Được tin bộ đội chủ lực của ta cơ động lên Tây Bắc giải phóng Lai Châu và phát triển sang Thượng Lào, tướng Nava, Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp vội vàng cho 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ (ĐBP) và liên tục tăng cường lực lượng nhằm xây dựng ĐBP thành tập đoàn cứ điểm mạnh. Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị thông qua phương án tác chiến chiến dịch ĐBP của Tổng Quân uỷ ... Đây sẽ là trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay, sử dụng 3 đại đoàn bộ binh, toàn bộ lực lượng pháo binh, công binh, phòng không.   

Tổng Quân uỷ nhận định: Để tiến hành Chiến dịch, ta gặp rất nhiều khó khăn; khó khăn lớn nhất là cung cấp mà chủ yếu là vấn đề đường sá(1). Theo phương án trên, nhu cầu hậu cần bảo đảm cho Chiến dịch rất lớn, gồm 434 tấn đạn, 7.730 tấn gạo, 140 tấn muối, 465 tấn thực phẩm, cứu chữa 5.000 thương binh... Ngày 20-1-1954 phải hoàn thành công tác chuẩn bị(2). Trong khi đó, khả năng huy động hậu cần tại chỗ rất hạn chế do Tây Bắc mới giải phóng, nhân dân còn rất nghèo, do vậy chủ yếu phải chuyển từ hậu phương lên. Các tuyến vận tải rất dài (từ Việt Bắc sang cách xa 700 km, từ Sơn La lên ngắn nhất cũng 150 km), địa hình rừng núi hiểm trở, nhiều sông suối, đường xấu... Để bảo đảm cho Chiến dịch, ngành Hậu cần đã dốc toàn lực và huy động 261.451 lượt dân công (12 triệu ngày công) bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch, trong đó 53.830 người trực tiếp chiến đấu (dự kiến 35.000 người); vận chuyển, cứu chữa 8.458 thương bệnh binh (dự kiến 5.000); bảo đảm 1.200 tấn đạn, 1.733 tấn xăng dầu, 14.500 tấn gạo, 268 tấn muối, 577 tấn thịt, 1.034 tấn thực phẩm và 177 tấn vật chất khác(3) (gấp gần 3 lần dự kiến ban đầu và hàng chục lần nếu đánh theo phương án “đánh nhanh, thắng nhanh”)... Với tinh thần “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, ta đã giải quyết thành công vấn đề khó khăn nhất của Chiến dịch là đường giao thông và công tác vận tải. Nổi bật là:

Giải quyết vấn đề đường giao thông

Toàn ngành Hậu cần cùng toàn dân bước vào chuẩn bị cho các chiến dịch Thu-Đông 1953 và chiến dịch ĐBP với tinh thần rất khẩn trương, đặc biệt là trên mặt trận giao thông- vận tải. Ngày 16-9-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị giao thông công chính toàn quốc. Trong thư, Người viết: “Năm nay, giao thông vận tải, nhất là công tác sửa chữa đường, cầu rất là quan trọng. Đường sá thông thì mọi việc dễ dàng...”. Người còn gửi tặng Hội nghị 7 huy hiệu làm phần thưởng cho những người lập thành tích xuất sắc nhất. Nhân ngày thành lập Quân đội (22-12-1953), Người gửi  thư động viên cán bộ cung cấp và dân công: “Thu- Đông năm nay, các cô, các chú lại ra tiền tuyến để cùng bộ đội diệt giặc để giải phóng đồng bào ta. Bác gửi lời thăm các cô, các chú và và mong các cô, các chú ra sức thi đua: Chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, giúp sức bộ đội giành thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ vượt mức”. Bác trao cờ “Quyết chiến, quyết thắng” cho Quân đội ta và trao cờ “Quyết tâm làm tròn nhiệm vụ” làm phần thưởng luân lưu cho các đơn vị hậu cần, dân công lập nhiều thành tích nhất.

