Đó là lễ trao trả một số kỷ vật chiến tranh và cung cấp các thông tin liên quan đến quân nhân Việt Nam hy sinh của đoàn thuộc tổ chức “Hành trình của tình anh em” (Ride of the Brotherhood-RotB) do ông Ét-uốt Ph.Le-uýt (Edward F.Lewis), cựu binh Mỹ làm Chủ tịch cho phía Việt Nam, diễn ra vào ngày 27-4 tại Hà Nội.
Những kỷ vật chiến trường của liệt sĩ Trần Nhật Kỳ, chiến sĩ Sư đoàn 246, hy sinh ngày 25-3-1969 tại chiến trường Quảng Trị giáp Lào, được ông E.Ph.Le-uýt và bà Đon-na Ê-lên-nơ En-li-ốt (Donna Elaine Elliott), thân nhân binh sĩ Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam, trân trọng chuyển cho phía Việt Nam theo ý nguyện của cựu binh Mỹ Đin Các-tơ (Dean Carter) từng tham chiến ở Việt Nam.
Đây cũng là một trong những công việc mà cựu binh Mỹ E.Ph.Le-uýt làm từ 2 năm nay trong khuôn khổ chương trình nhân đạo có tên gọi “Trở về" (The return) của RotB nhằm cung cấp cho các cơ quan chức năng những thông tin về một số mộ tập thể của bộ đội Việt Nam và địa điểm nghi có hài cốt binh sĩ Mỹ.
E.Ph.Le-uýt chia sẻ rằng, ông cảm thấy bị thôi thúc mạnh mẽ phải làm công việc “giúp đỡ” này. Dù không trực tiếp tham gia cuộc chiến ở Việt Nam, nhưng cựu binh E.Ph.Le-uýt cho biết ông có các triệu chứng bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Đơn vị của ông đóng ở U-đon-tha-ni của Thái Lan vào những năm 1972-1973 và để thực hiện nhiệm vụ, ông đã có một số chuyến đi tới Đà Nẵng và Biên Hòa của Việt Nam vào thời kỳ đó.
Người đồng hành với ông, bà Đon-na Ê-lên-nơ En-li-ốt, hơn ai hết thấu hiểu nỗi đau của thân nhân những người lính mất tích trong chiến tranh. Không giấu được vẻ xúc động, bà cho biết, anh trai bà là một trong số binh lính Mỹ mất tích trong cuộc chiến ở Việt Nam. Bà bày tỏ mong muốn sẽ hỗ trợ được nhiều hơn nữa cho công việc nhân đạo tìm kiếm binh sĩ mất tích trong chiến tranh (MIA) của cả hai phía, giúp xoa dịu nỗi đau của hàng triệu gia đình.
Cựu binh E.Ph.Le-uýt, Chủ tịch tổ chức RotB trao trả cho phía Việt Nam kỷ vật chiến trường của liệt sĩ Trần Nhật Kỳ.
Kỷ vật của liệt sĩ Trần Nhật Kỳ bao gồm chiếc mũ cối và bi-đông nước mà binh sĩ Đin Các-tơ đã lưu giữ như một kỷ vật chiến tranh. Kể từ sau lần nổ súng lấy đi mạng sống của người lính Việt Nam này, Đin Các-tơ luôn bị ám ảnh và day dứt. Vẻ mặt cuối cùng của người lính ấy luôn xuất hiện trong những cơn ác mộng của ông. Đin Các-tơ hy vọng việc trao trả các kỷ vật của người lính Việt Nam ấy sẽ giúp ông chấm dứt ký ức đau buồn. Đin Các-tơ cũng chia sẻ rằng: “Ở Mỹ, gia đình của những người lính tử trận hay mất tích luôn mong mỏi được biết điều gì đã xảy đến với người thân yêu của mình và chắc chắn các gia đình ở Việt Nam cũng vậy”.
