Hiểu nội dung cũng như giá trị của tư tưởng này là cơ sở cho quán triệt, vận dụng, đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống.
Trong các nội dung về: “Phát triển văn hóa, xây dựng con người” thì vấn đề “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể…” được xem như một nét mới, đồng thời hàm chứa hạt nhân, nội dung cốt lõi của “Văn hóa Đảng”.
Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức xã hội, đơn vị… đều thể hiện với tư cách là một chủ thể văn hóa. Đảng trong hệ thống chính trị ở nước ta cũng là một chủ thể trực tiếp sáng tạo ra các giá trị văn hóa-Văn hóa Đảng. Văn hóa Đảng là một bộ phận của văn hóa dân tộc và của văn hóa chính trị ở nước ta. Tuy nhiên, trong cái chung đó, thì Văn hóa Đảng có sắc thái riêng. Văn hóa Đảng là “văn hóa lãnh đạo”, văn hóa của một chủ thể tiên phong của giai cấp, dân tộc. Văn hóa Đảng là kết quả của sự hội tụ các giá trị từ tầng sâu lịch sử văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại, mà cốt lõi là giá trị văn hóa chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa.
Thiếu tá QNCN Phạm Xuân Thủy (người ngồi), thợ sửa chữa ra-đa trên đảo Nam Yết (quần đảo Trường Sa) luôn gương mẫu đi đầu, là Chiến sĩ thi đua cơ sở, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015. Ảnh: Mạnh Thắng
Đảng ta xác định, một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII là: “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”.
Những nội dung trên thể hiện rõ Văn hóa Đảng trong văn hóa dân tộc; phát triển Văn hóa Đảng thống nhất với phát triển văn hóa dân tộc. Đảng là đội tiên phong của giai cấp, của dân tộc, thì ở góc độ văn hóa, Văn hóa Đảng là hạt nhân cốt lõi, là tinh hoa cao nhất của văn hóa dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cũng cho thấy một Văn hóa Đảng trong văn hóa dân tộc, đồng thời xác định trình độ cao nhất về văn hóa so với ở các tổ chức xã hội khác. Phát triển Văn hóa Đảng như một định hướng khoa học cho phát triển văn hóa dân tộc và văn hóa của các tổ chức xã hội khác. Vai trò đó là lịch sử dân tộc giao cho trong thời đại mới và cũng là sự gửi gắm niềm tin của nhân dân vào Đảng từ tầng sâu văn hóa. Do vậy, phát triển Văn hóa Đảng phải là quá trình có tính tổng hợp cao; đòi hỏi nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi và tinh thần đấu tranh chống cái phản văn hóa từ bên ngoài và bên trong, đào thải những tàn tích lạc hậu trong mỗi đảng viên một cách kiên quyết nhất.
Quán triệt, đưa tinh thần Văn hóa Đảng trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng vào giáo dục đội ngũ đảng viên là một phương diện cho phát triển Văn hóa Đảng. Chủ thể sáng tạo ra Văn hóa Đảng là mỗi đảng viên, mỗi tổ chức đảng ở các cương vị, chức trách và ở lĩnh vực khác nhau. Giáo dục đội ngũ đảng viên trên cơ sở hoàn thiện hệ chuẩn mực giá trị Văn hóa Đảng. Tư tưởng về: “Hoàn thiện các chuẩn giá trị văn hóa và con người Việt Nam…” trong Văn kiện Đại hội Đảng cần được cụ thể hóa một bước vào việc hoàn thiện chuẩn giá trị văn hóa và con người đảng viên hiện nay.
Sự hoàn thiện chuẩn mực giá trị Văn hóa Đảng là một nội dung của xây dựng môi trường Văn hóa Đảng-đó là tiền đề, điều kiện, động lực cơ bản định hướng, uốn nắn mỗi đảng viên qua tiêu chí: “Hợp chuẩn” thì được tôn vinh giá trị và “lệch chuẩn” thì bị lên án, phê phán mạnh mẽ. Khi đảng viên tuân thủ pháp luật, kỷ luật Đảng bằng lương tâm đạo đức, bằng phẩm giá giá trị nhân cách thì mới có tính chất văn hóa và sự bền vững cao. Những biểu hiện “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bước đầu được ngăn chặn, nhưng chưa bị đẩy lùi” như trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng đánh giá, có một nguyên nhân cơ bản là giáo dục Văn hóa Đảng chưa ngang tầm, chưa tương xứng; trong đó nổi bật nhất là lương tâm đạo đức, phẩm giá, giá trị nhân cách người đảng viên chưa đạt đến sự “thức tỉnh, tự giác”.
Giáo dục Văn hóa Đảng gắn liền với quá trình đấu tranh giữa hai mặt “giá trị” và “phản giá trị” trong môi trường văn hóa và trong mỗi đảng viên. Mỗi đảng viên cần tự tỏ rõ thái độ, động cơ, ý chí và hành vi thực tế, tạo hậu thuẫn cho những tấm gương tích cực đấu tranh với các biểu hiện “lệch chuẩn văn hóa, phản giá trị”, đồng thời tích cực tham gia góp phần vào xu hướng tích cực của các chủ thể trong môi trường Văn hóa Đảng.
Đấu tranh với những biểu hiện “lệch chuẩn văn hóa, phản giá trị” ngay trong bản thân mỗi đảng viên là nội dung, cách thức quan trọng nhất hiện nay. Những biểu hiện lệch chuẩn Văn hóa Đảng, như trong Văn kiện Đại hội XII đã chỉ rõ: “… suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng; lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái “lợi ích nhóm” đặc quyền, đặc lợi, nói không đi với làm”, có thể khái quát theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là thứ “giặc nội xâm”. Ở góc độ Văn hóa Đảng và đạo đức cách mạng, thì “nó là kẻ thù không mang gươm, mang súng, nhưng rất nguy hiểm”. Nó nằm trong nội bộ, trong mỗi con người đảng viên. Đấu tranh với nó rất khó khăn, phức tạp, lâu dài. Cần quán triệt, vận dụng quan điểm trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng về: “Đưa việc thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức thành một nội dung quan trọng trong mục tiêu: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức” thành nét đặc trưng của Văn hóa Đảng. Các nội dung đó được tiến hành đồng thời, duy trì thường xuyên để thành thói quen, nếp sống, lối sống văn hóa; trong đó, giáo dục tạo dựng tinh thần tự chiến thắng những cám dỗ về lợi ích cá nhân, sự lôi kéo của kẻ xấu, của các thế lực thù địch, sự tác động từ mặt trái kinh tế thị trường… là cơ bản.
Giáo dục Văn hóa Đảng cho đội ngũ đảng viên, như Đại hội XII của Đảng đã xác định là một trong những nét mới của nhiệm kỳ 2016-2020, thể hiện sắc thái riêng, tầm cao, chiều sâu của Văn hóa Đảng, rất cần được định hướng, quán triệt và vận dụng vào giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên một cách phù hợp, có chất lượng, hiệu quả trong nhiệm kỳ mới.
TS NGUYỄN VĂN THANH