Mỗi quốc gia phải tự quyết định vận mệnh của mình

Ngày 2-6, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 đang diễn ra tại Singapore, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh rằng độc lập, tự chủ và tăng cường hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng của an ninh, hòa bình và phát triển. 

Là người đầu tiên có bài phát biểu tại phiên thảo luận thứ ba của diễn đàn an ninh quan trọng bậc nhất của khu vực với chủ đề “Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã chỉ ra một thực tế là những thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, trong đó có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, khủng bố… đang hiện hữu một cách rất rõ ràng, đặt khu vực châu Á-Thái Bình Dương trước những nguy cơ có thực và cận kề. 

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Phiên toàn thể thứ ba của Đối thoại Shangri-La lần thứ 17.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng lấy những diễn biến tích cực gần đây trên bán đảo Triều Tiên là ví dụ cho việc các bên liên quan ngồi lại với nhau, giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại; thay vì đối đầu, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương. Đối thoại là con đường tốt nhất, có thể giải quyết được nhiều vấn đề trên cơ sở lợi ích chung, tôn trọng luật pháp quốc tế và cơ chế khu vực.

Từ thực tiễn và kinh nghiệm, theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, để giải quyết các vấn đề an ninh phức tạp, trước hết mỗi quốc gia phải tự quyết định vận mệnh của mình đồng thời cần sự hỗ trợ, chung tay hành động một cách vô tư, công bằng, khách quan, vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước lớn. 

Với thông điệp: “Độc lập, tự chủ, tăng cường hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng của an ninh, hòa bình và phát triển”, Bộ  trưởng Ngô Xuân Lịch cũng nhấn mạnh những giải pháp để đạt được mục tiêu đó, trong đó các cấu trúc, cơ chế an ninh phải dựa trên luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, các chuẩn mực ứng xử được công nhận, các cam kết khu vực làm nền tảng và sự đồng thuận về chính trị giữa các bên trên cơ sở lợi ích chung. Bên cạnh đó, các quốc gia cần xây dựng sự tin cậy lẫn nhau thông qua tham vấn, trao đổi thông tin, tiếp xúc cấp cao và thúc đẩy hoạt động chung giữa các lực lượng quân đội và quan trọng nhất là các bên minh bạch hóa chính sách, thể hiện thiện chí, quyết tâm, thực hiện đúng các cam kết và nghĩa vụ pháp lý, lời nói đi đôi với việc làm. 

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: "Cần hành xử có trách nhiệm của tất cả các bên, nhất là các nước lớn; gánh vác trách nhiệm trong nỗ lực chung của khu vực vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đặc biệt là kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; không tiến hành các hoạt động đơn phương làm phức tạp thêm tình hình”.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cho rằng cần phát huy hiệu quả và mở rộng, đa dạng hóa các cơ chế đối thoại, hợp tác về quốc phòng-an ninh-chính trị, kinh tế trong khu vực và liên khu vực. Tiếp tục đẩy mạnh chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng ngừa, quản lý khủng hoảng, tiến tới hợp tác thực chất; trước hết trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, thực thi pháp luật trên biển, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, chống khủng bố, cướp biển... nghiên cứu xây dựng cơ chế mới hỗ trợ các bên giải quyết hòa bình các vấn đề an ninh, tranh chấp, nhất là các vấn đề phức tạp như bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Biển Đông…, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ, tuân thủ luật pháp quốc tế, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Khuyến khích sử dụng các kênh đối thoại để chia sẻ, trao đổi nhận thức của giới hoạch định chính sách, hướng đến bức tranh rộng lớn hơn, vượt tầm lợi ích quốc gia.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng của mình

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng khẳng định trong cấu trúc an ninh khu vực thì ASEAN là một mẫu hình hợp tác, liên kết thành công của các nước vừa và nhỏ; ngày càng đóng vai trò tích cực, trung tâm cho những nỗ lực chung. ASEAN cũng đã góp phần định hình cấu trúc an ninh, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định của châu Á-Thái Bình Dương. “Thực tế đã khẳng định một ASEAN đoàn kết, thống nhất có lợi cho tất cả các nước thành viên và các nước đối tác trong quản lý xung đột, bảo đảm an ninh, ổn định khu vực trên cơ sở lợi ích chung và lợi ích của mỗi quốc gia, phù hợp với luật pháp quốc tế”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch phát biểu.

leftcenterrightdel
Đoàn đại biểu Việt Nam dự Shangri-La 17 chụp ảnh lưu niệm.

Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN, là dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập ADMM+. Việt Nam sẽ làm hết sức mình để đưa ra tầm nhìn an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (trong khuôn khổ ADMM+); Phát huy vai trò trung tâm của ASEAN gắn với sự đoàn kết, thống nhất và trách nhiệm của các quốc gia thành viên ASEAN (trong khuôn khổ ADMM). “Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của các quốc gia đối tác, đối thoại cũng như các quốc gia khác, nhất là các nước lớn; trên cơ sở tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, để ADMM+ thực sự trở thành một cơ chế hợp tác quốc phòng mở và dung nạp, nhằm huy động sức mạnh tập thể đối phó có hiệu quả với những thách thức an ninh chung”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch bày tỏ.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Việt Nam luôn trân trọng giá trị của hòa bình; kiên trì chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển. Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; cân bằng chiến lược trong quan hệ với các nước. Xây dựng nền quốc phòng hòa bình, mang tính tự vệ; không liên kết với nước này chống lại nước kia; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước, trên cơ sở luật pháp quốc tế, quy tắc ứng xử khu vực và đòi hỏi các nước khác cũng như vậy. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, Việt Nam kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời cũng tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đối với vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch một lần nữa nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên định và ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); vừa là biện pháp xây dựng lòng tin chiến lược giữa ASEAN với Trung Quốc, vừa thể hiện quyết tâm của các nước đóng góp cho một trật tự an ninh khu vực dựa trên luật pháp quốc tế. 

Việt Nam cho rằng, mọi hành động vi phạm chủ quyền của nước khác, quân sự hóa và gia tăng sức mạnh quân sự đều không phù hợp với luật pháp quốc tế, đi ngược lại các cam kết khu vực. Thay vào đó, các bên có liên quan cần thể hiện trách nhiệm trong việc xây dựng một trật tự trên biển, để Biển Đông thật sự là vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, Quân đội Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào Chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc và mục tiêu Thiên niên kỷ; trong đó có nội dung gìn giữ hòa bình. “Vừa qua, trong một thời gian ngắn, lá cờ và bộ quân phục Việt Nam đã trở nên quen thuộc, tin cậy với Phái bộ Liên hợp quốc và người dân ở các vùng xa xôi thuộc châu Phi, nơi đang chịu hậu quả nặng nề của xung đột, chiến tranh”, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam chia sẻ.

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng dẫn câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “An ninh và tự do chỉ có thể được đảm bảo bằng sự độc lập của mỗi quốc gia với bất kỳ một cường quốc nào và bằng sự hợp tác tự nguyện của mỗi nước với tất cả các cường quốc khác”.

Trong phần hỏi-đáp sau khi các diễn giả trình bày, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã trả lời các câu hỏi của các đại biểu liên quan đến vai trò của ASEAN, về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương… Phần trả lời súc tích, ngắn gọn của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam được các đại biểu tại đối thoại hoan nghênh.

Ngày 2-6, Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 bắt đầu ngày họp chính thức đầu tiên với các nội dung ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định khu vực.

Trong bài phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất của Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đề cập tầm nhìn cũng như những biện pháp của Mỹ bảo đảm một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cởi mở và tự do. Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một lần nữa khẳng định giá trị của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đối với không chỉ an ninh, ổn định của Mỹ mà còn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Mỹ tiếp tục cam kết với tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương, với việc tăng cường hợp tác với trụ cột ASEAN, Ấn Độ để xây dựng một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và  thịnh vượng cho tất cả.

Để thực hiện tầm nhìn này, Mỹ đã có những chiến lược an ninh quốc gia và quốc phòng rõ ràng, dựa trên nguyên tắc hợp tác với các đồng minh, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, hợp tác với Trung Quốc, tìm kiếm cơ hội với các đối tác mới cũng như các cơ chế sẵn có trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nêu một số chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương.

Bên cạnh đó, nỗ lực giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng là một chủ đề trong chương trình nghị sự của Đối thoại Shangri-La, với những diễn biến tích cực gần đây trên bán đảo Triều Tiên và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12-6 tới tại Singapore. 

* Trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La lần thứ 17, ngày 2-6, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch tiếp tục có các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Onodera Itsunori và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne, hai Bộ trưởng đánh giá cao những phát triển gần đây trong quan hệ song phương. Hợp tác quốc phòng tiếp tục được hai bên triển khai hiệu quả theo đúng tinh thần Bản ghi nhớ đã ký năm 2010. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cảm ơn Bộ Quốc phòng Australia đã hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo ngôn ngữ cho lực lượng quân y, công binh của Việt Nam tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (GGHB LHQ), cũng như vận chuyển trang thiết bị của Bệnh viện Dã chiến cấp 2 tham gia hoạt động GGHB LHQ  tại Nam Sudan tới đây.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Onodera Itsunori, hai bên bày tỏ hài lòng với với những kết quả hợp tác quốc phòng thời gian qua, các lĩnh vực hợp tác ngày càng được mở rộng và đi vào thực chất, phù hợp với nhu cầu và khả năng đáp ứng của mỗi bên. Hai Bộ trưởng nhất trí thời gian tới tăng cường hợp tác song phương trên các lĩnh vực, như: Trao đổi đoàn các cấp; duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có; đào tạo; khắc phục hậu quả chiến tranh; GGHB LHQ; ứng phó thảm hoạ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; công nghiệp quốc phòng; quân y và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đánh giá cao quan hệ hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam-Pháp thời gian qua. Thời gian tới, hai bên tiếp tục nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm và có thế mạnh. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, Việt Nam luôn ủng hộ các nỗ lực tích cực của Pháp nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển tại khu vực; sẵn sàng ủng hộ Pháp tăng cường hợp tác với ASEAN.

Tin, ảnh: THU TRANG (từ Singapore)