Đin Các-tơ mong muốn những kỷ vật đó sẽ được trao trả cho gia đình liệt sĩ Trần Nhật Kỳ hoặc người mà liệt sĩ Kỳ đã khắc chữ cái đầu của tên phía bên trong chiếc mũ cối mà Đin tin là bạn gái của người lính này (bên trong chiếc mũ cối có khắc dòng chữ “NK + MT = Vững hẹn”). Hoặc nếu không, ông rất hy vọng những kỷ vật của liệt sĩ Trần Nhật Kỳ sẽ được lưu giữ trong bảo tàng chiến tranh để người lính ấy mãi được ghi nhớ và tôn vinh như một người anh hùng đã chiến đấu dũng cảm.
E.Ph.Le-uýt và bà Đon-na Ê-lên-nơ En-li-ốt cùng với chương trình “Trở về” đã sang Việt Nam giúp ông thực hiện ước nguyện đó. Bức thư của cựu binh Đin Các-tơ đề nghị giúp ông thực hiện tâm nguyện, trong đó mô tả về lai lịch chiếc mũ cối và chiếc bi-đông của liệt sĩ Trần Nhật Kỳ, cũng được trao cho phía Việt Nam. Trước mắt, các kỷ vật sẽ được bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Trong chuyến đi, tổ chức RotB cung cấp cho phía Việt Nam thông tin về 5 trường hợp hố chôn tập thể của bộ đội Việt Nam ở Quế Sơn (Quảng Ngãi), Dầu Tiếng (Tây Ninh), Cam Lộ (Quảng Trị), Suối Tre (Đồng Nai) và Khe Sanh (Quảng Trị). Trong đó, trường hợp ở Dầu Tiếng có cả video quay lại cảnh lính Mỹ đang gom thi thể bộ đội Việt Nam để chôn trong hố chôn tập thể. Tất cả các trường hợp này, tổ chức RotB đều được cung cấp thông tin từ những người trực tiếp chứng kiến và có mặt tại hiện trường vào thời gian đó.
Với mong muốn thực hiện tốt hơn chương trình “Trở về”, tới Việt Nam, đoàn của tổ chức RotB hy vọng sẽ có thêm các thông tin về kết quả giải quyết vấn đề MIA của cả hai phía và nhân dịp này thảo luận về khả năng sử dụng thiết bị công nghệ cao như ra-đa xuyên đất trong việc tìm kiếm hài cốt.
Đại tá Trần Quốc Dũng, Phó cục trưởng Cục Chính sách, Phó văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đã bày tỏ sự trân trọng và đánh giá tích cực thiện chí cùng nỗ lực của tổ chức RotB trong việc cung cấp các thông tin quan trọng giúp tìm kiếm các quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh.
Cựu binh E.Ph.Le-uýt hy vọng, chuyến đi tới Việt Nam lần này sẽ thúc đẩy được hoạt động đầu tiên của chương trình “Trở về” tại Việt Nam, đó là hỗ trợ các cơ quan MIA của Việt Nam và Mỹ trong việc tìm kiếm hài cốt của hơn 600 liệt sĩ Việt Nam và 2 binh sĩ Mỹ mất tích. Trong các cuộc tiếp xúc với cơ quan chức năng của Việt Nam, đoàn sẽ thảo luận về các khả năng cũng như những hình thức mà RotB có thể hỗ trợ để triển khai sứ mệnh nhân đạo này.
Trao đổi với phía đối tác Việt Nam, cựu binh E.Ph.Le-uýt đã nhắc lại câu nói mang hàm ý sâu sắc về quan hệ Việt-Mỹ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm lịch sử tới Mỹ vào năm ngoái rằng: “Quá khứ không thể thay đổi nhưng tương lai phụ thuộc vào hành động của chúng ta, và trách nhiệm của chúng ta là bảođảm một tương lai tươi sáng”.
“Chúng tôi sẽ hành động để hỗ trợ các gia đình khổ đau, các cựu binh và những người có liên quan ở cả Mỹ và Việt Nam đang đau đáu về những người thân yêu bị mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Đó cũng là lý do chúng tôi đề xuất chương trình “Trở về”, cựu binh E.Ph.Le-uýt khẳng định.
Bài và ảnh: MỸ HẠNH