ phóng đưa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… vào đội U.19 quốc gia, người hâm mộ đã ngất ngây, mãn nhãn trước màn trình diễn của quân phố Núi. Sung sướng, hỉ hả, mơ mộng, mọi người bắt đầu nghĩ nhiều hơn đến VCK châu Á.
Mọi chuyện bắt đầu xấu đi khi bầu Đức không còn hái quả ngọt trên mặt trận kinh tế. Khi cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Công ty Cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) lên xuống thất thường, nhiều chuyên gia bóng đá lẫn kinh tế đã lo cho số phận của Học viện Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG. Nguyên tắc kinh doanh khi đầu tư lớn thì vay mượn là chuyện thường tình. Nếu cần thì thế chấp đến… bán tất, bán tháo. Khi Học viện Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG bị đem ra thế chấp ngân hàng, một lãnh đạo học viện này cho rằng: “Nếu bạn muốn mua một ngôi nhà to hơn, thì việc bạn cầm sổ đỏ của ngôi nhà cũ, hoặc của chính ngôi nhà mới đi vay vốn ngân hàng cũng là lẽ thường tình. Việc làm ăn của tập đoàn có lúc này lúc khác và không thể tránh khỏi những lúc khó khăn”.
Nhưng ở Luân Đôn, giới chủ Arsenal hiểu rằng, việc kết hợp với ông bầu phố Núi là hết sức mạo hiểm, sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của “pháo thủ”. Đó là chưa kể sau một thời gian dài hợp tác, không cầu thủ nào của Học viện Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG đủ sức chơi ở châu Âu, chứ chưa nói đến việc đủ trình độ vào đội hình của “pháo thủ”. Khi bầu Đức và Arsenal chính thức chia tay vào ngày 30-6 vừa qua, đôi bên đều không đưa ra bất kỳ bình luận nào. “Quả bóng” thế nào lại được đẩy về phía Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF). Trên trang chủ, AFF lý giải ngắn mà đau: “Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mối quan hệ này bị phá vỡ dựa trên sự thật là suốt 10 năm qua, các cầu thủ từ Việt Nam không được khoác áo bất cứ đội nào tại Arsenal”.
MINH MINH