Hàng vạn dân công đã được huy động cùng bộ đội công binh sửa chữa, mở rộng các đoạn đường hẹp, chuẩn bị các bến vượt sông, bến phà dự bị trên Đường 13, 41. Đầu năm 1954, Đường 13 đã thông xe đến Đường 41, Đường 41 đã thông xe tới Lai Châu, nhưng còn hẹp, nhiều cầu yếu, các đoạn qua đèo Lũng Lô và Pha Đin còn lầy, lún; bến phà Tạ Khoa thiếu phương tiện vượt sông... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử một phái đoàn Chính phủ đi kiểm tra, đồng thời, Người gửi thư động viên cán bộ, dân công: “... Công việc cầu đường là rất quan trọng. Nó cũng là một mặt trận mà các cô, các chú là chiến sỹ... Bác mong rằng, từ nay cán bộ và anh chị em dân công phải ra sức thực hiện kế hoạch thi đua, có chuẩn bị, có tổ chức thiết thực và dẻo dai để đưa chiến dịch cầu đường đến thắng lợi hoàn toàn. Đó là chiến công vẻ vang của các cô, các chú”(4). Với sự quan tâm của Đảng và Bác Hồ, chiến dịch cầu đường được đẩy mạnh. Hai trung đoàn bộ binh cùng bộ đội công binh và hàng ngàn dân công được huy động để mở rộng 89 km đường và tu sửa 100 cầu hư hỏng trên đường Tuần Giáo - ĐBP (là con đường vào địa bàn tác chiến) để ô tô gấp rút chuyển gạo và đạn cho các đơn vị... Hậu cần chiến dịch còn tổ chức tuyến vận tải bộ Sơn La - Mường Luân - Nà Sang bảo đảm cho các đơn vị ở Hồng Cúm; tổ chức thuyền, mảng theo sông Nậm Na chuyển 1.700 tấn gạo do Trung Quốc giúp từ Ba Nậm Cúm về Lai Châu. Trong giai đoạn chuẩn bị, các lực lượng cầu đường đã làm mới 89 km và sửa chữa nâng cấp được 500 km đường (trong đó có 200 km đường 41, đoạn từ Hoà Bình qua Suối Rút lên Sơn La và 300 km đường 13, đoạn từ Yên Bái đến Sơn La); mở các đường kéo pháo, đường vào các sở chỉ huy, kho tàng, trận địa(5)...

Tổ chức sử dụng lực lượng vận tải hợp lý

Xuất phát từ phương châm tác chiến, đặc điểm, nhiệm vụ, khả năng bảo đảm, Tổng cục Cung cấp xác định hậu cần Chiến dịch lấy vận tải cơ giới là chủ yếu,  triệt để phát huy cơ giới, đồng thời hết sức tranh thủ mọi phương tiện thô sơ. Toàn bộ 16 đại đội ô tô vận tải (534 xe) của Tổng cục Cung cấp đã được sử dụng (tuyến chiến dịch sử dụng 446 xe); có thời gian còn được tăng cường 94 xe của các các đơn vị binh chủng. Phong trào thi đua “Vượt cung, tăng chuyến, tiết kiệm xăng dầu, giữ gìn xe tốt” phát triển sâu rộng trong các đơn vị vận tải. Hơn hai vạn xe đạp thồ (tuyến hậu phương sử dụng 18.491 chiếc, tuyến chiến dịch 2.500 chiếc), hàng vạn dân công, hàng ngàn ngựa thồ, thuyền mảng... được huy động phục vụ Chiến dịch. Tuy vận tải thô sơ và sức người chỉ chiếm 10% tổng khối lượng vận tải, nhưng rất có giá trị, đặc biệt ở hoả tuyến, nơi ô tô không thể đến được. Nhà báo Giuyn- Roa, nguyên đại tá quân đội Pháp cho rằng: “... không phải viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Nava mà đó là những chiếc xe đạp Pơgiô thồ 200-300 kg hàng, do những dân công ăn không no, ngủ trên những tấm ni lon trải ngay trên mặt đất. Tướng Nava bị đánh bại bởi trí thông minh và quyết tâm chiến thắng của đối phương”(6).

Giải quyết thành công vấn đề tổ chức chỉ huy vận tải

ĐBP là chiến dịch lớn, sử dụng nhiều binh hoả lực; lực lượng hậu cần nói chung, vận tải nói riêng cũng đông và đa dạng. Chỉ riêng tuyến chiến dịch đã huy động 446 xe ô tô vận tải, 2.500 xe thồ, 11.500 thuyền mảng, 33.500 dân công, chưa kể sự tham gia của lực lượng khác. Tất cả đều tập trung trên các tuyến đường kéo dài hàng ngàn kilômét, trên không gian rộng nên vấn đề chỉ huy rất phức tạp. Vì vậy, Bộ chỉ huy Chiến dịch đã tăng cường phương tiện thông tin (vô tuyến và hữu tuyến điện) để chỉ huy trên từng chặng và toàn tuyến, giữa Tổng cục Cung cấp hậu phương và tiền phương. Tuyến vận tải chiến dịch bố trí 18 trạm điều chỉnh chỉ huy giao thông ở các nút giao thông, đoạn đường hẹp, cua gấp nên đã tránh được ùn tắc tại các trọng điểm.

