Với người dân, đó là sự thuận tiện trong cả mua và bán; nói dân dã thì những khách hàng sẽ có thêm một nấc thang để tôn vinh như “thượng đế”. Với việc quản lý kinh tế, thương mại và quản lý con người thì thanh toán không dùng tiền mặt là phương thức hữu hiệu kiểm soát, ngăn ngừa, phòng, chống gian lận, buôn lậu, tham nhũng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, người dân và đất nước chúng ta sẽ không bị tụt hậu, không trở thành cá biệt…

Khách hàng thanh toán qua QR Code tại siêu thị. Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Tin tức

Đã có nhiều con số cho thấy triển vọng sáng sủa nằm trong tầm tay của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, như: Số lượng thuê bao di động thông minh sẽ lên đến 80 triệu vào năm 2020, tốc độ thanh toán điện tử ở nước ta mấy năm qua đã vào loại nhanh nhất trong 27 quốc gia được tổ chức PWC khảo sát; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong năm 2018 đã xử lý an toàn giá trị 73 triệu tỷ đồng, gấp 13 lần GDP, tăng trưởng 25% so với năm 2017; tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động hiện đạt mức hơn 61%...

Tuy nhiên, để tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt, chúng ta còn phải thực sự có thêm những bước đi mạnh mẽ, dứt khoát hơn để vượt qua những rào cản cả về kỹ thuật và tâm lý. Nền thương mại còn nhiều yếu tố manh mún nhỏ lẻ, những chợ dân sinh, chợ tạm, chợ cóc, những cửa hàng nhỏ, những gánh hàng rong, những hàng quán vỉa hè không có phương tiện, không quen và không cần trả tiền qua “con đường điện tử”, không có tài khoản ngân hàng. Với vùng sâu, vùng xa, bà con miền núi còn khó khăn hơn nữa. Các rào cản khác đến từ sự e ngại độ an toàn về bảo mật thông tin, từ thói quen dùng tiền mặt đến tâm lý thiếu tự tin trước công nghệ.

Sức mạnh, sức ỳ của tập quán, thói quen luôn là sức mạnh ghê gớm nhất. Mấy năm trước, khi nhìn những du khách nước bạn đi theo tour “không đồng” dùng điện thoại quét mã QR code, nhiều người dân ta biết đó là kiểu mua bán gian lận trên đất mình và trách cứ bộ máy quản lý. Họ đánh đồng việc thanh toán điện tử với những việc mua bán không chân thật, sòng phẳng nên ngoảnh mặt, ngại ngùng với phương thức điện tử. Nhưng những gì hợp lý, tiện lợi đã lan dần và trên đà thắng thế. Những người hiểu biết, những người trẻ sớm bắt nhạy và ưa thích công nghệ đã đi trước, họ đã và đang giúp đỡ những người khác, trước hết là ông bà, cha mẹ mình.

Một nền nông nghiệp công nghệ cao, một đất nước văn minh, hiện đại phải đi cùng với một nền thương mại thông minh, thành phố thông minh, chính phủ điện tử… Một người dân được tạo điều kiện, được giúp đỡ tiếp xúc, làm quen với công nghệ sẽ không bị “bỏ lại phía sau”. Nhà nước và các ngành, các cơ quan liên quan đã và sẽ tiếp tục có những chính sách, giải pháp để thúc đẩy văn hóa tiêu dùng, thanh toán điện tử. Sự đồng bộ, hoàn thiện của hệ thống sẽ giúp mọi người dân dễ dàng tiếp cận các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt. Còn phần mình, những “thượng đế” nhập cuộc cũng là thể hiện trách nhiệm đối với đất nước. “Quét mã QR đem quà về nhà”, lời mời gọi ấy đã cất lên. “Ngày không dùng tiền mặt” là cú hích cho văn minh thương mại và cũng là ngày hội mua bán của đông đảo người dân.

NGUYỄN ANH