Nét nổi bật trong chỉ huy vận tải Chiến dịch là tổ chức các tuyến vận tải hợp lý, sau phát triển thành các tuyến hậu cần. Ngay từ đầu, Tổng cục Cung cấp đã phân ra tuyến hậu phương và tuyến chiến dịch với chức năng phân cấp rõ ràng; tuyến chiến dịch dài 350 km hình thành 4 binh trạm. Sau khi thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, tuyến vận tải chiến dịch phát triển thành 3 tuyến hậu cần: Sơn La-Tuần Giáo; Tuần Giáo-Km 62; tuyến hoả tuyến (km 62 trở vào). Đó thực chất là binh trạm hậu cần chỉ huy thống nhất các lực lượng thuộc quyền, trong đó có vận tải và cả lực lượng phối hợp bảo đảm giao thông.

Trên tuyến vận tải chiến dịch, ta tổ chức nhiều hình thức vận tải, vận chuyển trên cung ổn định 1- 2 đêm/chuyến; tổ chức vận tải cuốn chiếu, tập trung đội hình 1-2 đại đội ô tô, tạo chân hàng từng chặng. Cũng có lúc tổ chức đội hình xe gọn, vận chuyển thẳng hàng đặc biệt theo yêu cầu Chiến dịch. Phương pháp chạy xe cũng linh hoạt theo 1 chiều thuận hoặc “Tranh thủ chiều đi sớm, sáng về trưa, mưa lâm thâm chạy cả ngày”(7)... Nhờ đó, đã bảo đảm tốt cung độ, nâng cao năng suất vận chuyển, đáp ứng nhu cầu Chiến dịch và mở ra các hình thức chiến thuật của bộ đội vận tải ô tô.

Tổ chức tốt công tác bảo đảm, bảo vệ vận tải

Bảo đảm, bảo vệ vận tải có vai trò hàng đầu trong chiến dịch ĐBP vì địch có ưu thế và tập trung hoả lực đánh phá, điều kiện thiên nhiên rất khắc nghiệt, khả năng của ta còn hạn chế... Máy bay địch đã đánh 1.186 trận vào các tuyến giao thông, ngày cao nhất sử dụng 250 lần chiếc (có cả B26). Các đèo Lũng Lô, Pha Đin, các đầu mối giao thông Cò Nòi, Tuần Giáo, bến phà Tạ Khoa... thành trọng điểm đánh phá của địch (có ngày chúng ném xuống Cò Nòi và đèo Pha Đin 160-300 quả bom các loại.

Để bảo đảm giao thông thông suốt, Bộ chỉ huy Chiến dịch đã sử dụng 2 tiểu đoàn pháo cao xạ 37 mm, các tiểu đoàn súng máy 12,7 mm bắn máy bay; 4 tiểu đoàn công binh cùng hàng vạn dân công bám các trục đường đánh máy bay địch khắc phục hậu quả địch đánh phá bảo đảm giao thông. Từ tuyến trung tuyến trở lên ta đã sửa được 308 km đường ô tô, làm mới 63 km đường kéo pháo, phá 102 thác để tổ chức vận tải thuỷ trên sông Nậm Na... Tổng khối lượng đào đắp lên tới 35.000m3 đất, 15.000m3 đá, phá hàng ngàn quả bom nổ chậm(8). Vì vậy, trong suốt Chiến dịch “...hiếm có đoạn đường nào bị đứt quá 24 giờ. Hơn nữa, trong thời gian đường bị cắt đứt, việc vận chuyển vẫn được tiếp tục bằng cách chuyển tải hoặc đi vòng đường khác”(9). Cùng với đó, công tác bảo đảm kỹ thuật xe, tổ chức lực lượng bốc dỡ hai đầu, công tác chính trị, tư tưởng, nuôi dưỡng, bảo đảm sức khoẻ cũng được quan tâm toàn diện nên lực lượng vận tải luôn có quyết tâm cao và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Với tinh thần “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, quân và dân ta đã vượt mọi khó khăn, giải quyết thành công vấn đề khó khăn nhất trong chiến dịch Điên Biên Phủ là cung cấp mà chủ yếu là đường sá và vận tải. 60 năm đã trôi qua, vận dụng sáng tạo các kinh nghiệm trên, ngành Vận tải Quân sự đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và hai cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và Tây Nam. Hiện nay, kinh nghiệm công tác vận tải trong chiến dịch ĐBP vẫn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong chuẩn bị thế trận và tiềm lực vận tải, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá-ThS  TRẦN ĐÌNH QUANG (Bộ Tham mưu-TCHC)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Võ Nguyên giáp “Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử”,  Nxb QĐND, 2000, tr 49 - 50.

 2, 4. Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb QĐND, 1995 tr 270 - 272.

 3, 6, 9. Lịch sử Hậu cần Quân đội... Sđd, tr 289, 284, 281, 291.

    5, 7, 8. Công tác hậu cần chiến dịch ĐBP- Bài học kinh nghiệm và thực tiễn, Nxb QĐND, 2004, tr 155,  126, 127